1. Hồi ức của Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh về những lần gặp Bác
Một năm trước khi mất, tháng 7 năm 1994, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh đã tự tay viết cuốn Hồi ký với một phần quan trọng dành cho “Suy nghĩ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Với tấm lòng thành kính, những dòng cuối Hồi ký, ông viết: Hôm nay, tôi đã ngoài 82 tuổi, tôi ghi lại mấy dòng hồi ức để nhớ mãi diễm phúc đã được gần Bác Hồ trong những năm tháng đấu tranh xây dựng Tổ quốc Việt Nam.
Đọc phần hồi ký này, mười bảy (17) trang viết tay mộc mạc, đầy ắp tình cảm của ông đã làm sống lại bao ký ức về những ông ngày được gần Bác. Ông nhớ lại những ấn tượng đầu tiên khi lần đầu gặp Bác như sau:
“Lần đầu tiên tôi gặp Bác vào cuối tháng 8 năm 1945, lúc đó tôi là Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ lâm thời. Hội đồng Bộ trưởng tối nào cũng họp dưới quyền chủ tọa của anh Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu chưa về. Một tối, anh Võ Nguyên Giáp báo tin: mai Bác về. Tối hôm sau, Hội đồng đang họp thì cửa phòng hé mở, Bác Hồ lặng lẽ bước vào: một cụ già gầy guộc, tóc và râu lơ thơ còn đen, vừng trán rộng, mặc áo cánh, quần cộc nâu, chân đi giày vải chàm, vai vắt khăn mặt, tay cầm mũ cứng và ba toong, dáng mệt mỏi nhưng nét mặt vui, miệng hé cười để lộ hàm răng cửa vẩu và sứt…Chúng tôi im lặng, tim tôi se lại với lòng kính cẩn đón một lão du kích từ đêm dày hoạt động cách mạng liên tục, giờ đây xuất hiện giữa Thủ đô. Anh Giáp giới thiệu Hội đồng rồi mời Bác huấn thị. Bác đứng dậy tiếng nói nhỏ nhẹ khuyên bảo nhiệm vụ của chúng ta, về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư… Nghề nghiệp luật sư và văn hóa Tây Âu khiến tôi quen ngưỡng mộ những lãnh tụ diễn thuyết hùng hồn lôi cuốn… Đâu lại có một lãnh tụ bảo ban như trong gia đình bằng lời lẽ tôi không hề chờ đợi là những câu Nho giáo thời xưa!...”
Một quãng hồi ức khác, tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc đầu tiên năm 1950 tại Việt Bắc, ông hồi tưởng:
“Bác có lối viết, cách nói nôm na, dễ hiểu mà nội dung vẫn đúng… Khi nói chuyện ngay cả với cán bộ, Bác không viện dẫn kinh điển Mác - Lênin mà rút học thuyết lại thành câu cô đọng, lời văn thông thường. Ví dụ Hội nghị Tư pháp toàn quốc đầu tiên năm 1950 tại Việt Bắc, Bác nói với chúng tôi cán bộ pháp lý: “Chúc các chú làm thế nào để trở thành thất nghiệp!”, hiểu ý nghĩa trước mắt là các chú phải tuyên truyền giáo dục sao cho nhân dân đoàn kết không kiện tụng nhau, ý nghĩa sâu xa là theo học thuyết Mác-Lênin thì chủ nghĩa cộng sản thắng lợi sẽ không còn nhà nước thống trị áp bức”.
Ông cũng nhớ bữa cơm giản dị được Bác cho ăn cùng buổi đó:
“Ở Chiến khu Việt Bắc đến dự Hội nghị Tư pháp đầu tiên, Bác không cho làm cơm thết, Bác ngả ra bãi cỏ cơm nắm, lọ cà, lọ thịt kho và gọi tôi cho cùng ăn. Tôi gắp miếng thịt dai không nhá nổi, tôi phải dúi xuống cỏ…”.
Đọc Hồi ký của ông, chúng ta còn hai lần bắt gặp ông kể về bức “Thơ riêng” Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông vào tháng 5-1948. Hồi ký viết:
“Nhận được thư của ai, Bác tự đánh máy trả lời, tôi cũng được một “thơ riêng” của Bác tháng 5-1948 ân cần thăm hỏi và khuyên bảo”.
