Cải cách quyền dân sự năm 1950: Trọng trách của Ngành Tư pháp trước quyền lợi của nhân dân

13/08/2014
Điều 1 Sắc lệnh số 97-SL ngày 22-5-1950 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường tổ chức soạn thảo và tiếp ký quy định: “Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi người ta hành sự nó đúng với quyền lợi của nhân dân”. Vỏn vẹn chỉ 22 từ, nhưng quy định này thể hiện sự thay đổi nhận thức căn bản về các quyền dân sự trong chế độ mới, là tuyên ngôn của Ngành Tư pháp về quyết tâm xây dựng và thực thi một hệ thống pháp luật cách mạng vì quyền lợi của nhân dân.

1. Nội dung cơ bản của cải cách quyền dân sự năm 1950.

Sự thay đổi tư duy từ bảo vệ các quyền dân sự “thuần túy, siêu hình, phi giai cấp” sang bảo vệ các quyền dân sự gắn với yêu cầu “loại bỏ bóc lột, đúng với quyền lợi của nhân dân” có thể được luận giải qua những bài viết của Thứ trưởng Trần Công Tường về công tác tư pháp năm 1950. Đặc biệt tại bài viết “Nhân dân đã đấu tranh để cải tổ nền tư pháp Việt Nam”, ông đã phê phán vai trò và tư duy “pháp lý thuần túy” của một số tòa án giai đoạn trước năm 1950 như sau: Về mặt kinh tế một số tòa án đã che chở cho địa chủ hay là những phần tử phản động đã trốn tránh những thể lệ giảm tô. Họ đã thẳng tay thi hành luật cũ, bảo vệ quyền tư hữu tuyệt đối của thiểu số và thực hiện sự bóc lột đối với nhân dân lao động. Ông khẳng định một công việc cấp bách là cần phải thiết lập một công cụ mới của chính quyền hướng hẳn về quyền lợi của nhân dân, đồng thời phải loại bỏ không khoan nhượng đối với mọi hình thức của chế độ bóc lột: Nhân dân đã đòi hỏi một sự cải cách đến tận gốc, một nền Tư pháp thực sự nhân dân. Nhân dân đã lên tiếng thiết tha yêu cầu bãi bỏ những bộ luật cũ trái với quyền lợi của nhân dân và ngăn cản sự tiến bộ của họ và đòi hỏi những luật mới để bảo vệ quyền lợi và làm khí cụ tranh đấu cho nhân dân. Đoàn thể nhân dân đã lên tiếng bài trừ những lý luận pháp lý sai lầm, hủ bại và đề ra những tư tưởng mới do kinh nghiệm tranh đấu của nhân dân sáng tạo ra.

Theo Thứ trưởng Trần Công Tường, đến năm 1950, tương quan lực lượng mới có lợi cho nhân dân nên làm cho chính quyền bộc lộ ngày càng rõ rệt tính cách dân chủ nhân dân. Chính quyền phải ngày càng bộc lộ tính cách dân chủ nhân dân thì tức là các công cụ của chính quyền (như Tòa án) cũng chịu ảnh hưởng, cũng phải thay đổi. Sự thành lập các Tòa án nhân dân do Sắc lệnh số 85 ngày 22-5-50 đã diễn tả tương quan lực lượng mới. Nó là kết quả của sự tranh đấu, hy sinh của nhân dân, của công nông ở tiền tuyến, ở hậu phương tranh đấu trên mặt trận kinh tế, chính trị, tư tưởng để làm cho lực lượng của họ lớn mạnh.

