Kết quả theo dõi cho thấy, công tác tham mưu, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bước đầu đã có những chuyển biến tích cực như: (1) Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được các Bộ, ngành và địa phương quan tâm, triển khai thực hiện;tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết từng bước được khắc phục; chất lượng văn bản tiếp tục được nâng lên, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tình trạng văn bản quy định chi tiết có nội dung gây bức xúc dư luận cũng đãđược hạn chế; nhiều thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, loại bỏ; (2) Công tác tuyên truyền được chú trọng, thực hiện đa dạng, chất lượng, phong phú cả về hình thức lẫn nội dung; (3) Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thực hiện tương đối tốt việc quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng được chú trọng thực hiện… Bên cạnh các chuyển biến tích cực đã đạt được, công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn tồn tại những hạn chế như: (1) Tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phải có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản được quy định chi tiết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (2) Việc tuyên truyền, giải thích một số chính sách, quy định mới còn thiếu kịp thời, chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng; (3) Các điều kiện đảm bảo cho công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vưc này chưa đáp ứng được yêu cầu: tổ chức bộ máy của các lực lượng chức năng chậm được đổi mới; chất lượng, số lượng cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ chưa bảo đảm so với yêu cầu thực tiễn; kinh phí thực hiện công tác hạn chế, mức chi cho các hoạt động mang tính nghiệp vụ, đặc thù còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hoạt động; cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng, kỹ thuật nghiệp vụ (trụ sở làm việc, phương tiện, công cụ hỗ trợ, kho lưu giữ tang vật, phương tiện vi phạm) tại cấp tỉnh và cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác (số lượng ít, phương tiện hư hỏng, lạc hậu); (4) Nhiều quy định của pháp luật trong lĩnh vực này chưa được thi hành kịp thời, đầy đủ, hướng dẫn chưa chính xác hoặc thiếu thống nhất, nhiều quyết định áp dụng pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành có vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, không bảo đảm tính chính xác; (5) Một bộ phận cán bộ, công chức, người có thẩm quyền có nhận thức yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật, buông lỏng quản lý, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, nhất là ở một số lĩnh vực, ngành hàng có lợi nhuận lớn; (6) Ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, chuộng hàng rẻ nên vẫn tiêu thụ hàng gian, hàng lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu; một bộ phận doanh nghiệp còn tâm lý chạy theo lợi nhuận mà bất chấp quy định của pháp luật.
Căn cứ tình hình thực tế và nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, Bộ Tư pháp đã đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời có các kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan về việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới./.
Cục QLXLVPHC và TDTHPL