1. Hội nghị học tập Tư pháp Trung ương 1950 qua những dòng ký ức
Báo cáo kiểm thảo việc thực hiện Chương trình tư pháp 1950 do Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe ký tại Việt Bắc ngày 13 tháng 12 năm 1950 đánh giá về tình hình công tác tư pháp năm 1950 và ý nghĩa của Hội nghị học tập Tư pháp Trung ương như sau:
“Năm 1950 đánh dấu sự chuyển hướng của nền Tư pháp Việt Nam.
Tổ chức Tư pháp cũ do Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946 quy định, tuy đã có mầm mống tính chất nhân dân, nhưng còn mang nặng những tàn tích Tư sản thực dân. Nó xây dựng theo quan niệm Tư pháp độc lập vô tư đứng trên nhân dân, điều hòa giai cấp. Cán bộ chịu ảnh hưởng sâu xa của tư tưởng pháp lý cũ, luật lệ-nhất là Dân luật-vẫn là luật lệ phong kiến tư sản xưa, do đó qua 5 năm kháng chiến Tư pháp càng xa nhân dân…
Công việc đầu tiên phải làm để thực hiện việc chuyển hướng đã đề ra là xây dựng lý luận Tư pháp nhân dân và Tư pháp trong giai đoạn phải đẩy mạnh sang Tổng phản công. Muốn đạt được mục đích đó trước hết phải đả phá lập trường quan điểm phương pháp của pháp lý cũ rồi sau đó phải đưa lý luận Mác-Lênin vào thực tiễn kháng chiến Việt Nam, theo hướng tiến của Chính quyền Dân chủ Nhân dân Việt Nam mà xây dựng pháp lý mới.
Hội nghị học tập Trung ương, gồm có gần 60 đại biểu của các liên khu Việt Bắc, 3, 4 và miền Nam Trung Bộ, mà trong ba tháng 5, 6, 7 đã góp phần đáng kể vào công cuộc đó. Những đại biểu ấy phần đông là cán bộ pháp lý cũ. Bởi thế việc tranh đấu tư tưởng gắt gao và cuối cùng cái mới đã thắng cái cũ. Cơ sở pháp lý dân chủ nhân dân đã được xây đắp khá vững chắc. Các học viên đã đi vào con đường thống nhất tư tưởng và lập trường”.
Trong cuốn “Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chính Minh” (Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2001), Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã đặt việc tổ chức hội nghị học tập này vào là một phần thảo luận về cuộc “cải cách tư pháp năm 1950”. Phần này có ghi lại việc tổ chức lớp như sau:
“Trở về cơ quan Bộ, tôi được bí thư của tôi Lê Văn Bình nói nhỏ với tôi là Chi bộ Cộng sản đang khẩn trương chuẩn bị mở lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ cao cấp trong ngành cả ở trung ương lẫn địa phương…”.
Sau đó, Thứ trưởng Trần Công Tường báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức lớp học:
“Lớp mở cấp tốc, thời gian một tháng, học cả buổi sáng, chiều, đêm. Giảng viên là các vị lãnh đạo cao trong Nhà nước và các nhà nghiên cứu mác xít lỗi lạc: Trần Văn Giầu, Nguyễn Khánh Toàn, Bùi Công Trừng, Lê Văn Hiến…Học viên là những anh em phụ trách tư pháp và Tòa án, nguyên luật sư, Thẩm phán cựu trào đương nhiệm, vụ trưởng trong Bộ, các Giám đốc tư pháp Khu, các thành phần tỉnh, huyện có chọn lọc hoặc mới được đề bạt. Thêm vào số học viên chính thức là cán bộ thừa hành, đảng viên trong Chi bộ của anh vừa được theo học, vừa làm nhiệm vụ điếu đóm cho lớp…”.
