Xây dựng và thi hành pháp luật luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Cho đến nay, nhìn một cách toàn diện, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; chất lượng các văn bản pháp luật ngày càng được nâng cao, tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của các văn bản pháp luật ngày càng được bảo đảm. Những thành tựu trong công tác xây dựng pháp luật đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung ở Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, có thể nói, pháp luật chỉ thực sự phát huy được vai trò của mình trong quản lý nhà nước và xã hội khi được thi hành một cách đầy đủ và nghiêm minh. Thi hành pháp luật là hoạt động có ý nghĩa quyết định hiệu lực, hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Những phản hồi của xã hội trong quá trình thi hành pháp luật chính là thước đo hiệu quả xây dựng pháp luật, giúp cho việc phát hiện những vấn đề bất cập phát sinh nhằm rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.
Theo quy định của Hiến pháp năm 1992, cùng với việc giao cho Chính phủ nhiệm vụ, quyền hạn trong việc bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân (Điều 112), Hiến pháp năm 1992 cũng quy định Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (Điều 137), Viện Kiểm sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo trước Hội đồng nhân dân về tình hình thi hành pháp luật ở địa phương, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong phạm vi luật định (Điều 140). Tuy nhiên, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 thì các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát đã có một số thay đổi. Theo đó, Viện Kiểm sát chỉ thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Trong bối cảnh đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cũng được điều chỉnh để bảo đảm các nhiệm vụ quản lý nhà nước, đặc biệt là nhiệm vụ liên quan đến thi hành pháp luật. Luật Tổ chức Chính phủ, các Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tại các chương, điều, khoản có liên quan trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, các văn bản về cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính, về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, từ năm 2003, chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 135/2003/NĐ-CP); từ năm 2008 Chính phủ tiếp tục giao cho Bộ tư pháp chức năng mới, đó là quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật (Nghị định số 93/2008/NĐ-CP). Bên cạnh đó, Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 quy định chi tiết về biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cũng quy định trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc đánh giá tình hình thi hành các luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngành, lĩnh vực do mình phụ trách, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, trình Chính phủ. Các quy định này là cơ sở pháp lý trực tiếp để Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, các văn bản nêu trên mới chỉ dừng lại ở việc giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật nói chung và việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói riêng. Xét về tổng thể, vẫn chưa có một cơ chế hợp lý, đầy đủ, toàn diện để Chính phủ đánh giá tình hình tổ chức thi hành và áp dụng pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước; việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; khắc phục, xử lý những hạn chế, vướng mắc được phát hiện trong thực tiễn thi hành nhằm bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách đầy đủ, nghiêm minh, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Nhà nước cần có một văn bản có hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh và quy định chi tiết về nhiệm vụ này ở các bộ, ngành và địa phương.
Ngày 30/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1987/QĐ-TTg phê duyệt Đề án
“Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”. Đây là Đề án thực hiện thí điểm ở một số Bộ, ngành, địa phương mà kết quả đạt được đã đóng góp đầu vào quan trọng cho việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật nói riêng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật nói chung. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định 93/2008/NĐ-CP, ngày 03/3/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
Thông tư số 03/2010/TT-BTP hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Qua gần hai năm triển khai thực hiện, công tác theo dõi thi hành pháp luật đã dần dần đi vào nề nếp và nhận được sự quan tâm của nhiều Bộ, ngành, địa phương.
Đi đôi với việc xây dựng thể chế về theo dõi thi hành pháp luật, cơ cấu tổ chức, biên chế thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật cũng được quan tâm kiện toàn. Ở Bộ Tư pháp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật được thành lập, có chức năng giúp Bộ trưởng bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành pháp luật. Ngày 16/02/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Sở Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn cấp tỉnh; ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các tổ chức pháp chế đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Ngày 23/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số
59/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có 5 Chương, 20 Điều, quy định cụ thể về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Căn cứ Nghị định này, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước và đã bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Qua theo dõi triển khai công tác năm 2013, Bộ Tư pháp ghi nhận những chuyển biến rõ nét và tích cực trong nhận thức của các bộ, ngành và địa phương về tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Một số bộ, ngành và địa phương đã quan tâm chỉ đạo sát sao công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Việc thực hiện công tác này đã dần đi vào thực chất hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Hiện nay, Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định mới, mang tính đột phá về thi hành pháp luật. Theo đó, Chính phủ là cơ quan hành pháp, thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi hành Hiến pháp, Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc; Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và tổ chức thi hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Đây là những nội dung cần được cụ thể hóa trong Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật khác có liên quan để triển khai thi hành Hiến pháp và đồng thời đẩy mạnh thi hành pháp luật trong thời gian tới.