Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính; đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PIJCO), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC); đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp. Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp.
Khai mạc cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói chung, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về kinh doanh bảo hiểm nói riêng, cho đến nay, vẫn là một nhiệm vụ có tính chất phức tạp, có phạm vi rộng, liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương. Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định mới, mang tính đột phá về thi hành pháp luật. Cuộc họp thể hiện sự chuyển hướng chủ động, tích cực trong thực hiện công tác thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp, hướng đến việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiến nghị, đề xuất phương hướng xử lý đối với các vấn đề cụ thể được phát hiện trong thực tiễn thi hành pháp luật. Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật mong muốn, cuộc họp về các mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm sẽ là hoạt động mở đầu cho chuỗi các cuộc hội thảo, tọa đàm, họp bàn tròn, tham vấn về tình hình thi hành pháp luật chuyên sâu với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.
Tại cuộc họp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Vụ VĐCXDPL) trình bày về thông tin phản ánh của Cộng tác viên về những nội dung được cho là mâu thuẫn, bất cập trong các quy định liên quan đến pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, cụ thể gồm: (1) Quy định về xử lý hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp có gian dối (cung cấp thông tin sai sự thật); (2) Quy định về gia hạn nợ phí bảo hiểm; (3) Quy định về chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn; và (4) xử lý phí bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn.
Các ý kiến tại cuộc họp, từ các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đến các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm, đều nhất trí nội dung phản ánh đã chỉ ra được những bất cập, vướng mắc giữa quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Những ý kiến phản ánh xác đáng này đã thể hiện những khó khăn, vướng của pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện nay trong điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã phát triển rất nhiều so với thời gian những năm 2000 khi xây dựng Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Hơn thế nữa, khi sửa đổi, bổ sung một số điều Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010 mới chỉ tập trung giải quyết 03 vấn đề là (1) tính tương thích, phù hợp với các quy định của WTO, (2) những mâu thuẫn với pháp luật về cạnh tranh, đấu thầu và (3) quản lý đại lý bảo hiểm. Chính vì vậy, tuy đã được sủa đổi, bổ sung vào năm 2010, vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, bất cập trong nội bộ pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và những mâu thuẫn, bất cập với các quy định pháp luật khác ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hợp đồng bảo nhiểm.
Nhiều ý kiến tại cuộc họp đã chỉ ra, hiện nay, pháp luật chuyên ngành về kinh doanh bảo hiểm không chỉ mâu thuẫn với Bộ luật dân sự năm 2005 mà còn cần xem xét tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật khác về hình sự, phòng cháy chữa cháy, thi hành án dân sự, phòng chống thiên tai... Điều này đặt ra yêu cầu về sự cần thiết nghiên cứu, đề xuất xây dựng pháp luật về kinh doanh bảo hiểm trong tổng thể tương quan với các lĩnh vực khác, đặc biệt là việc cân nhắc tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cũng theo các trao đổi, thảo luận của các thành viên tham dự cuộc họp, ngoài 04 vấn đề đã được cộng tác viên phản ánh, còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc trong các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm khác. Đó là các quy định của pháp luật trong Nghị định số 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 03 năm 2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Thông tư số 125/2012/TT-BTC ngày 30 tháng 7 năm 2012 hướng dẫn chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, Thông tư số 124/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và nghị định số 123/2011/NĐ-CP ngày 28/11/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.
Kết luận cuộc họp, Lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cảm ơn sự tham gia, góp ý hết sức thẳng thắn, có trách nhiệm đỗi với các thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo Hiểm. Các nội dung được công tác viên phản ánh sẽ được Vụ báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, làm cơ sở để Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, các quy định của Bộ Luật dân sự. Đối với nội dung phản ánh về quy định gia hạn phí bảo hiểm, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn được quy định tại điểm c tiết 1.1 khoản 1 Điều 18 Thông tư số 125/2012/TT-BTC, Vụ sẽ đề nghị Lãnh đạo Bộ giao Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định.