1.2. Kiến nghị hoàn thiện chế tài bồi thường thiệt hại của Luật Thương mại Việt Nam cho tương thích với luật thương mại quốc tế
Trên thế giới, việc sử dụng Bộ nguyên tắc Unidroit để bổ trợ giải thích Công ước Viên là phổ biến. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc sử dụng Bộ nguyên tắc Unidroit và Công ước Viên như những nguồn tập quán quốc tế để giải thích luật thương mại nói chung và chế tài bồi thường thiệt hại nói riêng là một quan điểm chưa được thừa nhận rộng rãi. Theo tư duy phổ biến hiện nay, đối với những vấn đề mà luật thương mại (luật chuyên ngành) chưa điều chỉnh thì sẽ áp dụng Bộ luật Dân sự (đạo luật mẹ) để giải thích21. Nhưng điều này chỉ được thừa nhận áp dụng phổ biến đối với quan hệ thương mại quốc nội. Còn đối với hợp đồng thương mại quốc tế, điều này có áp dụng không? Và cho dù có áp dụng, chế tài bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự cũng không bao quát được hết các vấn đề của thương mại quốc tế. Trong bối cảnh đó, quy định về chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại cần bổ sung thêm một số điểm để đảm bảo tính rõ ràng và tương thích với pháp luật quốc tế:
Thứ nhất, cần giới hạn rõ phạm vi thiệt hại được bồi thường cho hợp đồng thương mại, quy định rõ phạm vi bồi thường có bao gồm những thiệt hại phi tiền tệ hay không, nếu có thể nên liệt kê rõ những thiệt hại phi tiền tệ được bồi thường nếu có chứng cớ xác đáng như thiệt hại do mất uy tín, thiệt hại do người chết, bị thương… đến những thiệt hại khác như chi phí luật sư, dịch thuật… Và thiệt hại có tính đến mọi khoản lợi cho bên có quyền từ một khoản chi phí hay tổn thất tránh được hay không.
Thứ hai, quy định rõ thiệt hại là có tính dự đoán trước bên cạnh tính thực tế, trực tiếp.
Thứ ba, quy định thêm cách tính toán thiệt hại trong trường hợp hợp đồng bị hủy với hai khả năng là bên bị vi phạm đã ký hợp đồng thay thế hoặc không như cách tính toán thiệt hại với hai khả năng trên của Công ước Viên và Bộ nguyên tắc Unidroit.
Thứ tư, quy định rõ về đồng tiền tính toán thiệt hại là đồng tiền quy định trong điều khoản nghĩa vụ thanh toán hoặc đồng tiền tại nới thiệt hại phát sinh tùy theo đồng tiền nào thích hợp nhất.
Thứ năm, xác định rõ có tính tiền lãi trên khoản tiền bồi thường thiệt hại như quy định tại Điều 7.4.10 của Bộ nguyên tắc Unidroit hay không.
Tuy nhiên cần chú ý rằng, vì chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại Việt Nam trước hết là được áp dụng đối với quan hệ thương mại quốc nội. Việc điều chỉnh nó theo khuynh hướng áp dụng cho quan hệ thương mại quốc tế như trên chưa hẳn là xác đáng. Sự lựa chọn hợp lý nhất, theo chúng tôi, là khi Luật Thương mại Việt Nam được áp dụng cho một hợp đồng thương mại quốc tế, nên giải thích áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại này theo hướng điều chỉnh trên và để đảm bảo tính tổng quan, nên thừa nhận việc áp dụng Công ước Viên là Bộ nguyên tắc Unidroit để bổ trợ giải thích Luật Thương mại nói chung và chế tài bồi thường thiệt hại nói riêng.
2. Trong lĩnh vực trọng tài thương mại
Việt Nam đã có kinh nghiệm 20 năm thực hiện Công ước New York (Công ước) năm 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài. Từ khi gia nhập Công ước đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tổ chức thực hiện Công ước New York và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về thi hành phán quyết trọng tài. Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài; Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003; Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011); Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và các văn bản pháp luật khác liên quan đến công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Tại Khoản 1, Điều 4 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định nguyên tắc giải quyết tranh chấp trọng tài thương mại đầu tiên là: “Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội”. Đồng thời Điều 14 của Luật này quy định “Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất. Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Thực hiện các quy định trên, các Tòa án và cơ quan tư pháp có thẩm quyền đã tiếp nhận và giải quyết nhiều yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam trên cơ sở của Công ước New York, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên có liên quan. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật và tư pháp thì trọng tài thương mại sẽ ngày càng có vị trí quan trọng hơn trong đời sống kinh doanh tại Việt Nam.
Thực tiễn trên cho thấy pháp luật Việt Nam cũng giống với các nước trên thế giới, đề cao nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tiếp tục hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại, do đó những quy định của UNIDROIT chắc chắn sẽ rất hữu hiệu đối với Việt Nam.
3.Trong nghiên cứu, đào tạo khoa học pháp lý
Hiện nay, trong nghiên cứu, đào tạo luật, các trường Đại học đã đưa môn tư pháp quốc tế vào chương trình giảng dạy luật quốc tế, trong đó phần lý luận xung đột pháp luật có đưa ra những căn cứ áp dụng tập quán quốc tế cho rằng tập quán quốc tế được áp dụng khi được các bên trong hợp đồng lựa chọn làm nguồn điều chỉnh hợp đồng giữa các bên. Lý luận này rất gần với các nguyên tắc giải quyết xung đột trong quan hệ hợp đồng của UNIDROIT.
