Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN - xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Xuất phát từ tư tưởng của Người, sau 66 năm ngày 09 tháng 11 lại được khẳng định giá trị hơn nữa đối với lịch sử lập pháp của Việt Nam, khi chính thức được ghi nhận trong luật bởi sáng kiến và sự tham mưu của Ngành Tư pháp về “Ngày Pháp luật Việt Nam - ngày 09 tháng 11”.
Tháng 06 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 - Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật ra đời đã quy định và khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tại Điều 8 của Luật quy định: “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.
Ngày 04 tháng 04 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đó “Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (gọi tắt là “Ngày Pháp luật”) được tổ chức hằng năm vào ngày 09 tháng 11. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức “Ngày Pháp luật” trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở hướng dẫn tổ chức “Ngày Pháp luật” của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức “Ngày Pháp luật”; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức “Ngày Pháp luật” cho các tổ chức thành viên. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức “Ngày Pháp luật”. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức “Ngày Pháp luật” cho các hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.
Trước khi “Ngày Pháp luật” được cụ thể hóa trong luật, các hoạt động của “Ngày Pháp luật” đã được Hội đồng phối hợp
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ triển khai từ ngày 04 tháng 10 năm 2010, thông qua Công văn số 3535/HĐPH gửi cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương.
Thực hiện “Ngày Pháp luật” cũng chính là sự cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của: “Ngày Pháp luật”, ngày 25 tháng 09 năm 2013, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 6902/BTP-PBGDPL về việc Tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2013 và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương rất nhiều hình thức thực hiện như: Tăng thời lượng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, phóng sự chuyên sâu, phim tài liệu, tin, bài, ảnh, các thông điệp ngắn, đối thoại, trả lời phỏng vấn và các hình thức phù hợp khác về “Ngày Pháp luật” trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tài liệu pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Năm An toàn giao thông”, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiếp cận pháp luật ở cơ sở…
Tiếp theo đó tại cuộc họp chiều ngày 08 tháng 10 năm 2013, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã góp ý nhiều nội dung cụ thể để hoàn thiện các dự thảo Kế hoạch, đảm bảo “Ngày Pháp luật” được tổ chức hiệu quả và thiết thực, góp phần cổ vũ, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật, góp phần tạo chuyển biến mới về chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Song song với hướng dẫn của Bộ Tư pháp, để triển khai mô hình trên, các địa phương cũng đã chủ động, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tạo tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện. “Ngày Pháp luật” trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội được thực hiện theo kế hoạch của mỗi đơn vị. Cụ thể, hàng tháng các đơn vị quy định một ngày, một thời gian nhất định trong ngày hoặc lồng ghép vào các chương trình khác của cơ quan, đơn vị mình một cách hợp lý và tạo điều kiện để cán bộ, công chức, nhân viên của đơn vị được học tập, nghiên cứu văn bản pháp luật. Trong học tập, nghiên cứu các văn bản pháp luật, các đơn vị chú trọng đến các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực do ngành được giao quản lý, chú ý đến các văn bản pháp luật có tác động nhiều và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân, được nhiều người quan tâm như: Đất đai, hôn nhân - gia đình, lao động - thương binh - xã hội, tài nguyên môi trường; giao thông, xây dựng...