Vì vậy, ông mạnh mẽ khẳng định: Việc đặt nguyên tắc hướng dẫn các thẩm phán trong sự áp dụng luật lệ bảo vệ những quyền của tư nhân, để thích hợp những quyền đó với quyền lợi của nhân dân nói chung, ngày nay phải để lên trên tất cả. Những thuyết duy cá nhân đã đưa đến quan niệm cho rằng quyền dân sự (thí dụ: quyền sở hữu, quyền của chủ nợ đối với con nợ v.v…..) có tính cách tuyệt đối là sai lạc. Ngày nay, ta không thể duy trì tính cách tuyệt đối đó của các quyền dân sự, và phải quan niệm rằng quyền của tư nhân chỉ có tính cách tương đối, và phải được hành sử đúng với quyền lợi của nhân dân. Ông khẳng định Ngành Tư pháp có trọng trách lớn lao đối với việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân thông qua việc loại bỏ mọi hình thức bóc lột thông qua thẩm quyền: Hủy tiêu khế ước khi một bên lập ước lợi dụng sự chênh lệch về địa vị kinh tế giữa hai bên, sự túng quẫn của người lập ước bên kia mà bóc lột người đó. Tại Tờ trình Sắc lệnh cải cách quyền dân sự này, ông giải thích:

“Sắc lệnh ngày 10-10-1945 có tạm giữ để thi hành những pháp điển cũ dưới thời Pháp thuộc, trong khi chờ đợi sự ban hành những bộ luật mới cho nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ ngày ký sắc lệnh ấy tới nay với thời gian và sự biến đổi mau chóng của tình trạng xã hội Việt Nam, do cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc thúc đẩy, các pháp điển cũ dần bị vượt bước bởi sự tiến hóa chung, và một số điều khoản trong các bộ luật ấy trở nên lạc hậu, phải trái quá rõ rệt với tinh thần mới và sự tiến bộ của toàn dân.

Vì lẽ đó, trong khi chờ đợi toàn bộ dân pháp điển mới được ban hành, Bộ Tư pháp xét thấy cần đề nghị lên Chính phủ và Quốc hội dự án một sắc lệnh sửa đổi cấp bách một số quy lệ và chế định trong dân luật cũ và đặt những nguyên tắc mới thay vào”.

Trong cuốn Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2001), Bộ trưởng Vũ Đình Hòe hồi tưởng và giải thích về ý nghĩa và trọng trách của Ngành Tư pháp đối với việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân, đấu tranh không khoan nhương nhằm loại bỏ mọi hình thức của chế độ bóc lột thực dân phong kiến trong chế độ mới như sau:

Về vấn đề cải cách tư pháp thứ ba, dự án Sắc lệnh đề nghị quy định:"các quyền dân sự của công dân chỉ được thực hiện và bảo vệ khi công dân sử dụng các quyền ấy của mình một cách phù hợp với quyền lợi của nhân dân". Cơ bản hơn nữa: Khái niệm quyền dân sự của công dân phải xuất phát từ quan điểm mới về quyền sở hữu tư nhân. Trong chế độ Dân chủ mới không thể coi tư hữu là giá trị "thiêng liêng tuyệt đối, vĩnh viễn và bất khả xâm phạm" như trong nền Dân chủ Tây phương, cho nên pháp luật Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải quy định: "Công dân chỉ hành sử quyền tư hữu trong phạm vi phù hợp với quyền lợi của nhân dân. Vậy quy định thêm một nguyên tắc nữa: "Tòa án nhân dân có thể hủy bỏ bất kỳ hợp đồng nào ký kết giữa hai công dân, nếu có sự chênh lệch quá đáng về tài sản giữa họ với nhau".

2. Tờ trình của Bộ Tư pháp gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nội dung của Tờ trình dự thảo Sắc lệnh của Bộ Tư pháp gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:

TỜ TRÌNH

Kính gửi Cụ Chủ tịch Chính phủ Việt Nam

Cuộc khởi nghĩa tháng Tám và sự thành lập chính quyền dân chủ cộng hòa đã đem đến những biến đổi thực sự trong cách thức sinh hoạt và tư tưởng của nhân dân Việt Nam. Nói chung, xã hội ta đương đi mạnh dạn trên con đường tiến hóa tất nhiên của lịch sử. Do đó, luật pháp cũng cần phải sửa đổi để thúc đẩy sự tiến hóa đó cho mau chóng.

