Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình THPL

06/05/2016

Chiều ngày 05/5/2016, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập là đại diện của các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan, bao gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Luật gia Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Sở Tư pháp TP Hà Nội, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Được sự ủy quyền của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Trưởng Ban soạn thảo, đồng chí Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Cục QLXLVPHC&TDTHPL), Phó trưởng ban soạn thảo đã chủ trì cuộc họp.

 
Tại cuộc họp, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã trình bày dự thảo Kế hoạch hoạt động của BST, TBT (tháng 10/2016 trình Chính phủ), cũng như sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung. Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu bước đầu, Thường trực Tổ biên tập đề nghị tập trung sửa đổi 8 vấn đề và quy định mới 5 vấn đề, như: Về nội dung, hình thức theo dõi thi hành pháp luật; về xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật; về mức độ tuân thủ pháp luật; vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (đặc biệt là cơ quan Tư pháp), cũng như sự tham gia của các tổ chức xã hội; về các tiêu chí cụ thể đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật…
Trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, các thành viên BST, TBT đánh giá cao  công tác chuẩn bị của Thường trực Tổ biên tập. Đồng thời, trên cơ sở kết quả 03 năm thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và yêu cầu của thực tiễn, các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với những định hướng lớn cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi đối với Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Theo đó, dự thảo Nghị định (sửa đổi, bổ sung) phải cụ thể hóa được các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, tổ chức, cá nhân trong xã hội, phù hợp với yêu cầu chuyển hướng chiến lược từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật kết hợp với tổ chức thi hành pháp luật đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra.
Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Đặng Thanh Sơn ghi nhận những ý kiến phát biểu, thảo luận của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Trên cơ sở kết quả cuộc họp, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp (đơn vị thường trực là Cục QLXLVPHC&TDTHPL) sẽ tiếp thu các ý kiến phát biểu để chỉnh lý, hoàn thiện các tài liệu, cũng như khẩn trương tổ chức nghiên cứu, soạn thảo dự thảo 1 của Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP./.
Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi THPL