Trong thời gian qua các địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nghề nghiệp trên khắp cả nước đã chủ động triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật” cụ thể:
Tại nhiều địa phương, tỉnh thành trong cả nước đã có nhiều hoạt động triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật” như: tỉnh Lạng Sơn với việc ban hành Kế hoạch số 36/KH-HĐPH ngày 12 tháng 05 năm 2011 về việc Triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn[1]; tỉnh Ninh Bình với hội thi “Ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình với pháp luật về An toàn giao thông”; tỉnh Kon Tum với việc ban hành Kế hoạch số 2331/KH-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2013 về tổ chức Ngày Pháp luật năm 2013 trên địa bàn tỉnh[3]; tỉnh Bến Tre với việc ban hành Kế hoạch số 4967/KH-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2013 thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn tỉnh năm 2013 với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[4]…
Ngày Pháp luật cũng được tổ chức thường xuyên tại các bộ, ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp như: Ngành Tư pháp song song với các hoạt động ban hành văn bản hướng dẫn cũng đã tổ chức nhiều hoạt động gắn liền với tinh thần của “Ngày Pháp luật” như: Tuổi trẻ tư pháp với mùa hè thanh niên tình nguyện, Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức chương trình tình nguyện tại Mường La, Sơn La lồng ghép trao quà tặng với việc tuyên truyền phồ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em …
Cùng với các tỉnh thành, địa phương và các bộ, ban ngành trong cả nước ban hành kế hoạch và tổ chức các hoạt động gắn với “Ngày Pháp luật”, tại các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nghề nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động hành nghề gắn với “Ngày Pháp luật” như: Trong dịp đón nhận và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư các tỉnh thành và các tổ chức hành nghề luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam đã tổ chức một chuỗi các hoạt động, trong đó phát động tháng trợ giúp pháp lý mà tiêu điểm là trợ giúp pháp lý miễn phí cho mọi đối tượng tại tất cả các tổ chức hành nghề luật sư vào đúng ngày 10 tháng 10. Các Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư trên cả nước đã xây dựng nhiều chương trương phổ biến, tư vấn giáo dục pháp luật như: Giao lưu giữa luật sư và các em học sinh tại các trường với các nội dung phổ biến giáo dục, tuyên truyền chính là: Tệ nạn học đường, bạo lực học đường và tuổi chịu tránh nhiệm hình sự; trợ giúp pháp lý miễn phí cho các thầy giáo, cô giáo và cán bộ, nhân viên nhà trường; Luật Giao thông đường bộ; lồng ghép các hoạt động quyên góp ủng hội đồng bào các huyện, xã khó khăn với hoạt động tuyên truyền, tư vấn phổ biến pháp luật cụ thể tại các tỉnh: Hà Nội, Hòa Bình, Yên Bái…
“Những hoạt động như thế này không chỉ rơi vào thời điểm kỷ niệm ngày truyền thống, mà trong suốt quá trình hành nghề luật sư, chúng tôi vẫn xác định trách nhiệm của các tổ chức luật sư, cũng như các luật sư trong việc giúp cho đối tượng khó khăn, đối tượng thuộc diện chính sách. Những hoạt động này được nhân lên tại tổ chức hành nghề luật sư, như sáng thứ 7 hàng tuần tổ chức tư vấn miễn phí”.
Ngoài ra, trên trang tin điện tử www.luatsungaynay.vn của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, các luật sư cũng tư vấn miễn phí cho cộng đồng. “Những sự kiện như thế này được giới luật sư quan tâm và nhân rộng ra với nhiều hình thức, hy vọng được xã hội biết đến và ghi nhận, góp phần làm tốt công tác phổ biến và tuyên truyền pháp luật, thực hiện đúng chính sách của Nhà nước”.
Theo đó, mỗi luật sư sẽ trợ giúp pháp lý miễn phí 01 ngày. Hoạt động này mang tính tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước lần đầu tiên được Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức và sẽ duy trì hàng năm.
Các hoạt động gắn với “Ngày Pháp luật” không chỉ diễn ra tại các địa phương, tỉnh thành, các bộ ngành, và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nghề nghiệp mà còn được diễn ra tại các đơn vị lực lượng vũ trang cụ thể: Những năm qua trong toàn quân, cũng đã thực hiện: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quân đội, coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở; biện pháp cơ bản nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật trong quân đội cho cán bộ, chiến sĩ. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc, việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một đòi hỏi khách quan, cần được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ… với nhiều hình thức: Thống nhất tên gọi của mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật này trong quân đội, Quân chủng là “Ngày pháp luật”, tổ chức Hội thi “Ngày pháp luật”, sân khấu hóa “Ngày pháp luật”.
Có thể khẳng định “Ngày Pháp luật” đã được nhân rộng và phổ biến thực hiện ở các địa phương trên cả nước, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nghề nghiệp, đây thực sự là “ngày hội của toàn dân”, thông qua sinh hoạt “Ngày Pháp luật” sẽ phổ biến, tuyên truyền đến người dân những văn bản pháp luật mới ban hành. Bên cạnh đó, “Ngày Pháp luật” còn giúp cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội, giúp cho những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn và dễ dàng đi vào cuộc sống, để mọi tâng lớp nhân dân đều “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần thắng lợi vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta./.
Hải Việt
Vũ Hải Việt (Tạp chí dân chủ và pháp luật - 5 trang)