Ở một đoạn khác, ông tự hào nhắc lại:
“Tôi còn gửi bức “Thơ riêng” của Bác Hồ tự tay đánh máy gửi cho tôi năm 1948 động viên tôi và anh em thẩm phán, hỏi thăm bà mẹ tôi qua đời, lại thêm bốn câu thơ về việc Cù Huy Cận: “Trọng Khánh zúp Cù Huy, làm được cứ làm đi, chúc các chú thành công, ta không ngăn cản gì”.
Khi nói về một bức thư riêng của ai, tôi thường ngần ngại kèm theo một chút gì đó tò mò…Cũng thật vô tình, một ngày gần đây, anh Cù Thu Anh, con trai nhà thơ - cố Bộ trưởng Bộ Canh nông (trong Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam) Cù Huy Cận có gọi điện thoại và cung cấp cho tôi bức Thơ riêng này (Bản sao lưu tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam).
Vẫn một chút ngần ngại vì là “thư riêng”, tôi lại tiếp tục lục lọi tìm kiếm, cũng thật may, báo Văn nghệ số 35, 36/2011 có bài viết Chuyện về lá thư riêng của Bác Hồ của tác giả Trần Quân Ngọc, người đã xuất bản cuốn sách Thư riêng của Bác Hồ, Nhà xuất bản Trẻ năm 2006. Bài viết kể về câu chuyện của tác giả khi được tiến sỹ Vũ Trọng Hùng, con trai Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh giới thiệu về bức thư này.
2. Về bức “Thư riêng” gửi ông Vũ Trọng Khánh.
Bức thư việc Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông Vũ Trọng Khánh lúc đó là Giám đốc Tư pháp liên khu 10 là một bức thư có nội dung khá đặc biệt, bởi nó có cả nội dung “tư” và “công”.
Đầu thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thăm, chia buồn và động viên khi nghe tin “bà cụ mất”. Âu đó cũng là việc “tự nhiên của tạo hóa”. Vậy nên “mong chú cũng chớ nên buồn rầu quá độ”.
Về việc công, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ niềm tự hào và thúc giục đội ngũ thẩm phán tiếp tục “dấn thân”, cống hiến cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc:
“Tôi rất vui mừng rằng: anh em thẩm phán, chẳng những tinh thần vững chắc; mà lại càng gian nan, càng vui vẻ.
Trong cuộc kháng chiến cứu nước, toàn cả dân tộc ta đã trở nên một dân tộc anh hùng. Anh em tư pháp là những người học thức, lại là những người gìn giữ pháp luật dân chủ, lẽ tất nhiên, anh em phải anh hùng hơn một bước để làm kiểu mẫu cho quốc dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng động viên, nhắc nhở đội ngũ cán bộ tư pháp phải sống sao cho xứng danh với nhiệm vụ của mình.
“Chú nói đến hai cuộc thử thách khác: Vĩnh Thụy tuyên truyền và thực dân dụ dỗ. Chú lo đến những việc đó, rất đúng. Thế thì những cán bộ cao cấp như chú và các vị giám đốc khác có nhiệm vụ luôn luôn giải thích và khuyên gắng các anh em tư pháp sao cho xứng đáng với nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người, xứng đáng với lòng tin cậy của chính phủ, xứng đáng với lịch sử, với đồng bào, với Tổ quốc”.
Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, còn truyền đến ngàn đời về sau”.
Cuối bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh dí dỏm viết mấy câu thơ trả lời một việc gì đó ông Vũ Trọng Khánh xin ý kiến việc gì đó giúp nhà thơ Cù Huy Cận.
Trọng Khánh giúp Cù Huy
Làm được, cứ làm đi
Chúc các chú thành công
Ta không ngăn cản gì
Nội dung bức thư riêng như sau:
Thơ riêng
Gởi ông Vũ Trọng Khánh
Giám đốc Tư pháp liên khu 10
Đã lâu không gặp, nhớ chú lắm. Tôi mạnh khỏe luôn. Chắc chú cũng thế.