Sắc lệnh ngày 10-10-1945 có tạm giữ để thi hành những pháp điển cũ dưới thời Pháp thuộc, trong khi chờ đợi sự ban hành những bộ luật mới cho nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ ngày ký sắc lệnh ấy tới nay với thời gian và sự biến đổi mau chóng của tình trạng xã hội Việt Nam, do cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc thúc đẩy, các pháp điển cũ dần bị vượt bước bởi sự tiến hóa chung, và một số điều khoản trong các bộ luật ấy trở nên lạc hậu, phải trái quá rõ rệt với tinh thần mới và sự tiến bộ của toàn dân.

Vì lẽ đó, trong khi chờ đợi toàn bộ dân pháp điển mới được ban hành, Bộ Tư pháp xét thấy cần đề nghị lên Chính phủ và Quốc hội dự án một sắc lệnh sửa đổi cấp bách một số quy lệ và chế định trong dân luật cũ và đặt những nguyên tắc mới thay vào.

Dự án sắc lệnh sau đây:

1) Đặt nguyên tắc hướng dẫn các thẩm phán trong sự áp dụng luật lệ bảo vệ những quyền của tư nhân, để thích hợp những quyền đó với quyền lợi của nhân dân nói chung, ngày nay phải để lên trên tất cả. Những thuyết duy cá nhân sai lạc đã đưa đến quan niệm cho rằng quyền dân sự (thí dụ: quyền sở hữu, quyền của chủ nợ đối với con nợ v.v…..) có tính cách tuyệt đối.

Ngày nay, ta không thể duy trì tính cách tuyệt đối đó của các quyền dân sự, và phải quan niệm rằng quyền của tư nhân chỉ có tính cách tương đối, và phải được hành sử đúng với quyền lợi của nhân dân.

2) Rút tuổi thanh niên từ 21 xuống 18 tuổi để cho hợp với nhu cầu của đời sống mới, và chủ trương giải phóng con người. Sự cải cách này rất hợp lý, vì lý do chính sau đây:

a) Dưới chế độ thực dân và bán phong kiến, đa số nhân dân không được giáo dục, không được hưởng sự huấn luyện trong đời sống tập thể, nên những năng lực tinh thần không phát triển mau chóng. Dưới chế độ dân chủ mới, người công dân được giáo dục và huấn luyện trong một hoàn cảnh tự do và tiếp xúc rộng rãi với thực tại xã hội, tại óc suy xét, phán đoán, phân biệt hơn thiệt, có thể phát triển sớm hơn là tới khi 21 tuổi.

b) Tuổi thành niên về phương diện chính trị ở nước ta là 18 tuổi. Mỗi người công dân 18 tuổi đều có quyền bầu cử, như vậy không có lý do gì chính đáng để chủ trương rằng ý thức chính trị lại đến sớm hơn là sự chín chắn của trí khôn để phân biệt phải trái, hơn thiệt trong đời sống hàng ngày.

c) Luật Lao động Việt Nam (sắc lệnh ngày 12-3-1947) định rằng từ 16 tuổi trở lên, ai cũng có thể tự ý vào công đoàn (điều 155) và do đó chịu một số nghĩa vụ. Ở dân luật thực định, chế độ thoái quyền cho người vị thành niên dưới 21 tuổi được có một năng lực hành sử quyền rộng rãi hơn là người vị thành niên thường, đã chứng tỏ rằng người dưới 21 tuổi không phải hoàn toàn là thiếu trí xét đoán để tự chỉ huy.