Trước ngày khai giảng tôi dạo qua một lượt các tổ học tập, chào tất cả anh em, xin lỗi vắng mặt hôm sau vì mắc đi họp Trung ương Dân chủ ở xa…
Rồi bế mạc lớp, anh Tường trịnh trọng báo tin cho tôi biết Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận đến dự và huấn thị.
Về nội dung buổi bế mạc, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe hồi tưởng:
Anh Tường báo cáo kết quả học tập của lớp (Bài báo cáo này hiện vẫn được lưu giữ, sử dụng tại Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp).
Anh Trần Kiêm ý viết tắt T-K-L… Giám đốc Tư pháp Khu 4 là học viên xuất sắc đã tiếp thu được tốt nhất lý luận mới về Nhà nước và pháp luật, thay mặt cả lớp trình bày thu hoạch của mình.
Tôi đứng lên đọc mấy lời cảm tạ Phó Thủ tướng đã quan tâm nhiều đến lớp đầu tiên về nền Tư pháp Việt Nam sẽ được “cải tổ”. Rồi quay lại với anh em tôi đọc tiếp mấy lời nhắc nhở về lập trường nhân dân khi ngồi xử án.
Cuối cùng, lớp được vinh dự nghe lời huấn thị của Phó Thủ tướng. Ông căn dặn anh em phải hết sức tránh cách hấp thụ kiến thức mới “kiểu con vẹt”, tránh máy móc và chủ quan áp dụng ‘nguyên xi” vào công tác của ngành, ảnh hưởng trực tiếp và tức thì tới công cuộc kháng chiến kiến quốc và lợi ích sát sườn hàng ngày của người dân…; sau đó ông nhìn thẳng vào mặt anh T.K.L giọng nói nghiêm nghị khác thường:
Tôi cần nói thẳng với đồng chí câu này: đừng có tự cao tự đại. Cách ứng khẩu và dáng đứng của đồng chí lúc nãy là không đúng đâu. Phải học ngay thái độ khiêm tốn, cẩn trọng của Bộ trưởng của đồng chí. Ông phát biểu có mấy câu ngắn gọn, giản dị mà ông cũng đã phải viết trước vào giấy cẩn thận, thật đáng quý… Tôi cũng cần nói với tất cả anh em là ý kiến của Bộ trưởng về “lập trường nhân dân’ mang một nội dung sâu sắc đấy. Phải biết kết hợp kiến thức mới hấp thụ được mà suy nghĩ cho chín chắn trước khi hành động.
Anh Tô còn có nhã ý ngồi lại ăn cơm liên hoan cùng anh em. Tôi ngồi cạnh anh…
Trong ‘Tập Hồi ký của luật sư Vũ Trọng Khánh” (11/1994), Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh hồi tưởng: Bác có lối viết, cách nói nôm na, dễ hiểu mà nội dung vẫn đúng…Khi nói chuyện ngay cả với cán bộ, Bác không viện dẫn kinh điển Mác-Lênin mà rút học thuyết lại thành câu cô đọng, lời văn thông thường. Ví dụ Hội nghị Tư pháp toàn quốc đầu tiên năm 1950 tại Việt Bắc, Bác nói với chúng tôi cán bộ pháp lý: “Chúc các chú làm thế nào để trở thành thất nghiệp!”, hiểu ý nghĩa trước mắt là các chủ phủ tuyên truyền giáo dục sao cho nhân dân đoàn kết không kiện tụng nhau, ý nghĩa sâu xa là theo học thuyết Mác-Lênin thì chủ nghĩa cộng sản thắng lợi sẽ không còn nhà nước thống trị áp bức.
2. Bức điện văn của Hội nghị học tập Tư pháp Trung ương (1950) gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2.1. Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950 đã tạo bước chuyển quan trọng trong nhận thức về công tác xây dựng pháp luật.
