Cuộc thi đã thu hút các tầng lớp Nhân dân tham gia với tổng số bài dự thi trên toàn tỉnh là 71.570 bài/1.143.500 người dân (đạt tỷ lệ 6,26% số lượng dân cư). Đánh giá về tác động của cuộc thi, Báo cáo của Ban Tổ chức nêu rõ “sức lan tỏa từ quá trình triển khai, thông tin truyền thông và kết quả làm bài thi đã có tác động, ảnh hưởng nhất định đến mỗi người. Không ít tập thể, cá nhân đã cho thấy quá trình thay đổi nhận thức, tư duy về nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua từng giai đoạn, từ khi tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu đến trả lời chi tiết, cụ thể 9 câu hỏi. Đối với bản thân người dự thi, đã có ý thức cuộc thi “là cách để góp phần nhỏ vào mục tiêu tuyên truyền, đưa Hiến pháp vào đời sống của Đảng và Nhà nước, tăng thêm niềm tin về một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”. Về nhận thức, được học hỏi, củng cố thêm kiến thức về Hiến pháp, thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, đưa Hiến pháp vào trong quá trình công tác, lao động”.
Phát biểu tại Lễ Tổng kết, đồng chí Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi khẳng định “Cuộc thi đã thành công nhưng chưa khép lại vì kết quả cuộc thi sẽ là sản phẩm, công cụ để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đó là tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến với mọi người dân”. Để thực hiện mục tiêu này, đồng chí yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổng hợp, lựa chọn các bài thi đạt chất lượng tốt để bổ sung vào nguồn tài liệu tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp; phát huy nhân tố con người từ những cá nhân đạt giải cao trong Cuộc thi, trở thành những người tuyên truyền viên, làm lan tỏa nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp đến những người xung quanh; cần xem nhiệm vụ tuyên truyền Hiến pháp là một nội dung thường xuyên trong Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của tỉnh và các địa phương. Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền Hiến pháp năm 2013 phải gắn liền với việc tuyên truyền, phổ biến các Luật mới được ban hành và phục vụ công tác góp ý của cán bộ, nhân dân đối với các dự luật đang được tổ chức lấy ý kiến.
Tại buổi Lễ, đã trao 30 giải thưởng cho 27 cá nhân và 03 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong Cuộc thi. Trong đó, giải nhất cá nhân thuộc về thí sinh Trần Thị Hồng Nga – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, giải nhất tập thể thuộc Ban Tổ chức Cuộc thi thành phố Huế.
Có thể nói, Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã kết thúc tốt đẹp và tiếp tục mở ra những hướng đi mới cho công tác triển khai thi hành Hiến pháp. Từ sức lan tỏa, ảnh hưởng của Cuộc thi và các nguồn tài liệu, nguồn nhân lực được bổ sung qua cuộc thi sẽ làm cho công tác này thêm phong phú, đa dạng, góp phần thiết thực vào việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương./.
Nguyễn Thị Đào – Sở Tư pháp TT. Huế