Chuyên đề: ĐÁNH GIÁ CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC KHI GIA NHẬP VIỆN QUỐC TẾ VỀ NHẤT THỂ HÓA PHÁP LUẬT TƯ (phần cuối)

Chuyên đề: ĐÁNH GIÁ CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC KHI GIA NHẬP VIỆN QUỐC TẾ VỀ NHẤT THỂ HÓA PHÁP LUẬT TƯ (phần cuối)

tiếp phần 3

 

2. Đánh giá những khó khăn, thách thức khi gia nhập UNIDROIT:

Khi gia nhập UNIDROIT, Việt Nam có thể gặp phải một số những khó khăn, thách thức nhất định, cụ thể là:

- Về nguồn nhân lực, đây là khó khăn lớn nhất khi tham gia UNIDROIT vì để có thể tận dụng được những lợi ích và phát huy được vai trò thành viên chính thức khi tham gia tổ chức này, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đòi hỏi Việt Nam phải có một ngũ cán bộ giỏi về tư pháp quốc tế, có trình độ ngoại ngữ, có kinh nghiệm hợp tác quốc tế tốt để tham gia vào các hoạt động,sẽ diễn ra trong khuôn khổ tổ chức đó, đặc biệt là tham gia vào quá trình soạn thảo các văn kiện pháp lý, tận dụng và phát huy được những lợi ích khi trở thành thành viên của Viện. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ cán bộ về tư pháp quốc tế của Việt Nam còn thiếu về số lượng, yếu chất lượng, về cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Mặc dầu vậy, khó khăn này sẽ có thể vượt qua nếu nước ta thực hiện thành công các đề án, chiến lược về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp luật như: Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”[1], Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020[2], Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”[3], Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”[4] cùng với các Đề án về tăng cường nguồn nhân lực trong các cơ quan tư pháp, pháp luật (Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu của Bộ Tư pháp giai đoạn 2014-2020[5] v.v…). Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của UNIDROIT trong những giai đoạn đầu thông qua việc hình thành các dự án hỗ trợ của tổ chức này đối với Việt Nam – thành viên mới của UNIDROIT – trong cải cách thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu so sánh phá luật…. Do đó, với những nỗ lực của bản thân chúng ta, kết hợp với sự hỗ trợ hiệu quả của chính Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư – Tổ chức quốc tế mà Việt Nam đang dự kiến gia nhập, đất nước ta sẽ có được một đội ngũ cán bộ giỏi, từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong một thời gian không xa, từ đó tiếp tục góp phần hỗ trợ tích cực cho nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam hội nhập sâu, rộng, chủ động, tích cực với thế giới. 

- Về kinh phí đóng góp: khi tham gia tổ chức này, Việt Nam sẽ có trách nhiệm đóng góp mức kinh phí hàng năm khoảng 2.530 Euro (tương đương 60 triệu Việt Nam đồng), chỉ tương đương khoảng 1/2 số tiền đóng niên liễm hàng năm khi gia nhập Hội nghị Lahay (5.638,13 Euro). Đây là mức đóng góp đặc biệt mà Việt Nam có cơ hội được hưởng do Việt Nam là nước mới gia nhập, có nhiều điều kiện khó khăn. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải tự chi trả các chi phí để duy trì đầy đủ tư cách thành viên của mình như phải đầu tư ngân sách, nhân sự, thiết bị, văn phòng, phương tiện liên lạc v.v... để phục vụ cho các hoạt động của một thành viên; chi trả các chi phí đi lại và ăn ở cho các đại biểu tham gia các Phiên họp của Đại hội đồng, Hội đồng và Ủy ban Thường trực. Tuy nhiên, so với những lợi ích sẽ đạt được khi gia nhập tổ chức này, thì những lợi ích mà Việt Nam thu được sẽ nhiều hơn rất nhiều, đặc biệt là những lợi ích trong phát triển kinh tế, thương mại trong điều kiện toàn cầu hóa, thực hiện chính sách mở cửa, trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Mặt khác, theo chính sách chung của UNIDROIT, Việt Nam sẽ được ưu tiên hỗ trợ nhiều hoạt động, kể cả hỗ trợ chương trình, dự án như đã trình bảy ở trên. Do đó, Việt Nam cần có sự đầu tư thích đáng để đảm bảo cho sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của Việt Nam vào hoạt động của Viện.

