Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác theo dõi tình hình THPL trong cả nước năm 2015

29/04/2016

Thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác theo dõi thi hành pháp luật được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP), ngày 26 tháng 4 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký, trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2015 (Báo cáo số 87/BC-BTP).

 
Trong năm vừa qua, công tác theo dõi thi hành pháp luật đã được triển khai bài bản hơn, với nhiều đổi mới, bước đầu đạt được kết quả tích cực: Thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện; phương pháp theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được nghiên cứu đổi mới; hoạt động hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật được chú trọng tăng cường; bước đầu thu hút các nguồn lực hỗ trợ công tác này bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, trong năm 2015, công tác theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập: thể chế về theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn thiếu, hiệu lực của văn bản chưa cao; hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần tiếp tục nâng cao chất lượng; kinh phí, tổ chức bộ máy, biên chế chưa đáp ứng yêu cầu triển khai có hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật… Vấn đề quan trọng hiện nay là việc hoàn thiện thể chế, xác định nội dung, cách thức theo dõi tình hình thi hành pháp luật, xây dựng được bộ chỉ số theo dõi tình hình thi hành pháp luật, quy chế phối hợp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật…
Báo cáo cũng chỉ rõ mức độ tuân thủ pháp luật vẫn còn thấp, chưa tương xứng với kết quả thu được trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật thời gian qua. Thực tế đó đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tác động xấu đến tăng trưởng, phát triển kinh tế, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với chính quyền, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Nguyên nhân của tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm hình sự bao gồm các yếu tố khách quan và chủ quan như tác động của những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là phòng ngừa xã hội. Bên cạnh những nguyên nhân như năm 2014 cần phải nhìn nhận tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm ở một số nguyên nhân sâu sắc khác: (1) có sự tiếp tay, thông đồng hoặc không thực hiện đúng chức trách của một bộ phận cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước cấp cơ sở và lực lượng chuyên trách ở một số lĩnh vực như: chống buôn lậu, quản lý tài nguyên khoáng sản, vận chuyển hành khách, bến bãi... ; (2) Nguyên nhân của tội phạm giết người với các hình thức dã man, tàn bạo, giết nhiều người bắt nguồn từ mâu thuẫn xã hội và sự tác động tiêu cực của các ấn phẩm đồi trụy, các trò chơi bạo lực trên mạng (game online); (3) Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho giới trẻ còn hạn chế dẫn đến một bộ phận giới trẻ xuống cấp về đạo đức, lối sống và có xu hướng sử dụng bạo lực trong giải quyết các mâu thuẫn xã hội.
Trong báo cáo Bộ Tư pháp báo cáo công tác theo dõi thi hành pháp luật  năm 2015, Bộ Tư pháp đã xác định rõ phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016, đồng thời có các kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương nhằm đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức theo dõi thi hành pháp luật, chú trọng đảm bảo các điều kiện cho thực thi công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói riêng và công tác thi hành pháp luật nói chung, trong đó đặt biệt quan tâm đến việc hoàn thiện và thực hiện thể chế về tổ chức bộ máy, biên chế và kinh phí dành cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.  
Cục QLXLVPHC và TDTHPL