4. Trong thực tiễn triển khai thi hành pháp luật trong lĩnh vực tư pháp
Thực hiện Luật Tương trợ tư pháp và các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết với các nước, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2008-30/6/2014, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối về tương trợ tư pháp đã tiếp nhận 14.842 yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam gửi đi nước ngoài. Tổng số yêu cầu ủy thác tư pháp đã có trả lời gửi qua Bộ Tư pháp là 5.193/14.842 yêu cầu, trong đó kết quả trả lời từ những nước có Hiệp định Tư pháp là 540/1388 yêu cầu. Trong lĩnh vực hộ tịch, theo báo cáo của các Sở Tư pháp, mỗi năm các thành phố lớn, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp) có hàng ngàn trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài); có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam định cư ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một bộ phận không nhỏ chưa mất quốc tịch Việt Nam, khoảng 10.000 trẻ em được cho làm con nuôi ở nước ngoài v.v... do đó, các giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài của Việt Nam ngày càng gia tăng.
Trong lĩnh vực kinh doanh, với gần 10.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (trong đó có trên 7.000 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), cùng với các doanh nghiệp trong nước, thực tiễn giao dịch hợp đồng thương mại quốc tế, nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân Việt Nam khi giao dịch hợp đồng thương mại, đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Nhu cầu bảo vệ an toàn các giao dịch của mình đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư Việt Nam tìm hiểu pháp luật quốc tế, trong đó có các nguyên tắc của UNIDROIT về luật hợp đồng cũng như kiến nghị việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế chung, với những mô hình pháp luật hiện đại,mang tính hài hòa chung giữa các hệ thống pháp luật như UNIDROIT. Do đó, xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, các văn bản pháp lý quốc tế của UNIDROIT sẽ không quá ‘xa lạ”, thậm chí trong một chừng mực nào đó là tương đối “gần gũi, quen thuộc” nếu được áp dụng chính thức khi Việt Nam trở thành thành viên của UNIDROIT.
Về phía UNIDROIT, tại Báo cáo kỳ họp thứ 92 của Hội đồng điều hành tại Rome từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 5 năm 2013, Hội đồng đã đưa ra Nghị quyết về việc quan tâm, xem xét các nước có khả năng gia nhập Quy chế của UNIDROIT, bao gồm: Morocco, Qatar, Thái Lan và Việt Nam. Do đó, nếu Việt Nam gia nhập thì sẽ rất thuận lợi vì nhận được ủng hộ tích cực từ Hội đồng.
III. Đánh giá những thuận lợi và thách thức đối với Việt Nam khi gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư
1. Thuận lợi:
- Đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho việc gia nhập UNIDROIT. Như phân tích ở trên, Nghị quyết của Đảng và các văn kiện quan trọng của Đảng đều khẳng định Việt Nam cần tích cực chủ động hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội nói chung và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp nói riêng.
- Khung thể chế trong nước về tư pháp quốc tế đã được thiết lập, là tiền đề cho việc gia nhập UNIDROIT. Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 quy định rõ về quy trình, thủ tục gia nhập điều ước đa phương tạo cơ sở pháp lý cho việc gia nhập các điều ước và các tổ chức quốc tế đa phương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có được những bước phát triển trong lĩnh vực tư pháp quốc tế như ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến tư pháp quốc tế như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Hôn nhân và gia đình... Những quy định pháp luật trong các văn bản này bước đầu giải quyết được những tranh chấp về dân sự có yếu tố nước ngoài phát sinh trong đời sống kinh tế xã hội, đã dần tiệm cận với các tiêu chuẩn của các Công ước do UNIDROIT soạn thảo và thông qua.
- Nhận thức về lĩnh vực tư pháp quốc tế trong các cơ quan xây dựng pháp luật, các cơ quan bảo vệ pháp luật (Tòa án, Kiểm sát) trong bộ máy nhà nước ta cũng đã nâng lên một bước; kiến thức về tư pháp quốc tế trong một bộ phận Luật gia, Luật sư ở Việt Nam đang được tích lũy; nhận thức của các doanh nghiệp thông qua thực tiễn ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài, công tác đào tạo, nghiên cứu về tư pháp quốc tế từ nhiều năm nay đã được quan tâm tại các cơ sở nghiên cứu pháp luật và cơ sở đào tạo luật... qua đó đã tạo được nền tảng bước đầu về nhận thức cũng như về nhân lực cho việc thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Việt Nam nói chung và cho tiến trình gia nhập UNIDROIT nói riêng.
- Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã xin gia nhập và chính thức trở thành thành viên của nhiều tổ chức đa phương khu vực cũng như toàn cầu. Riêng đối với lĩnh vực tư pháp và pháp luật, Việt Nam cũng đã là thành viên chính thức của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế từ tháng 4/2013. Do đó, chúng ta đã tích lũy được không ít kinh nghiệm để có thể phát huy vị trí, vai trò của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế, đồng thời tận dụng các diễn đàn này để mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho Việt Nam, phục vụ hiệu quả cho công cuộc hội nhập quốc tế sâu rọng mà Việt Nam đang theo đuổi.
Báo cáo Tổng kết công tác thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008