Báo cáo kiểm thảo việc thực hiện Chương trình tư pháp 1950 do Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe ký tại Việt Bắc ngày 13 tháng 12 năm 1950 đánh giá về tình hình công tác tư pháp năm 1950 nhận định về yêu cầu khẩn trương xây dựng một hệ thống pháp luật mới: Cán bộ chịu ảnh hưởng sâu xa của tư tưởng pháp lý cũ, luật lệ-nhất là Dân luật-vẫn là luật lệ phong kiến tư sản xưa, do đó qua 5 năm kháng chiến Tư pháp càng xa nhân dân.
Trong bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rõ nền tảng của mỗi hệ thống pháp luật, qua đó giúp cán bộ tư pháp nhận thức rõ hơn bản chất của mỗi hệ thống pháp luật. Theo Người, mỗi hệ thống pháp luật phải được hình thành trên cơ sở nền tảng đạo đức của xã hội mà hệ thống pháp luật đó tồn tại. Pháp luật phong kiến dựa vào đạo đức phong kiến: tôn vua, kính thầy, hiếu với cha. Pháp luật tư sản dựa trên nền tảng đạo đức gian ngoan và tinh vi hơn: tự do, bình đẳng nhưng thực sự chỉ có được đối với bọn tư bản. Trong chế độ mới - pháp luật phải được dùng để bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động, ngăn chặn những kẻ lợi dụng quyền tư hữu để bóc lột nhân dân lao động, bảo vệ quyền tự do, dân chủ cho nhân dân lao động.
Người nhấn mạnh: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”. Có thể nói, đạo đức cách mạng phải là cái gốc, xây dựng hệ thống quan điểm pháp luật XHCN phải phù hợp với quan điểm đạo đức mới. Đây chính là quan điểm pháp luật thấm sâu quan điểm đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. “Thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức” phải là những giá trị đạo đức cơ bản, phải được lấy làm chỗ dựa cho việc xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật trong chế độ mới. Tôn trọng quyền được hưởng hạnh phúc tự do không chỉ cho số ít người mà là cho tuyệt đại đa số nhân dân lao động là chính là đạo lý “ở đời và làm người”, đồng thời cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của mỗi công dân.
Theo các tư liệu lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm chỉ đạo và nói chuyện tại hội nghị này. Bài phát biểu của đại diện học viên tại buổi bế giảng hội nghị viết: Anh em chúng tôi vô cùng cảm động, vô cùng sung sướng được Hồ Chủ Tịch, ông Phó Thủ tướng và Chính phủ đặc biệt chú ý đến cuộc Hội nghị này. Ngay từ hôm khai mạc, ông Phó Thủ tướng đã thân hành chỉ dậy cho chúng tôi bài giảng đầu tiên. Và cách đây không lâu, Hồ Chủ Tịch lại đến thăm Hội nghị. Người đã đem cho chúng tôi một niềm hân hoan không bờ bến và những lời căn dặn vô cùng quý báu. Hôm Người đến lưu lại một kỷ niệm sâu xa nhất trong đời chúng tôi, vì đó là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc vị Cha Già kính yêu của dân tộc. Chúng tôi nguyện sẽ tỏ lòng cảm tạ bằng cách ghi nhớ và tuân theo triệt để những lời dạy của Người và ông Phó Thủ tướng.
Theo đánh giá của TS.Trần Nghị trong cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật và việc vận dụng trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam” (Nhà xuất bản chính trị quốc gia, năm 2014) thì Bài nói tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành tư pháp năm 1950 của Hồ Chí Minh là một bài nói hầu như chỉ tập trung phân tích vấn đề pháp luật với những luận điểm rất sâu sắc, có giá trị và ý nghĩa thời sự to lớn. Tuy nhiên, TS.Trần Nghị cũng lưu ý mặc dù có ý nghĩa to lớn như trên nhưng đến nay tác phẩm đó lại không được đưa vào bộ Hồ Chí Minh toàn tập.
