Trái lê để 5 tháng không hư!
Tại cuộc làm việc của Bộ Y tế với UBND tỉnh Lạng Sơn ngày 9-9, ông Phạm Xuân Đà, viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, cho biết có mua trái lê Trung Quốc ở Hà Nội, trong môi trường bình thường sau năm tháng vẫn không hỏng!
“Màu quả lê vẫn tươi, chỉ hơi héo một chút so với thời điểm mới mua. Tuy nhiên để xét nghiệm kiểm tra chất bảo quản lê là loại gì thì không phải dễ dàng” - ông Đà nói.
Lo ngại lê, táo...
Theo số liệu của UBND tỉnh Lạng Sơn, tám tháng đầu năm nay đã có 235.000 tấn củ quả các loại nhập khẩu chính ngạch từ Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
Trong đó, đáng chú ý có đến 612 lô lê với trên 11.500 tấn, 922 lô quýt với trên 20.000 tấn, 294 lô nấm tươi với trên 3.000 tấn, trên 1.000 lô cam tươi với trên 20.000 tấn, gần 7.000 tấn cà rốt, hơn 27.000 tấn hành tây, trên 94.000 tấn tỏi.
Ngay cả các loại quả mà người VN vốn tin là VN sản xuất nhiều thì vẫn có hàng Trung Quốc, như gần 900 tấn xoài, gần 2.000 tấn dưa hấu, 30 tấn bưởi, 94 tấn mận, 46 tấn cà chua...
Bộ Y tế sẽ sớm làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc để đề nghị cung cấp danh mục hóa chất được sử dụng, phương pháp thử xác định tồn dư...
Nếu cứ làm mò và cứ sử dụng những loại trái cây để năm tháng không hỏng thì ảnh hưởng sẽ khôn lường với sức khỏe người Việt
Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN
Theo ông Đà, lê là loại quả đáng ngại nhất về chất bảo quản.
“Đã có trên 2.000 loại hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng, nhưng VN mới kiểm nghiệm được 600 chất, còn hóa chất bảo quản nhiều vô vàn nhưng phải có chất thử, phương pháp thử mới phát hiện được. Nếu phương pháp thử khác đi thì không phát hiện hóa chất đó là gì”- ông Đà cho biết.
Theo ông Lý Kim Soi - giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn, cách đây 3-4 năm Sở Y tế tỉnh đã lấy mẫu trái cây Trung Quốc để kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả chất bảo quản là gì.
Có mặt trong chuyến công tác của Bộ Y tế, ông Trần Quang Trung, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết trong hai ngày 8 và 9-9, các ông đã lấy 15 mẫu dưa hấu, lê và táo Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn để xét nghiệm. Sau đó sẽ tiếp tục lấy mẫu tại các chợ Hà Nội và cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai.
Lo ngại chất bảo quản trong nước
Đây là lo ngại của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Theo bà Tiến, tại Hà Nội, TP.HCM... các loại trái cây như chuối, cà chua được làm chín bằng cách gì đó mà chín đều, chín rất nhanh.
“Chuối chắc chắn là hàng trong nước, việc sử dụng chất làm chuối chín đều do người buôn bán trong nước làm chứ đâu phải hàng Trung Quốc. Cần sớm lấy mẫu trái cây tại chợ nội địa để kiểm tra trong đợt này, có so sánh và xác định nguyên nhân hóa chất tồn dư ở khâu nào” - bà Tiến yêu cầu.
Theo ông Hoàng Đình Hoàn, giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn, hoa quả VN mà Trung Quốc nhập về, trước khi đem bán họ cũng xử lý bằng quy trình giống như xử lý hoa quả trước khi xuất sang VN.
Tuy nhiên, hàm lượng hóa chất sử dụng vào lô hàng xuất khẩu sang VN là bao nhiêu, là chất gì... thì ta chưa được biết.
Gà thải loại từ Trung Quốc vẫn vào VN
Theo ông Nguyễn Văn Trường - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, tám tháng đầu năm nay quản lý thị trường đã thu giữ hàng chục tấn gà thải loại từ Trung Quốc vận chuyển vào qua cửa ngõ Lạng Sơn (chưa kể xì dầu, bia, nước đóng chai, phụ phẩm gia cầm...).
Khảo sát tại chợ Giếng Vuông, chợ buôn bán gia cầm lớn ở Lạng Sơn với gần 100 hộ kinh doanh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu Lạng Sơn nhanh chóng xây dựng khu buôn bán gia cầm sống riêng, với đường cấp và thoát nước phù hợp vệ sinh.
Theo bà Tiến, làm việc này trước hết nhằm tránh lây nhiễm bệnh dịch cho người buôn bán tại chợ.
Tại chợ Giếng Vuông, loại gà tam hoàng già đã đẻ hết trứng được bày bán rất nhiều.
Vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện gà nhiễm chủng cúm mới H5N6 tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, nhưng theo ông Tô Hùng Khoa - phó chủ tịch UBND tỉnh, hiện vẫn chưa rõ virút cúm lây từ gia cầm nhập lậu hay từ chim di cư vào Lạng Sơn.
LAN ANH