Được tin bà cụ mất, tôi rất buồn. Song, sinh tử, tử sinh là việc tự nhiên của tạo hóa. Vậy mong chú cũng chớ nên buồn rầu quá độ.
Tôi rất vui mừng rằng: anh em thẩm phán, chẳng những tinh thần vững chắc; mà lại càng gian nan, càng vui vẻ.
Trong cuộc kháng chiến cứu nước, toàn cả dân tộc ta đã trở nên một dân tộc anh hùng. Anh em tư pháp là những người học thức, lại là những người gìn giữ pháp luật dân chủ, lẽ tất nhiên, anh em phải anh hùng hơn một bước để làm kiểu mẫu cho quốc dân.
Chú nói đến hai cuộc thử thách khác: Vĩnh Thụy tuyên truyền và thực dân dụ dỗ. Chú lo đến những việc đó, rất đúng. Thế thì những cán bộ cao cấp như chú và các vị giám đốc khác có nhiệm vụ luôn luôn giải thích và khuyên gắng các anh em tư pháp sao cho xứng đáng với nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người, xứng đáng với lòng tin cậy của chính phủ, xứng đáng với lịch sử, với đồng bào, với Tổ quốc.
Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, còn truyền đến ngàn đời về sau.
Còn về kinh nghiệm thì chúng ta có rất nhiều. Tổ tiên ta, như Đức Trần Hưng Đạo phải kháng chiến 4,5 năm; Vua Lê Lợi đến 10 năm. Trải bao phen thất bại gian nan, kết quả cũng nhờ chí kiên nhẫn và lòng đoàn kết của toàn dân mà thắng lợi.
Gần đây thì các nước đồng minh cũng thất bại liểng xiểng. Song cũng vì chí quật cường và kiên quyết, kết quả cũng đánh thắng lũ phát-xít.
Nước ta từ ngày bị Pháp cướp, trong 80 năm, biết bao nhiêu lần khởi nghĩa, bao nhiêu lần thất bại. Nhưng người trước ngã thì người sau lên, một người bại thì trăm ngàn người nổi dậy. Kết quả cũng nhờ lòng kiên quyết và sự đoàn kết của toàn dân mà chúng ta đã thắng cả Nhật lẫn Pháp, lập nên dân chủ cộng hòa.
Có gian nan nguy hiểm thì mới có hạnh phúc lâu dài. Lẽ đó rất dễ dàng, dễ hiểu.
Như già Hồ của chú, trong mấy mươi năm, mấy lần vào tội ra tù, mấy lần chết treo bên cổ. Nhưng chỉ vì lòng tin tưởng vào vận mệnh của Tổ quốc, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, cho nên dù gian nan nguy hiểm mấy, tinh thần cũng không bao giờ lay động.
Chúng ta có tinh thần vững vàng, tin tưởng chắc chắn thì “phú quý không dụ dỗ được ta, nghèo khổ không thể lay động được ta, oai lực không dọa nạt được ta”. Mà khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, việc gì chúng ta cũng làm được.
Việc Cù Huy Cận thì thế này:
Trọng Khánh giúp Cù Huy
Làm được, cứ làm đi
Chúc các chú thành công
Ta không ngăn cản gì
Gửi lời hỏi thăm thím và các cháu. Chúc chú mạnh khỏe và gắng sức.
Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 5-1948
Hồ Chí Minh |
Ths. Nguyễn Xuân Tùng
Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp
* Tác giả chân thành cảm ơn anh Cù Thu Anh, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã giúp đỡ và cung cấp tài liệu để hoàn thành bài viết này.
Giới thiệu một số sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp:
1. Vũ Kỳ: Bác Hồ viết di chúc, Nhà xuất bản Sự thật, năm 1989, kí hiệu: V08193.
2. Nguyễn Ngọc Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh-Sự nghiệp xây dựng Nhà nước kiểu mới và pháp luật ở Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học xã hội, năm 1982, kí hiệu” V08495.
3. Hoàng Tùng: Từ tư duy truyền thống đến tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 1998, kí hiệu V05420.
4. Bộ Tư pháp: Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Những giá trị và ý nghĩa thời đại, kí hiệu V0927.
5. Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2003, kí hiệu V12531.