Nội dung bài nói được Nhà xuất bản Lao động năm 1971 trích lại trong cuốn: “Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật”, tập III, từ trang 138- 142 như sau:
“… Luật pháp là vũ khí của một giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình; luật pháp cũ là ý chí của thực dân Pháp, không phải là ý chí chung của toàn thể nhân dân ta. Luật pháp cũ đặt ra để giữ gìn trật tự xã hội thật, nhưng trật tự xã hội ấy chỉ có lợi cho thực dân, phong kiến, không phải có lợi cho toàn thể nhân dân đâu. Luật pháp đặt ra trước hết là để trừng trị, áp bức. Phong kiến đặt ra luật pháp để trị nông dân. Tư bản đặt ra luật pháp để trị công nhân và nhân dân lao động… Luật pháp của chúng ta hiện nay là ý chí của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng.. Một điều nữa các chú cần nhớ là, giai cấp thống trị sử dụng luật pháp kết hợp với những cái khác… Luật pháp của các giai cấp bóc lột đặt ra để áp bức các giai cấp bị bóc lột. Nếu để nó đứng một mình thì bộ mặt áp bức của nó lộ rõ quá. Cho nên giai cấp phong kiến cho nó dựa vào cái khác. Cái ấy là cái gì?
- Phong kiến cho luật pháp dựa vào đạo đức của nó. Đạo đức của phong kiến chủ yếu là cương thường: Tôn vua, kính thầy, hiếu cha. Vua là cương của thầy, thầy là cương của trò, cha là cương của con.
Đó là cái kiềng ba chân. Ba chân ấy dựa vào nhau, hỗ trợ cho nhau. Phong kiến đặt vua lên đầu, rồi mới đến thầy, đến cha. Nó giáo dục cho nhân dân coi vua là tôn kính nhất, thiêng liêng nhất, phải được sùng bái nhất. Nó tuyên truyền vua là con trời, thay trời để cai trị dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân, làm mê hoặc nhân dân tức là nông dân, luật pháp dựa vào đạo đức, mặt khác luật pháp bảo vệ đạo đức. Trong luật Gia Long cũ của nước ta, có một điều quy định rằng kẻ nào chạy qua đường khi vua đi qua là phạm tội. Tội ấy là tội phạm tất (phạm vào đầu gối của vua) và người phạm tội phải bị chém. Phạm vào người vú nuôi của vua thì không bị chém nhưng cũng bị tù. Các sĩ tử đi thi mà phạm huý, nghĩa là không biết kiêng tên họ hàng nhà vua, là bị trượt, không được đỗ ông cống, ông nghè. Đấy luật pháp phong kiến đại để là như vậy. Còn luật pháp tư sản thì sao? Giai cấp tư sản gian ngoan hơn giai cấp phong kiến, lừa bịp quần chúng tinh vi hơn. Giai cấp tư sản tuyên truyền rằng mọi người trong xã hội được tự do, bình đẳng, rằng mọi người đều có quyền tư hữu tài sản, có quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh, rằng pháp luật của Nhà nước tư sản là ý chí của toàn dân, cho nên mọi người phải phục tùng pháp luật. Thật ra trong xã hội tư sản, người công dân và nhân nhân lao động bị bóc lột nặng nề, đời sống không được bảo đảm, thất nghiệp đói, rách, bệnh tật. Như vậy thì họ làm gì có tự do, họ có thể nào bình đẳng với bọn tư bản được. Họ chỉ có tự do bán sức lao động để cho bọn tư bản tự do bóc lột họ…
Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động. Pháp luật của ta lúc này, trong điều kiện hiện nay, chưa tước bỏ quyền tư hữu, nhưng không ai được lợi dụng quyền tư hữu để bóc lột thậm tệ nhân dân lao động. Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Nhân dân ta hiện nay có tự do, tự do trong kỷ luật. Mỗi người có tự do của mình, nhưng phải tôn trọng tự do của người khác. Người nào sử dụng quyền tự do của mình quá mức mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp. Không thể có tự do cho bọn việt gian, bọn phản động, bọn phá hoại tự do của nhân dân…
Chúng ta cũng thấy luật pháp của ta hiện nay chưa đầy đủ. Chính các chú có trách nhiệm phải góp phần làm cho luật pháp của ta tốt hơn, càng ngày càng phong phú hơn. Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.
