​

Tổ chức hiệu quả Ngày Pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của mọi người dân

01/11/2013
Căn cứ Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013), thì ngày 09/11 hàng năm là Ngày pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục ý thức pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức Ngày pháp luật trên phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận một sự kiện pháp lý quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tham gia xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nhân dân góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi); các ngành, các cấp tổ chức triển khai nhiều văn bản pháp luật liên quan đến các Nghị định xử lý vi phạm hành chính thuộc ngành, lịch vực quản lý do Chính phủ ban hành nhằm hướng dẫn Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, đồng thời, năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã và sẽ thông qua nhiều đạo luật quan trọng khác liên quan đến cuộc sống của người dân như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi)…Chính vì vậy, việc thực hiện nghiên túc và hiệu quả Ngày pháp luật góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức pháp luật của các cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân trong việc “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Việc lựa chọn ngày 9/11 làm Ngày Pháp luật chính là ngày ban hành đạo luật cơ bản đầu tiên chúng ta, đo là Hiến pháp năm 1946 (ngày 09/11/1946) và đây sẽ trở thành sự kiện đáng nhớ góp phần vào tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Triển khai Ngày Pháp luật hiệu quả sẽ thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể khi triển khai cần chú trọng vào chức năng, nhiệm vụ của mình và đặc thù đối tượng thuộc phạm vi quản lý để tổ chức Ngày Pháp luật theo các cách thức khác nhau nhằm đem lại hiệu quả thiết thực nhất. Bên cạnh đó, việc tổ chức Ngày pháp luật là đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý quan trọng, ví như một “ngày hội” của các tầng lớp nhân dân mà ở đó nhiều hoạt động có ý nghĩa tuyên truyền pháp luật rất cao, với những khẩu hiệu, tiểu phẩm tuyên truyền, thông qua các cuộc thi, đóng góp nhiều hình ảnh trực quan, sinh động liên quan đến pháp luật và với những tác phẩm báo chí, văn học, thi ca…mang “hơi thở” pháp luật bám sát vào chủ đề Ngày pháp luật năm 2013, đó là “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nội dung triển khai Ngày Pháp luật cần tuyên truyền tập trung vào mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật, kết hợp với tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến từng đối tượng cụ thể; đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; khiếu nại, tố cáo, đặc biệt, tuyên truyền một số nội dung của Hiến pháp khi Quốc hội khóa XIII thông qua và các quy định Luật đất đai (sửa đổi)…Mặt khác, khi tổ chức Ngày pháp luật cần thông qua hình thức như tăng thời lượng phát sóng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, phóng sự, tin ảnh…về Ngày Pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương; cần lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”,…Qua đó vận động cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực nhạy cảm, trước mắt cần thực hiện như pháp luật về giao thông đường bộ nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đang có chiều hướng gia tăng hiện nay hoặc phòng, chống tham nhũng…Đối với cơ quan Nhà nước thông qua việc tổ chức Ngày Pháp luật cần kết hợp với việc thực hiện các khẩu hiệu trước mắt cũng như lâu dài, ví dụ như “Cơ quan không khói thuốc lá” nhằm triển khai có hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá…mà trước hết cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải làm gương.

Vì đây là năm đầu tiên chúng ta triển khai Ngày Pháp luật, quá trình thực hiện cần phải được tổ chức sinh động, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, qua đó cần đánh giá cụ thể về hiệu quả đạt được trong việc triển khai Ngày Pháp luật; ghi nhận và biểu dưỡng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong việc tổ chức Ngày Pháp luật để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình hiệu quả cho những năm tiếp theo. Việc tổ chức Ngày Pháp luật là chủ trương đúng và được ghi nhận trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, cần tích cực hưởng ứng và thực hiện hiệu quả, nghiêm túc của các ngành, các cấp nhằm chuyển tải pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, đồng thời cần xem đây là kênh rất quan trọng và hiệu quả trong việc tuyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Việc lựa chọn chủ đề để tổ chức Ngày pháp luật cần phải gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và đối tượng tuyên truyền sao cho nội dung sinh hoạt pháp luật gần gũi nhất, cần thiết nhất mà đối tượng quan tâm. Có như vậy, Ngày pháp luật sẽ là ngày hội mà các tầng lớp nhân dân luôn chờ đợi và mong mỏi hướng đến trong năm, khi đó mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật sẽ đạt được và chúng ta có quyền tin tưởng rằng sẽ có một xã hội thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật và các tầng lớp nhân dân đề có ý thức trong việc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; thực hiện tốt khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã chọn./.

Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum


Nguyễn Văn Bảy (2.5 trang)