Chủ tịch Quốc hội: "Các ông ấy cấm khắp nơi"
Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi được đưa ra xin ý kiến tại hội nghị đại biểu QH chuyên trách ngày 9/9 đã đề xuất chuyển từ cấm sang kinh doanh có điều kiện đối với nhiều ngành nghề nhạy cảm. Gồm có: Đánh bạc, gá bạc; kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài…
Chỉ 11 ngành nghề bị cấm
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, trên cơ sở góp ý của các đại biểu, cơ quan soạn thảo đã rà soát và đề xuất chỉ giữ lại 11 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh (trước là 51 lĩnh vực). Trong đó tập trung ở các lĩnh vực như kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; kinh doanh các loại pháo; kinh doanh mại dâm..., còn lại sẽ chuyển sang kinh doanh có điều kiện.
Với đề xuất trên, nhiều ngành nghề nhạy cảm trước đây vốn bị cấm thì nay được đề nghị chuyển sang ngành nghề kinh doanh có điều kiện như kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; kinh doanh dịch vụ tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép dưới mọi hình thức; kinh doanh các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách; kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài; kinh doanh dịch vụ môi giới nhận cha, mẹ, con nuôi, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; kinh doanh các loại phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường; kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hóa và thiết bị cấm lưu hành, cấm sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành và/hoặc sử dụng tại Việt Nam...
Chủ tịch Quốc hội: Các ông ấy cấm khắp nơi
Kinh doanh dịch vụ tổ chức đánh bạc trước đây bị cấm, nay được đề nghị chuyển sang ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Livemaguk
Riêng với kinh doanh mại dâm, tổ chức mại dâm, ban soạn thảo đề nghị giữ lại và đưa vào danh mục cấm. “Mại dâm là vấn đề rất lớn. Hiện Việt Nam đã coi nó là một nghề chưa mà lại cấm, do đó nên quy định ở luật khác. Còn nếu chúng ta quy định cấm như vậy thì có nghĩa đã thừa nhận nó là một nghề rồi. Cũng có ý kiến cho rằng có nên cấm đầu tư kinh doanh mại dâm không? Vấn đề này có rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng vì không quản lý được nên cứ cho kinh doanh. Còn nếu cấm nhưng vẫn hoạt động thì cơ quan nào phải chịu trách nhiệm đây?” - đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu hàng loạt băn khoăn.
Kinh doanh vũ khí: Nên chuyển từ cấm sang có điều kiện
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Việt Nam có hội nhập được hay không, doanh nghiệp có cạnh tranh được hay không cũng phụ thuộc vào việc sửa hai luật này. Do đó cần phải rà soát kỹ lưỡng hơn danh mục cấm và hạn chế đầu tư kinh doanh để đảm bảo quyền dân chủ lớn nhất của con người là quyền tự do kinh doanh. Vì thực tế danh mục trên mới chỉ rà soát ở cấp ngành chứ chưa rà soát ở địa phương.
“Địa phương các ông ấy cấm khắp nơi đấy, ví dụ xi măng phải mua ở tỉnh tôi, uống bia phải uống trong tỉnh tôi. Đấy là hạn chế quyền tự do kinh doanh” - ông Hùng nói và đề nghị việc đổi mới phải thận trọng, không thể bước tập tễnh, cải tiến ẩu.
Đồng tình với quan điểm trên, song các đại biểu lại bày tỏ sự không hài lòng khi các quy định cấm ngành nghề đầu tư kinh doanh vẫn “thòng” thêm câu “trừ Nhà nước đặt hàng”. Đơn cử Điều 4 quy định cấm đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng, trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng.
“Quy định như thế sẽ khiến chúng ta không thể phát triển được nền công nghiệp quốc phòng” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Hồ Trọng Ngũ nói. Ông Ngũ đề nghị nên chuyển quy định trên từ danh mục cấm đầu tư kinh doanh sang kinh doanh có điều kiện cho phù hợp.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng quy định như trên sẽ khiến pháp luật không nghiêm. “Đã cấm là không được làm, đã cấm mà còn trừ thì không nên. Còn nếu vẫn giữ quy định đó thì phải rõ ràng cơ quan nào được phép đại diện cho Nhà nước chứ không nên để chung chung như thế” - ông Vinh đề nghị.
Thống nhất bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh
Thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, phần lớn đại biểu đều đồng ý với việc không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. “Quy định trên chỉ mang tính thủ tục hành chính, gây phiền hà không cần thiết cho doanh nghiệp. Vì vậy Ủy ban Thường vụ QH đề nghị không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Về doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, theo Ủy ban Thường vụ QH, dự luật chỉ quy định những nội dung đặc thù về quản trị nội bộ trong doanh nghiệp thuộc loại này. Đồng thời quy định tổng giám đốc hoặc giám đốc công ty do hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê theo phương án nhân sự đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận.
Theo Thành Văn
Pháp luật TP.HCM