- Lịch sử, văn hóa pháp lý, thói quen với những quy trình xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật, cũng như những điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của Việt Nam có tác động không nhỏ tới việc gia nhập. Dù rất nhiều công ước UNIDROIT vốn có thiên hướng theo hệ thống pháp luật dân sự như Việt Nam (civil law)[6], tuy nhiên, với mục tiêu hài hóa pháp luật, các công ước của UNIDROIT được xây dựng và ảnh hưởng bởi nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, đặc biệt là hệ thống pháp luật chung (common law) với truyền thống án lệ, do đó, khi tham gia, Việt Nam sẽ gặp những khó khăn khi áp dụng cũng như trong quá trình nội luật hóa các công ước của UNIDROIT.

Khó khăn trên sẽ được khắc phục khi Việt Nam đầu tư nghiên cứu thêm về hệ thống pháp luật common law để bảo đảm sự hài hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời cũng bảo đảm theo kịp xu hướng phát triển của thế giới trong lĩnh vực pháp luật và tận dụng những điểm tiến bộ của hệ thống pháp luật này vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Đặc biệt thuận lợi là hiện nay, Việt Nam cũng đã rất chú trọng tới nghiên cứu, xây dựng án lệ. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã xác định việc  “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ…”, đồng thời Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng xác định rõ: “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Để thực hiện chủ trương trên, ngày 31/10/2012, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định số 74/QĐ-TANDTC phê duyệt đề án “Phát triển án lệ của Tòa án Nhân dân Tối cao”. Việc nghiên cứu, thực hiện án lệ có ý nghĩa tích cực không chỉ trong công tác xét xử mà còn bảo đảm sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam trong xu hướng phát triển chung của thế giới.

IV. Đánh giá lợi ích có thể có được và khả năng gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư của Việt Nam

1. Những lợi ích đạt được:

Khi gia nhập UNIDROIT, Việt Nam sẽ có được nhiều lợi ích đáng kể trên các phương diện, cụ thể là:

- Được quyền tham gia vào việc bàn và quyết định Chương trình, Kế hoạch làm việc lâu dài và hàng năm của UNIDROIT. Cụ thể là có thể chủ động đưa những nhu cầu nghiên cứu, nhu cầu về thống nhất và hài hoà hoá pháp luật tư vào Chương trình làm việc của UNIDROIT. Bên cạnh đó, với quyền được tham gia ngay từ đầu vào quá trình soạn thảo các Công ước quốc tế, Việt Nam có thể chủ động thể hiện các quan điểm của Việt Nam vào Dự thảo các Công ước quốc tế do UNIDROIT chuẩn bị.

- Được chỉ định các thư viện của Việt Nam là các cơ quan sẽ được nhận các ấn phẩm của UNIDROIT và có thể khai thác thư viện này phục vụ công tác lập pháp trong nước để những văn bản mới hoặc sẽ được ban hành của Việt Nam có thể hài hoà hoá dần với pháp luật của các quốc gia thành viên và các quốc gia khác trên thế giới, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tài liệu do UNIDROIT cung cấp có thể tổ chức khai thác để phục vụ việc xây dựng pháp luật trong nước. Hiện tại, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đã nhận được một số ấn phẩm của UNIDROIT như "Các nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế" (bằng bốn thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Việt); "Hướng dẫn tổ chức hệ thống phân phối độc quyền" (tiếng Anh); Công ước Cape Town về đăng ký bảo đảm đối với các thiết bị có giá trị cao (Máy bay, tàu thuỷ, Satelit…), Luật mẫu của Hoa Kỳ về giao dịch bảo đảm; Luật mẫu của UNCITRAL về ký các giấy báo thu trong thương mại quốc tế (tiếng Anh); Nguyên tắc và quy tắc hài hoà hoá luật về tố tụng dân sự liên quốc gia (tiếng Anh); Tạp chí của Viện UNIDROIT về thực tiễn áp dụng các nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế tại Toà án trọng tài quốc tế (tiếng Anh và tiếng Pháp). Những tài liệu này có thể được sử dụng tham khảo trong quá trình soạn thảo pháp luật, cũng như phục vụ công tác giảng dạy, bồi dưỡng pháp luật. Đặc biệt cuốn “Những nguyên tắc của hợp đồng thương mại quốc tế” có thể khai thác để phục vụ việc xây dựng phần hợp đồng dân sự trong Bộ luật Dân sự sửa đổi và để phục vụ việc sửa đổi Luật Thương mại trong thời gian tới. Cuốn sách “Dự thảo về nguyên tắc và quy tắc tố tụng dân sự xuyên quốc gia” có thể tổ chức nghiên cứu phục vụ cho việc xây dựng Bộ luật tố tụng dân sự cũng như làm tài liệu giảng dạy bồi dưỡng thẩm phán, đặc biệt các thẩm phán có nhiệm vụ xét xử các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài.