3) Xóa bỏ tính cách phong kiến của quyền gia trưởng cũ, quá ràng buộc và áp bức cá nhân, trái với mục đích giải phóng con người của một nền pháp lý dân chủ. Do đó, nói chung thì người con thành niên từ nay có quyền tự chỉ huy thân mình và quản trị tài sản riêng và nói riêng:

a) Con cái đã thành niên lấy vợ hoặc lấy chồng không cần phải có sự thỏa thuận của cha mẹ hoặc một thân trưởng nào khác

b) Cha mẹ không có quyền giam cầm con cái khi chúng phạm lỗi.

c) Trong lúc cha hoặc mẹ góa còn sống, con cái đã thành niên có thể xin chia di sản của người mẹ hoặc cha đã chết.

4) Thực hiện nguyên tắc nam nữ bình đẳng trong giá thú: từ nay vợ chồng có địa vị bình đẳng trong gia đình, và người đàn bà có chồng có toàn năng lực để làm mọi hành vi dân sự, không cần phải được chồng cho phép như trước nữa. Đây chỉ là một sự cải cách khiến cho pháp luật Việt Nam theo kịp pháp luật các nước trên thế giới.

5) Xóa bỏ quy lệ lạc hậu cấm người ta không được kết hôn trong thời kỳ để tang một số người thân thuộc. Sự để tang và lòng thương nhớ người chết là một nghĩa vụ luân lý, và luật pháp không cần và không nên gán cho nó một quy kết có thể làm hại tới hạnh phúc của con cái. Vả lại dưới chế độ cũ cũng chỉ có Luật Bắc kỳ và Trung kỳ là cấm kết hôn trong thời kỳ tang chế, còn luật Nam kỳ thì không hề cấm.

Riêng đối với người đàn bà góa, vì muốn tránh sự có thể lẫn cha, nên luật mới bắt buộc người đó phải đợi quá 10 tháng sau khi chồng chết mới được tái giá. Tuy nhiên, nếu người đàn bà dẫn chứng được rằng người ấy không có thai hoặc đã có thai thì có thể được phép tái giá, vì ở trường hợp này không còn sợ lẫn cha nữa. Người đàn bà ly dị cũng theo quy lệ ấy.

6) Cho phép người con hoang được tự mình xin truy nhận cha hoặc mẹ hoang. Trong luật lệ cũ, ở Nam kỳ và một phần nào ở Trung kỳ, người con có thể được truy nhận cha hoặc mẹ hoang, nhưng ở Bắc kỳ thì người con không có quyền đó. Quy lệ mới định trong sắc lệnh là một bước tiến đối với pháp chế cũ và nhân thể thực hiện sự thống nhất luật lệ trong toàn cõi Viêt Nam.

7) Xóa bỏ quy lệ bất công bắt con cháu hoặc vợ hay chồng một người chết phải nhận thừa kế người ấy, và phải trả nợ của người chết vào cả tài sản riêng của mình nếu cần.

8) Đặt nguyên tắc thanh toán chế độ tài sản chung giữa vợ chồng, khi con cái thành niên xin chia di sản của cha hoặc mẹ chết, cho hợp với công lý và nguyên tắc nam nữ bình đẳng.

9) Đặt nguyên tắc hủy tiêu khế ước khi một bên lập ước lợi dụng sự chênh lệch về địa vị kinh tế giữa hai bên, sự túng quẫn của người lập ước bên kia mà bóc lột người đó.

                                                          Ngày 10 tháng 5 năm 1950

                                                          KT.Bộ trưởng Bộ Tư pháp

                                                                   Thứ trưởng                    

                                                          TRẦN CÔNG TƯỜNG

3. Nội dung Sắc lệnh số 97-SL ngày 22-5-1950 sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật.

Nội dung Sắc lệnh như sau:

SẮC LỆNH

CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Chiểu sắc lệnh ngày 10-10-1945 tạm giữ các luật lệ hiện hành ở Việt Nam để thi hành cho đến khi ban hành những luật mới cho toàn cõi Việt Nam;

Chiểu sắc lệnh số 72-SL ngày 18-6-1949 lập Hội đồng Tu luật có nhiệm vụ thảo những dự án pháp điển Việt Nam;