Các chú hiện nay làm công tác tư pháp, công tác xử án. Vậy muốn làm tốt công tác ấy thì phải làm thế nào?
- Trước hết phải đề cao lòng thương nước, thương đồng bào, phải căm ghét bọn thực dân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Phải có quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, không sợ hy sinh, gian khổ. Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ. Như vậy, thì phải đấu tranh cách mạng, trước mắt phải đánh đuổi bọn thực dân xâm lược, đánh đổ bọn việt gian phản quốc, bọn bù nhìn tay sai của đế quốc thực dân.
Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Toà án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ…
Tóm lại, các chú phải công bằng, liêm khiết , trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
2.2. Bức Điện văn gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 23 tháng 7 năm 1950 Hội nghị học tập tư pháp toàn quốc bế mạc. Ngày 31 tháng 7 năm 1950, Thứ trưởng Trần Công Tường đã ký báo cáo gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh (có sao gửi Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng) báo cáo kết quả tổ chức Hội nghị. Trước đó, trong buổi bế mạc lớp, Hội nghị đã có bức Điện văn gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dụng“Nguyện về địa phương thực hiện và phổ biến lời dậy của CHỦ TỊCH trong dịp Người qua thăm Hội nghị”.
Nội dung bức Điện văn như sau:
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA NĂM THỨ VI
ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC
ĐIỆN VĂN
VIỆT BẮC, ngày 23-7-1950.
HỘI NGHỊ HỌC TẬP TƯ PHÁP TRUNG ƯƠNG
Kính gửi
CỤ CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Nhân dịp lễ bế mạc Hội nghị học tập Tư pháp Trung ương, chúng tôi đại biểu tư pháp các liên khu Việt Bắc, 3, 4 và miền Nam Trung Bộ thành kính tỏ lòng biết ơn CHỦ TỊCH đã săn sóc đến Hội nghị.
Nguyện về địa phương thực hiện và phổ biến lời dậy của CHỦ TỊCH trong dịp Người qua thăm Hội nghị: Tăng gia sản xuất, quân sự hóa, giữ bí mật.
Nguyện tích cực:
1/ Thi hành những luật lệ chiến tranh và luật lệ Dân sinh;
2/ Thi hành những luật pháp bảo vệ CHÍNH QUYỀN DÂN CHỦ NHÂN DÂN CHUYÊN CHÍNH;
3/ Tranh thủ chính quyền với địch trong vùng tạm chiếm;
4/ Củng cố Ban Tư pháp xã để góp phần vào công cuộc hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang TỔNG PHẢN CÔNG.
HỘI NGHỊ HỌC TẬP TƯ PHÁP TRUNG ƯƠNG.
Để tìm hiểu về nội dung cuộc cải cách tư pháp lần đầu tiên và hội nghị học tập tư pháp toàn quốc năm 1950, bạn đọc có thể đặt mượn tại Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp:
- Tài liệu về Hội nghị học tập tư pháp toàn quốc 1950 (VL 386).
- Chương trình Báo cáo công tác năm 1950 của Bộ Tư pháp (VL 405).
- Vũ Đình Hòe: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2001 (V13031).
Ths. Nguyễn Xuân Tùng
Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp
Tài liệu tham khảo:
1. Tập Tài liệu về hội nghị học tập tư pháp toàn quốc năm 1950.
2. Chương trình Báo cáo công tác năm 1950 của Bộ Tư pháp.
3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Tiểu sử, Nhà xuất bản lý luận chính trị, năm 2006.
4. PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc: Nhà nước cách mạng Việt Nam (1945-2010), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2010.
5. TS. Trần Nghị: Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật và việc vận dụng trong sự nghiệp đổi mới tại Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2014.