4. Kết quả, phương hướng hoạt động của UNIDROIT trong giai đoạn tới
Với gần 90 năm hoạt động, UNIDROIT đã soạn thảo được nhiều Công ước quốc tế trong lĩnh vực hợp đồng, thương mại, mua bán hàng hoá quốc tế, chuyển nhượng kinh doanh quốc tế, vận chuyển hàng hoá và hành khách quốc tế về hợp đồng du lịch, về Quỹ đầu tư, về bảo hiểm quốc tế đối với các xe cơ giới v.v... Quan trọng nhất là các công ước mà UNIDROIT soạn thảo đã định hình nên các nguyên tắc chung, các luật cơ bản trong lĩnh vực pháp luật về tư pháp quốc tế. Nhiều Dự thảo do UNIDROIT soạn thảo đã được thông qua như:
1. Công ước về một Luật thống nhất về Mua bán hàng hoá quốc tế (La Hay, 1964);
2. Công ước về Luật thống nhất về Ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (La Hay, 1964)
3. Công ước quốc tế về Hợp đồng lữ hành (Brúcxen, 1970)
4. Công ước về hình thức quốc tế của một Luật thống nhất (Washington, D.C., 1973) Công ước Washington 1973 ban hành mẫu thống nhất về di chúc quốc tế
5. Công ước về Đại lý trong mua bán hàng hoá quốc tế (Geneva, 1983)
6. Công ước UNIDROIT về cho thuê tài chính quốc tế (Ottawa, 1988)
7. Công ước UNIDROIT về đại diện trong giao dịch thương mại quốc tế (Ottawa, 1988)
8. Công ước UNIDROIT về Văn hoá phẩm bị đánh cắp hoặc xuất khẩu bất hợp pháp (Rome, 1995)
9. Công ước về Lợi ích quốc tế trong thiết bị di động (Mobile Equipment) (Cape Town, 2001)
10. Nghị định thư bố sung cho Công ước về Lợi ích quốc tế trong thiết bị di động về các vấn đề liên quan cụ thể đến thiết bị tàu bay (Cape Town, 2001)
11. Luật mẫu về Công bố nhượng quyền thương mại (France, 2002)
12. Luật mẫu UNIDROIT về cho thuê (2008)
13. Công ước UNIDROIT về trung gian chứng khoán (2009)
Ngoài ra, UNIDROIT còn có các văn kiện khác như:
- Hướng dẫn đối với hợp đồng chính về nhượng quyền kinh doanh quốc tế (1998);
- Luật mẫu về công khai việc nhượng quyền kinh doanh (2002);
- Các Nguyên tắc về Hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT (bản đầu tiên được xuất bản năm 1994, còn bản thứ hai lớn hơn được xuất bản năm 2004 và gần đây nhất là Bộ Nguyên tắc năm 2010);
- Hướng dẫn về các thỏa thuận nhượng quyền đặc quyền quốc tế;
- Các nguyên tắc và thủ tục thanh toán dân sự (được thực hiện trên cơ sở hợp tác với Học viện Luật Hoa Kỳ);
Trong nghiên cứu khoa học pháp lý, kể từ lần đầu tiên thực hiện từ năm 1993 đến nay, UNIDROIT đã hỗ trợ học bổng cho 258 nghiên cứu viên từ 60 nước trên thế giới để thực hiện các nghiên cứu sâu theo chủ đề lựa chọn. Các nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất xây dựng các công ước cũng như các nguyên tắc và luật mẫu của UNIDROIT.
Các sản phầm, kết quả đạt được của UNIDROIT được lưu trữ ở các thư viện của các nước thành viên. Có 51 thư viện tại 46 nước thành viên đã được chỉ định làm nơi lưu trữ các tài liệu của UNIDROIT; đồng thời UNIDROIT cũng đã xây dựng các cơ sở dữ liệu điện tử bao gồm các tài liệu của các hệ thống pháp luật dân sự, pháp luật chung, kết hợp giữa các hệ thống pháp luật và các kết quả nghiên cứu làm nguồn cơ sở quan trọng cho nghiên cứu pháp luật của thế giới.
b) Phương hướng hoạt động của UNIDROIT trong giai đoạn tới
Theo Báo cáo hoạt động năm 2013 và Nghị quyết của Hội đồng tháng 5/2013, đặc biệt là Chiến lược hoạt động của UNIDROIT được thông qua năm 2013, phương hướng hoạt động của UNIDROIT trong thời gian tới là:
- Tăng số lượng các nước thành viên: Hiện nay UNIDROIT mong muốn mở rộng thành viên, hướng tới tăng cường các thành viên từ các nước châu Phi và châu Á – các châu lục hiện số thành viên còn hạn chế (thấp so với các châu lục khác) như: Morocco, Qatar (châu Phi), Thái Lan và Việt Nam (châu Á).
