Cải cách tư pháp năm 1950 và nguồn gốc tên gọi “Tòa án nhân dân” tại Việt Nam

08/08/2014
Giai đoạn 1945-1950 là một trong những giai đoạn lịch sử thăng trầm, đặc trưng nhất của đất nước ta với nhiều định hướng phát triển về thể chế được tìm tòi, khảo nghiệm và từng bước định hình. Trong đó, năm 1950 là năm đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng của nền Tư pháp Việt Nam với sự ra đời của một thiết chế tư pháp mang tính chất nhân dân sâu sắc: Tòa án nhân dân.

Báo cáo kiểm thảo việc thực hiện chương trình Tư pháp năm 1950 (13/12/1950) của Bộ Tư pháp nhận định: “Tổ chức Tư pháp cũ, do Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1945 quy định, tuy đã có mầm mống tính chất nhân dân, nhưng còn mang nặng tàn tích tư sản thực dân. Nó xây dựng theo quan niệm Tư pháp độc lập vô tư đứng trên nhân dân, điều hòa giai cấp. Nó còn chịu ảnh hưởng xấu xa của tư tưởng pháp lý cũ, luật lệ cũ nhất là dân luật vẫn là luật lệ phong kiến tư sản xưa, do đó qua 5 năm kháng chiến Tư pháp càng xa nhân dân”. Nhận rõ những khuyết điểm đó, Bộ Tư pháp đã xây dựng lý luận Tư pháp nhân dân thông qua việc “đả phá lập trường quan niệm phương pháp của pháp lý cũ, rồi sau đó đưa lý luận Mác-Lênin vào thực tiễn kháng chiến Việt Nam, theo hướng tiến của Chính quyền Dân chủ Nhân dân Việt Nam mà xây dựng nền pháp lý mới”.

Trong bài viết “Chế độ hội thẩm nhân dân”, Thứ trưởng Trần Công Tường đã luận giải sự ra đời của thiết chế tư pháp mới với tên gọi “Tòa án nhân dân”, lần đầu tiên được quy định tại Sắc lệnh 85-SL. Theo ông, “Tòa án nhân dân” không chỉ thuần túy là sự thay đổi về tên gọi (trước đây là tòa án sơ cấp, tòa án dề nhị cấp) mà trước hết đây là kết quả của cuộc “cải cách” tư tưởng, quan niệm mới về nhiệm vụ của ngành Tư pháp. Dưới ánh sáng của lý luận Mác-Lênin, ông nhận định sở dĩ có tên gọi Tòa án nhân dân bởi Tòa án đã mang một bản chất khác, nhân dân hơn, cách mạng hơn. Bản chất đó được thể hiện qua những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, sự ra đời và tính chất dân chủ của chế định Hội thẩm nhân dân

Sự ra đời của một thiết chế tư pháp với tên gọi “Tòa án nhân dân” gắn liền với việc ban hành Sắc lệnh 85-SL ngày 22-5-1950 cải cách bộ máy tư pháp và luật Tố tụng. Đây là Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường là người tổ chức soạn thảo và tiếp ký. Một trong những điểm nhấn của Sắc lệnh này làm thay đổi về chất của công tác Tư pháp chính là sự vận dụng lý luận Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ đó hình thành một cơ chế mang tính nhân dân, thể hiện bản chất nhân dân của nhà nước ta, đó là chế định hội thẩm nhân dân, thay thế chế định Phụ thẩm nhân dân tại Sắc lệnh số 13 trước đây. Sự khác nhau về bản chất của hai chế định này được ông phân tích như sau:

“So sánh với chế độ Phụ thẩm nhân dân do Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946 thì ta thấy chế độ Hội thẩm nhân dân đã có tiến bộ rõ rệt. Phụ thẩm nhân dân do Ủy ban lựa chọn, Hội đồng nhân dân chuẩn y. Hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu ra trực tiếp hay gián tiếp.

Phụ thẩm nhân dân không có quyền tham gia trong những việc hộ. Hội thẩm nhân dân có quyền tham gia tất cả mọi việc hình và hộ.

Phụ thẩm nhân dân chỉ có quyền biểu quyết trong những việc Đại hình. Nhưng họ thiểu số đối với thành phần chuyên môn: hai phụ thẩm nhân dân, ba thẩm phán chuyên môn. Vả lại họ không có quyền xem hồ sơ, trước khi phiên tòa họp. Về những việc tiểu hình, họ chỉ có quyền góp ý kiến.