Chiểu các dân pháp điển Bắc kỳ và Trung kỳ quyển 1. Pháp quy giản yếu 1883 thi hành ở Nam kỳ và những luật lệ theo sau;

Xét cần thích ứng luật lệ với sự tiến hóa chung:

Chiểu đề nghị của các tiểu ban chuyên môn của Hội đồng Tu luật và của ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chiểu quyết nghị của Hội đồng Chính phủ sau khi Ban thường trực quốc hội thỏa thuận;

Ra sắc lệnh:

Điều 1.- Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi người ta hành sự nó đúng với quyền lợi của nhân dân.

Điều 2.- Người con đã thành niên không bắt buộc phải có cha mẹ bằng lòng mới kết hôn được.

Điều 3.- Trong thời kỳ tang chế vẫn có thể lấy vợ, lấy chồng được.

Song người vợ góa chỉ có thể lấy chồng sau 10 tháng kể từ ngày chồng chết. Nhưng trong thời hạn ấy, người vợ góa vẫn có thể tái giá nếu chứng rõ được rằng mình không có thai, hoặc là có thai với chồng trước để tránh sự lẫn lộn về con cái.

Điều 4.- Người đàn bà ly dị có thể lấy chồng khác ngay sau khi có án tuyên ly dị, nếu dẫn chứng được rằng mình không có thai hoặc đương có thai.

Điều 5.- Chồng và vợ có địa vị bình đẳng trong gia đình.

Điều 6.- Người đàn bà có chồng có toàn năng lực về mặt hộ.

Điều 7.- Người vị thành niên là con trai hay con gái chưa đủ 18 tuổi. Khi đã đến tuổi thành niên thì dù còn ở với cha mẹ, người con cũng có quyền tự lập.

Điều 8.- Cha mẹ không có quyền xin giam cầm con cái.

Điều 9.- Người con hoang vô thừa nhận được phép thưa trước tòa án để truy nhận cha hoặc mẹ của mình.

Điều 10.- Con cháu hoặc vợ hay chồng của người chết cũng không bắt buộc phải nhận thừa kế người ấy. Khi nhận thừa kế thì các chủ nợ của người chết cũng không có quyền đòi nợ quá số di sản để lại.

Điều 11.- Trong lúc còn sinh thời, người chồng góa hay vợ góa, các con đã thành niên có quyền xin chia phần tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết, sau khi đã thanh toán tài sản chung.

Điều 12.- Người ta chỉ được hưởng dụng và sử dụng các vật thuộc quyền sở hữu của mình một cách hợp pháp và không thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân.

Điều 13.- Khi lập ước mà có sự tồn thiệt do sự bóc lột của một bên vì điều kiện kinh tế của hai bên chênh lệch thì khế ước có thể coi là vô hiệu.

Điều 14.- Tất cả các điều lệnh trong dân Pháp điển Bắc kỳ, dân Pháp điển Trung kỳ, Pháp quy giản yếu 1883 (sắc lệnh ngày 3-10-1883) thi hành ở Nam kỳ, và những luật lệ theo sau, trái với những điều khoản trên này đều bị bãi bỏ.

Điều 15.- Ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu ủy nhiệm thi hành sắc lệnh này.

Ngày 22 tháng 5 năm 1950

HỒ CHÍ MINH

Tiếp ký:

KT.Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Thứ trưởng

TRẦN CÔNG TƯỜNG

                                           Ths. Nguyễn Xuân Tùng

                                    Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp

Bạn đọc muốn tìm hiểu vai trò của Bộ Tư pháp trong cải cách quyền dân sự năm 1950, đề nghị liên hệ với Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp:

1. Tập Bài viết của đồng chí Trần Công Tường về công tác tư pháp năm 1950, kí hiệu: V10400.

2. Việt Nam Dân quốc Công báo năm 1950, kí hiệu: CB 06.