Nội dung của Báo cáo
đã tập trung đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch
và chứng thực, cũng như đánh giá về nguyên nhân của tình trạng không tuân thủ,
những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Tại Báo
cáo, các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch (đăng ký kết hôn,
đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại
dân tộc) và chứng thực (chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký,
chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, chứng thực phân
chia tài sản thừa kế) do cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền áp dụng không
chính xác, thống nhất dẫn đến những vướng mắc, khó khăn cho người dân đã được
chỉ ra một cách cụ thể, xác đáng. Báo cáo cũng đánh giá về tình hình tuân thủ
pháp luật của tổ chức, công dân. Theo đó, việc tuân thủ pháp luật của tổ chức,
công dân trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực cơ bản đầy đủ, phù hợp. Tuy nhiên,
một bộ phận nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào di cư từ các tỉnh phía Bắc
và miền Trung vào lập nghiệp do đời sống còn khó khăn, việc tiếp cận, tìm hiểu
pháp luật về hộ tịch, chứng thực còn hạn chế nên chưa tự giác tuân thủ quy định
của pháp luật trong lĩnh vực này.
Báo cáo cũng đã nêu
lên những khó khăn, vướng mắc của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp
luật trên địa bàn tỉnh. Công tác phổ biến, quán triệt pháp luật ở một số đơn vị
mới dừng lại ở mức độ chung chung, chưa thực
sự sâu rộng và tính đến đặc thù của địa phương (đối tượng, địa bàn…)
hoặc chưa kịp thời tuyên truyền, phổ biến các quy định mới, do đó, chưa phát
huy hết hiệu quả của công tác này trên thực tế. Một trong những khó khăn lớn
nhất hiện nay là thực trạng bộ máy và nguồn nhân lực. Số lượng cán bộ, công
chức ở cấp huyện từ 4-5 người; ở cấp xã từ 1-2 người chưa đảm bảo đáp ứng được
yêu cầu công việc được giao của ngành tư pháp nói chung và trong lĩnh vực hộ
tịch, chứng thực nói riêng, đặc biệt là cấp xã. Số lượng yêu cầu về hộ tịch,
chứng thực ở cấp này rất lớn (đặc biệt ở khu vực đô thị với hàng nghìn vụ việc
hộ tịch, chứng thực/năm); các yêu cầu về hộ tịch, chứng thực chủ yếu phải thực hiện trong ngày, đòi hỏi
công chức phải tập trung giải quyết nên không bảo đảm thời gian để thực hiện
các nhiệm vụ tư pháp khác, phần nào ảnh hưởng đến việc thực thi công tác tư
pháp nói chung ở cơ sở. Ngoài ra, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp
luật tại tỉnh Đắk Lắk còn gặp phải những khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật
chất và kinh phí. Ví dụ như, công chức Tư pháp – Hộ tịch của các đơn vị cấp xã
thuộc huyện Cư M’gar và huyện Lắk làm chung phòng với công chức Văn phòng, địa
chính; các phương tiện làm việc như bàn ghế, máy vi tính, tủ hồ sơ… chưa được
bố trí đầy đủ hoặc phải sử dụng chung, một số Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
ở cấp xã chưa được bố trí nơi làm việc bảo đảm diện tích tối thiểu…
Tại phần cuối của Báo
cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk có những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội,
Chính phủ và Bộ Tư pháp về xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy
phạm pháp luật và thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tập
huấn, phổ biến pháp luật, bảo đảm về tổ chức, biên chế, kinh phí và các điều
kiện khác cho thi hành pháp luật.