- Ngoài ra, UNIDROIT còn cấp học bổng nghiên cứu và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế. Trong những năm qua, các nước phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đã được thụ hưởng từ các hoạt động phát triển nguồn nhân lực của tổ chức này. Chúng ta có thể khai thác chương trình cấp học bổng của UNIDROIT để cử cán bộ trẻ đã có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp luật kinh tế, tài chính quốc tế, thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thuộc các cơ quan nghiên cứu cũng như các cơ quan xây dựng, áp dụng pháp luật thương mại, kinh tế, tài chính quốc tế đi thực tập ngắn hoặc dài hạn tại UNIDROIT. Khi đã là thành viên của UNIDROIT, Việt Nam có thể thiết lập các chương trình, dự án hợp tác lâu dài hơn với tổ chức này. Các hình thức hợp tác có thể đa dạng, phong phú, như trao đổi chuyên gia giữa Việt Nam với UNIDROIT và với các nước thành viên tổ chức này; tiến hành các nghiên cứu chung; hỗ trợ kỹ thuật cho các hội thảo, các khoá tập huấn chuyên đề của Việt Nam; hỗ trợ kỹ thuật cho việc hoàn thiện và hài hoà hoá pháp luật tư, đặc biệt là pháp luật kinh tế, thương mại của Việt Nam v.v….

2. Khả năng gia nhập:

Trong một thế giới luôn vận động và phát triển không ngừng, đặc biệt các quan hệ giao dịch kinh tế, thương mại sẽ ngày càng đa dạng và phức tạp, để có thể phát triển, Việt Nam cần vận động, tự hoàn thiện, nỗ lực để nắm bắt được các nguyên tắc chung cũng như các giá trị pháp lý tiên tiến trên thế giới để vận động và phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Cho đến nay, Việt Nam đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ này và từng bước hội nhập vững chắc vào cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh đó, đề xuất gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư là hoàn toàn có khả năng. Hơn nữa, chắc chắn trong thời gian tới, Việt Nam sẽ không chỉ tham gia một tổ chức UNIDROIT này mà còn phải tham gia nhiều tổ chức quốc tế đa phương khác để phát triển vì lợi ích của đất nước. Việc tham gia UNIDROIT chính là nền tảng pháp lý chung nhất bảo đảm cho sự tham gia của các tổ chức quốc tế đa phương khác của Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu hội nhập với sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường một cách linh hoạt, khéo léo nhằm góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Mặc dù sẽ phải đối mặt với những khó khăn đã được nhận định trên đây, song Việt Nam có thể vượt qua được những thách thức nếu có sự cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị kỹ càng, cụ thể để bảo đảm được lợi ích của Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hợp đồng công, liên quan đến nhà nước, bảo đảm những nguyên tắc tự do hợp đồng trong khuôn khổ pháp lý nhất định. Trong phạm vi quốc gia, Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ các hoạt động tư pháp, bao gồm các hoạt động xét xử, trọng tài thương mại để thẩm phán, trọng tài viên có năng lực áp dụng pháp luật quốc tế một cách tốt nhất trong các vụ việc cụ thể, đồng thời cũng sẽ tăng cường năng lực cạnh tranh so với trọng tài quốc tế, trở thành địa chỉ tin cậy để các nhà đầu tư giải quyết tranh chấp ngay tại Việt Nam.

Như vậy, nếu có thể triển khai đồng bộ các hoạt động, bao gồm: xây dựng thể chế (đặc biệt là các lĩnh vực hợp đồng, …) nhằm xóa bỏ các xung đột, tiến sát với các chuẩn mực quốc tế, cải cách các hoạt động của tòa án, trọng tài thương mại, bổ trợ tư pháp, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp trong giao dịch kinh tế quốc tế và triển khai nhiều bước đi thích hợp khác, với sự cố gắng của nhiều Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, việc gia nhập và trở thành thành viên tích cực của UNIDROIT trong thời điểm hiện tại là hoàn toàn khả thi.

Xét một cách tổng thể, có thể khẳng định rằng, cùng với mong muốn được trở thành thành viên chính thức của Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư, các điều kiện khác về nhân lực, vật lực, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước của Việt Nam hiện đều đang rất thuận lợi cho việc gia nhập Tổ chức này. Và đây là thời điểm thích hợp để xúc tiến việc gia nhập UNIDROIT.


[1]Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ

[2] Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ

[3] Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ

[4] Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ

[5] Quyết định 1340/QĐ-BTP ngày 09/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp

[6] Theo các luật sư Anh thì các Nguyên tắc của Hợp đồng thương mại quốc tế là sản phẩm của hệ thống pháp luật dân sự (Patner, Trowers & Hamlins LLP (UK))