- Tăng cường nghiên cứu, xây dựng các luật mang tính nhất thể hóa trong các lĩnh vực: thương mại quốc tế, đầu tư nông nghiệp và tài chính, xây dựng, hoàn thiện các Nghị định thư liên quan đến Công ước Cape Town về đăng ký thế chấp quốc tế đối với các thiết bị nông nghiệp, xây dựng và khai thác mỏ, các thiết thị tàu biển, vận tải đường biển và ngoài khơi; các thủ tục tố tụng dân sự chuyển đổi; trách nhiệm của bên thứ ba trong các dịch vụ vệ tinh toàn cầu; hoàn thiện Bộ Nguyên tắc UNIDROIT năm 2010, Công ước Roma 1995 về sản phẩm văn hoá xuất khẩu trái phép v.v…
- Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật: Tăng cường hợp tác với các tổ chức: Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL), Cơ quan Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế, Tổ chức Luật phát triển quốc tế (IDLO) Hiệp hội Luật tư pháp quốc tế Hoa Kỳ (ASADIP), Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Ngân hàng thế giới (WB), Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) v.v…
- Thực hiện các chương trình hợp tác về pháp luật và về các lĩnh vực khác với các nước thành viên và chưa phải là thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển và đang trong giai đoạn chuyển đổi trong việc hài hòa hệ thống pháp luật tư, trong đó tập trung vào việc phổ biến về các công việc của UNIDROIT, hỗ trợ tập huấn và tạo điều kiện nghiên cứu cho những người làm công tác xây dựng pháp luật, tư pháp, cung cấp các chương trình học bổng, thực hiện các nghiên cứu khoa học pháp lý
5. Điều kiện, thủ tục gia nhập
Điều 20 khoản 1 Quy chế UNIDROIT quy định: “Bất kỳ Chính phủ nào mong muốn tham gia các Quy chế này sẽ thông báo cho Chính phủ Ý bằng văn bản về việc gia nhập”. Do đó, điều kiện duy nhất để được xem xét công nhận là thành viên của UNIDROIT là quốc gia đó phải gia nhập Quy chế của UNIDROIT.
Thủ tục gia nhập UNIDROIT được quy định tại Điều 20 của Điều lệ của tổ chức này, cụ thể là:
- Quốc gia muốn gia nhập UNIDROIT phải gửi một thông báo bằng văn bản tới Chính phủ Italia về việc gia nhập của mình;
- Việc gia nhập có hiệu lực 06 năm và đương nhiên được kéo dài thêm một thời hạn là 6 năm nữa, nếu không có tuyên bố bãi ước bằng văn bản ít nhất một năm trước ngày gia hạn thời hạn mới.
- Thông báo gia nhập và thông báo bãi ước phải được Chính phủ Italia thông báo tới Chính phủ các nước thành viên.
Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, quốc gia xin gia nhập chính thức trở thành thành viên của Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư.
6. Quyền và nghĩa vụ của thành viên
- Được tham gia vào việc bàn và quyết định Chương trình làm việc của UNIDROIT;
- Được tham gia ngay từ đầu vào quá trình soạn thảo các Công ước quốc tế thuộc UNIDROIT;
- Được chỉ định một thư viện trong nước và thư viện này được nhận mọi ấn phẩm của UNIDROIT;
- Được quyền đề nghị Hội đồng điều hành nghiên cứu các câu hỏi liên quan đến thống nhất hóa, hài hòa hóa hoặc sự phối hợp của pháp luật tư;
- Được bỏ phiếu phân loại số lượng, đơn vị nhằm phân bổ kinh phí hằng năm từ nguồn đóng góp ngoài phần đóng góp thông thường của Chính phủ Ý; Được quyền phản đối các nghị quyết liên quan đến việc phân bổ kinh phí và yêu cầu bỏ phiếu lại tại kỳ họp tiếp theo của Đại hội đồng;
- Được quyền biểu quyết yêu cầu sửa đổi Quy chế của tổ chức; trong trường hợp không đồng ý với việc sửa đổi đó, các thành viên có quyền rút lui khỏi Quy chế trong vòng 6 tháng kể từ khi việc sửa đổi có hiệu lực;
Trên thực tế, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, việc gia nhập Viện Quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư đem lại những lợi ích đáng kể cho quốc gia. Là thành viên của Viện, họ được mời tham dự tất cả các cuộc họp do Viện tổ chức, và nhờ đó có điều kiện để thể hiện lập trường của nước mình đối với các vấn đề đang thảo luận, đặc biệt là được tham gia góp ý vào các dự thảo các Công ước và Nghị định thư của Viện Quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư trên cơ sở lập trường của mình. Các hoạt động của Viện Quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư, các kết quả của các cuộc họp, phiên họp đều được cập nhật thường xuyên cho các quốc gia thành viên. Việc tham gia Viện đã đóng góp phần đưa tiếng nói, quan điểm của các nước này đến cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế của quốc gia trong việc tham gia xây dựng và phát triển hệ thống quy định pháp lý quốc tế về tư pháp quốc tế.