Trái lại Hội thẩm nhân dân có tất cả quyền hạn của những thẩm phán chuyên môn.

Phụ thẩm nhân dân chỉ có quyền tham dự từng phiên tòa một theo lời rút thăm. Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân là một năm.

Nói chung, tinh thần Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1943 là đặt ra những tòa án chỉ gồm có thành phần chuyên môn mà thôi. Phụ thẩm nhân dân không có tính cách nhân dân rõ ràng. Hơn nữa phụ thẩm nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào thành phần chuyên môn. Cho nên khi phụ thẩm vắng mặt mà không có duyên cớ chính đáng thì ông Chánh án có quyền tuyên án, phạt công khai.

Trái lại theo Sắc lệnh số 85 SL ngày 22-5-1990 thì ở Tòa án nhân dân gồm có thành phần vừa chuyên môn vừa nhân dân. Hội thẩm nhân dân, đại diện cho thành phần nhân dân nó có tính cách nhân dân hơn vì họ do Hội đồng nhân dân trực tiếp hay gián tiếp bầu ra. Chẳng những họ không phụ thuộc vào thành phần chuyên môn, mà trái lại họ có quyền bằng (…) nhau với thành phần chuyên môn. Có quyền hạn ngang với thành phần chuyên môn thì họ là bộ phận chính của Tòa án, vì họ là đa số. Vì họ là đa số cho nên các bản án, các quyết định của Tòa án, thật sự là do Hội thẩm nhân dân mà ra. Địa vị của thành phần chuyên môn bị thu hẹp lại. Nhiệm vụ của họ thật ra là để giúp đỡ thành phần nhân dân trong sự nghiên cứu các luật pháp nhiều khi có phần phức tạp”.

Thứ hai, quan niệm mới về việc xử án.

Theo Thứ trưởng Trần Công Tường, việc xử án cần phải được quan niệm lại, đây không chỉ thuần túy là công việc chuyên môn, là sản phẩm độc quyền của Thẩm phán. Pháp luật do nhân dân đặt ra thì việc thi hành pháp luật phải do nhân dân thực hiện, việc xét xử phải là trách nhiệm chính trị của nhân dân. Thứ trưởng Trần Công Tường viết:

“Một đằng thì Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-46 quan niệm công việc xử án, nhất là công việc xử những án hộ như là việc chuyên môn. Cho nên Tòa án chỉ gồm thành phần chuyên môn, chỉ gồm thẩm phán được chỉ định vì năng lực chuyên môn của họ về luật pháp. Cũng theo tinh thần Sắc lệnh nói trên thì công việc chuyên môn này chẳng những là ở ngoài sự hiểu biết của nhân dân và hơn nữa không liên quan đến chính trị. Cho nên chính quyền là của nhân dân, mà nhân dân lại không tham gia trong công việc thi hành những luật pháp mà chính là do chính quyền của nhân dân đặt ra. Thế thì công việc thi hành pháp luật bằng cách xử án là một công việc mà nhân dân không thể hiểu được và không cần phải tham gia.

Một đằng khác Sắc lệnh số 85 SL ngày 22-5-50 quan niệm rằng nhân dân có thể và phải tự mình thi hành những luật pháp mà chính mình đã đặt ra. Nhân dân có thể tham gia vào việc xử án vì thi hành pháp luật - diễn tả ý chí của nhân dân - phải là một việc dễ dàng cũng như việc đặt ra luật pháp mà chính nhân dân làm được. Nhân dân cần phải tham gia vào việc xét xử vì có như thế thì mới tôn trọng được ý chí của nhân dân. Như thế thì thi hành luật pháp không phải là một công việc chuyên môn mà chính là một công việc chính trị. Cho nên cơ quan thi hành pháp luật phải gồm thành phần nhân dân, có thêm chuyên môn giúp việc.

Dưới ánh sáng của nhận xét trên đây, chúng ta thấy rằng hai chế độ căn cứ vào hai lập trường hoàn toàn khác nhau. Một đằng là lập trường chính quyền và pháp lý dân chủ tư sản. Một đằng thì là lập trường chính quyền và pháp lý dân chủ nhân dân. Cho nên đây không phải là một cái (...) thường căn cứ vào quan niệm cũ, để cải tiến tổ chức cũ. Đây là một sự đảo lộn, đả phá tổ chức cũ để đề ra một tổ chức mới đưa vào một tư tưởng mới.