c. Kinh phí hoạt động và nghĩa vụ của thành viên:
Kinh phí hoạt động của UNIDROIT
Theo quy định tại Điều 16 của Quy chế thì:
Kinh phí hàng năm liên quan đến vận hành và duy trì hoạt động của Viện sẽ được chi trả bằng các thu nhập cụ thể trong ngân sách của Viện, bao gồm cụ thể là đóng góp cơ bản thông thường của Chính phủ Ý– quốc gia sáng lập Viện, theo phê duyệt của Quốc hội Ý (Chính phủ tuyên bố rằng từ kể năm 1985 sẽ danh cho Viện một khoản ngân sách là 300 triệu lire Ý mỗi năm, con số này có thể được điều chỉnh vào cuối mỗi chu kỳ ba năm theo Luật phê duyệt ngân sách của nước Ý) cũng như những khoản đóng góp thường niên của Chính phủ các quốc gia thành viên khác.
Cam kết của Chính phủ Ý cung cấp một khoản trợ cấp hàng năm cho Viện nêu trên (theo quy định tại Điều 16 của Quy chế) được đưa ra trong một thời gian sáu năm. Khoản trợ cấp này sẽ tiếp tục có hiệu lực trong sáu năm tiếp theo nếu như Chính phủ Ý không thông báo về ý định chấm dứt trợ cấp này cho Chính phủ các quốc gia thành viên khác ít nhất hai năm trước khi kết thúc một giai đoạn. Trong sự kiện đó, Chủ tịch Viện sẽ triệu tập một phiên họp của Đại hội đồng nếu Chủ tịch Viện thấy cần thiết phải tổ chức một phiên họp bất thường.
Các quyết định được thông qua tại Đại hội đồng phù hợp với khoản 3 Điều này có thể được sửa đổi ba năm một lần bằng một nghị quyết khác của Đại hội đồng được thông qua theo đa số hai phần ba số thành viên có mặt và bỏ phiếu vào cùng thời điểm với quyết định quy định tại khoản 3 Điều 5.
Nghị quyết của Đại hội đồng được thông qua theo khoản 3 và 4 Điều này phải được Chính phủ Ý thông báo cho các Chính phủ của quốc gia thành viên.
Những tiền đề cần thiết cho hoạt động của Viện sẽ được Chính phủ Ý bố trí.
Quỹ vốn lưu động của Viện được thành lập với mục đích là để đáp ứng chi tiêu hiện tại, trong khi chờ nhận được sự đóng góp của Chính phủ các quốc gia thành viên, và để đáp ứng chi phí không lường trước được.
Các quy định của Quỹ vốn lưu động được điều chỉnh theo các quy định của Viện. Các quy định này sẽ được thông qua và sửa đổi theo quyết định của đa số hai phần ba số thành viên có mặt và bỏ phiếu tại Đại hội.
Theo quy định tại Điều 17 của Quy chế:
Quy định quản lý hành chính của Viện, hoạt động nội bộ của mình và các điều kiện phục vụ của các nhân viên sẽ được Hội đồng điều hành thông qua và phải được Đại hội đồng chấp thuận cũng như thông báo cho Chính phủ Ý.
Trợ cấp ăn ở và đi lại của các thành viên Hội đồng điều hành, các hội đồng nghiên cứu cũng như tiền thu lao nhân viên của Ban thư ký và bát kỳ chi phí hành chính nào khác sẽ được ngân sách của Viện chi trả.
Dựa trên đề cử của Chủ tịch Viện, Đại hội đồng sẽ chỉ định một hoặc hai kiểm toán viên chịu trách nhiệm về kiểm soát tài chính của Viện. Họ sẽ được chỉ định cho một khoảng thời gian là năm năm. Hai kiểm toán viên nên được bổ nhiệm, họ phải có quốc tịch khác nhau.
Chính phủ Ý sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý, tài chính hay trách nhiệm nào khác từ sự quản lý của Viện, trách nhiệm dân sự từ các hoạt động dịch vụ của Viện, đặc biệt là trong mối quan hệ với các nhân viên của Viện.
Điều 18 của Quy chế quy định:
Nếu Đại hội đồng quyết định kết thúc hoạt động của Viện, Đại hội đồng sẽ có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp thích hợp đối với với tài sản hình thành trong quá trình hoạt động của Viện, đặc biệt là các tài liệu lưu trữ và tài liệu sưu tầm, sổ sách hoặc tạp chí mà không trái với Quy chế và các quy định liên quan đến Quỹ vốn lưu động.
Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh đó, đất đai, các trụ sở và các động sản đã được đưa vào việc xử lý của Viện sẽ được trao trả lại cho Chính phủ Ý.
Nghĩa vụ của các nước thành viên
Cũng theo quy định tại Điều 16 Quy chế UNIDROIT, với mục đích bố trí một phần của kinh phí hàng năm không được sự đóng góp thông thường của Chính phủ Ý hay theo thu nhập từ các nguồn khác giữa Chính phủ các quốc gia thành viên khác, phần kinh phí này sẽ được phân loại. Tương ứng với mỗi loại sẽ là một số đơn vị cụ thể.
Số lượng phân loại, số lượng các đơn vị tương ứng với từng loại, khối lượng của từng đơn vị, và sự phân loại của các chính phủ trong bảng phân loại, được xác định trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội đồng thông qua theo đa số hai phần ba số thành viên có mặt và bỏ phiếu, trên cơ sở đề xuất của một ủy ban do Đại hội đồng bổ nhiệm. Trong bảng phân loại này, Đại hội đồng sẽ xem xét, trong số mối tương quan đối với các vấn đề khác và dựa trên thu nhập quốc dân của các nước có liên quan.
Trong khoảng thời gian một năm sau khi thông báo theo quy định tại khoản 5 của Điều này, Chính phủ của mỗi quốc gia thành viên có thể đưa ra phản đối các nghị quyết liên quan đến phân loại của nó để xem xét tại kỳ họp tiếp theo của Đại hội đồng. Hội đồng sẽ đưa ra nghị quyết, được thông qua theo đa số hai phần ba các nước thành viên có mặt mặt và bỏ phiếu. Chính phủ Ý sẽ thông báo nghị quyết này cho Chính phủ các quốc gia thành viên có liên quan. Tuy nhiên, Chính phủ phản đối nghị quyết có quyền rút khỏi Quy chế thành viên của Viện theo các thủ tục được quy định tại khoản 3 Điều 19.
Chính phủ các quốc gia thành viên nợ thanh toán nghĩa vụ đóng góp từ hai năm trở lên sẽ mất quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng cho đến khi làm theo đúng thể thức. Hơn nữa, ý kiến của các Chính phủ này sẽ không được xem xét của các trong quá trình bỏ phiếu đa số theo quy định tại Điều 19 của Quy chế này.
Như vậy, nghĩa vụ về kinh phí của các nước thành viên cụ thể như sau:
- Đóng góp vào ngân quỹ hàng năm. Theo Quy chế, mỗi quốc gia thành viên có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ chung của Viện một khoản tiền nhằm duy trì và phát triển hoạt động của Viện. Mức đóng góp hàng năm vào Quỹ của UNIDROIT được thực hiện theo Nghị quyết của Đại Hội đồng, bao gồm 9 mức khác nhau. Mức này được tính trên cơ sở dựa vào mức % đóng góp của từng quốc gia thành viên vào Quỹ ngân sách của Liên hợp quốc (UN) hàng năm. Mức cao nhất là mức I (đóng góp 50 đơn vị) dành cho các nước đóng góp từ 3% trở lên vào Quỹ ngân sách của UN và mức thấp nhất là mức đặc biệt (đóng góp 01 đơn vị) đối với các nước đóng góp từ 0,0% đến 0,004% vào Quỹ ngân sách của UN. Hiện nay Việt Nam có mức đóng góp cho ngân sách của UN là 0,0%.
Theo Nghị Quyết số 72 ngày 5/3/2013 của Đại hội đồng UNIDROIT, mỗi một đơn vị đóng góp vào Quỹ chung của UNIDROIT trong năm 2014 có số tiền là 2.530 Euro (tăng 80 Euro kể từ năm 2009). Như vậy, nếu gia nhập UNIDROIT, Việt Nam sẽ có nghĩa vụ đóng góp mỗi năm 01 đơn vị cho Quỹ chung của UNIDROIT với mức tiền khoảng 2.530 Euro.
- Tự chi trả các chi phí đi lại và ăn ở cho các đại biểu tham gia các kỳ họp của Đại hội đồng, Hội đồng và Ủy ban Thường trực;
- Trả các chi phí để duy trì đầy đủ tư cách thành viên của mình. Ví dụ: đầu tư ngân sách, nhân sự, thiết bị, văn phòng, phương tiện liên lạc v.v... để phục vụ đầy đủ các hoạt động của một thành viên với Tổ chức thông qua việc liên lạc trao đổi thông tin với Ủy ban Thường trực và các Thành viên khác cũng như phải cử đại biểu tham gia các Phiên họp và buổi làm việc của Viện.
(__HẾT__)