Trông vào hình thức của sự cải cách, ta giải thích một cách đơn giản rằng Tư pháp nhân dân thì phải do nhân dân đảm nhận, trực tiếp đảm nhận lấy. Nhưng phải hiểu sâu hơn nữa. Đây là phủ nhận thuyết tư sản dả dối cho rằng Tư pháp là một cơ quan chuyên trách một thứ “kỹ thuật chuyên môn pháp lý” bất di bất dịch, trên chính quyền, ngoài nhân dân. Đây là phủ nhận thuyết tư sản duy tâm siêu hình phụng sự một thứ công lý trên nhân loại. Đây là công nhận rằng Tư pháp là một công cụ của chính quyền. Chính quyền này là của nhân dân thì Tư pháp phải do nhân dân phụ trách lấy và không có ai ngoài nhân dân có thể giành giữ độc quyền thi hành pháp luật của nhân đân được, nhất là độc quyền thi hành pháp luật của nhân dân trái với ý chí của nhân dân”.

Thứ ba, về thành phần nhân dân trong hoạt động xét xử.

Một điểm thay đổi căn bản trong hoạt động xét xử là việc cho phép lựa chọn thẩm phán chuyên trách từ trong hàng ngũ cán bộ công nông bởi thành phần công nông là thành phần đông đảo và ưu tú nhất của hàng ngũ nhân dân. Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật phải được thực hiện một cách thống nhất, chỉ có một thứ  luật pháp, đó là luật pháp của nhân dân và chỉ có một cơ quan áp dụng thống nhất, đó là tòa án nhân dân. Ông viết: 

“Và chính là hướng theo nguồn tư tưởng ấy mà, theo đề nghị của Bộ Tư pháp, gần đây Chính phủ đã thông qua một Sắc lệnh cho phép lựa chọn thẩm phán chuyên trách trong hàng ngũ cán bộ công nông”.

Bộ mặt các Tòa án ta đang thay đổi mạnh. Quan điểm “chuyên môn”, thành phần “chuyên môn” dần dần lùi bước. Thành phần cán bộ là phần tử trung kiên nhất của nhân dân. Họ sẽ hướng dẫn vững vàng hoạt động của các Hội thẩm nhân dân. Thành phần công nông là thành phần đông đảo và ưu tú nhất của hàng ngũ nhân dân. Họ sẽ thi hành luật pháp nhân dân đúng hướng, nghĩa là theo hướng quyền lợi của đông đảo quần chúng lao động, theo hướng của liên minh công nông là nền tảng của Mặt trận Dân tộc Thống nhất, là cơ sở căn bản của Chính quyền dân chủ nhân dân.

Cũng theo nguồn tư tưởng nói trên, căn cứ vào đề nghị của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã thông qua một dự thảo Sắc lệnh thành lập Tòa án nhân dân Liên khu có quyền xét xử mọi hành vi trái với pháp luật của nhân dân dù đó là hành vi vi phạm đến luật pháp chính trị, luật pháp hình hay là luật hộ. Như thế là hợp lý. Như thế là phủ nhận thuyết tư sản phân biệt những luật pháp bất thường, nhất thời hay là chiến tranh phải giao cho một tòa án chiến thời là tòa án quân sự và những luật pháp thường, vĩnh viễn, bình thời phải giao cho Tòa án Tư pháp. Như thế là công nhận rằng chỉ có một thứ luật pháp, luật pháp của nhân dân. Cho nên chỉ cần có một cơ quan để thi hành nó. Đó là Tòa án nhân dân”.

Thứ trưởng Trần Công Tường kết luận về tên gọi “Tòa án nhân dân”:

“Những quy định nói trên căn cứ vào một lý luận mới. Nó đã thay đổi hẳn thành phần của Tòa án. Đồng thời nó cũng thay đổi hẳn nội dung quyền hạn và nhiệm vụ của Tòa án. Nó được thực hiện bằng chế độ Hội thẩm nhân dân. Cho nên tên mới mà Chính phủ đặt cho tòa án Việt Nam là “Tòa án nhân dân” thật là diễn tả được rõ ràng ý định của Chính phủ, ý chí của nhân dân. Nó bộc lộc được rõ ràng ý nghĩa của sự quy định mới”.

                             Ths. Nguyễn Xuân Tùng

                     Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp

Tài liệu tham khảo tại Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp: Tập bài viết của Thứ trưởng Trần Công Tường về công tác tư pháp năm 1950, Thư viện Bộ Tư pháp, ký hiệu: V10400.