Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sắc lệnh cải cách tư pháp đầu tiên

30/07/2014

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh và phiên họp thông qua Sắc lệnh cải cách tư pháp đầu tiên

Cuộc cải cách tư pháp đầu tiên của Nhà nước cách mạng nhân dân diễn ra vào năm 1950 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, được đánh dấu bởi sự ra đời của Sắc lệnh số 85-SL ngày 22 tháng 5 năm 1950. Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường là người tổ chức soạn thảo và tiếp ký.

Bối cảnh diễn ra cuộc cải cách là khi đất nước ta phải tập trung cao độ mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Tư pháp cũng phải là một mặt trận đắc lực trong cuộc kháng chiến đó. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, lý luận của Chủ nghĩa Mác -Lênin, đặc biệt là lý luận về chính quyền chuyên chính vô sản, cũng đã bắt đầu chớm nở và bắt rễ vào công cuộc xây dựng chính quyền nhân dân, trong đó có bộ máy tư pháp.

Trong cuốn Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2001), Bộ trưởng Vũ Đình Hòe hồi tưởng:

“Anh Tường, cùng với Chi bộ của anh (cố nhiên có sự giúp đỡ của các đồng chí nơi khác) chuẩn bị 3 dự án, Sắc lệnh trình Chính phủ xét, đề cập đến 3 vấn đề, nhằm “Dân chủ hóa Tư pháp”.

1. Hệ thống mới Tòa án nhân dân.

2. Thiết lập chế độ Hội thẩm nhân dân thay cho chế độ “Phụ thẩm nhân dân”.

3. Khái niệm mới về các quyền dân sự của công dân.

Nói chung ba dự án mang nội dung tốt cả, anh Tường chuẩn bị kỹ, và đưa tôi tham gia ý kiến, tôi tán thành ngay, trừ vài điểm tôi đề nghị sửa và bổ sung; anh Tường ngẫm nghĩ một lát rồi bảo để rồi đề ra trong khi họp Chính phủ thảo luận chung, “chắc cũng dễ thống nhất ý kiến thôi” (lời anh Tường)”.

Về phiên họp thông qua Sắc lệnh cải cách tư pháp đầu tiên, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe nhớ lại:

“Các vị trong Hội đồng Chính phủ về cơ bản nhất trí với cả ba dự án, hoan nghênh tinh thần mới rất tiến bộ của pháp luật ta”.

Tuy nhiên, với những trăn trở, suy tư về tiền đồ, sự nghiệp của ngành Tư pháp, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe vẫn trình bày một số ý kiến thiết thực, xuất phát từ thực tiễn công tác tư pháp:

“Riêng tôi chỉ xin có vài ý kiến nhỏ đề nghị Chính phủ xét xem có nên bàn thêm không. Một là đưa thêm các đại biểu đoàn thể quần chúng do các cấp Hội đồng nhân dân chọn lựa là thực hiện đường lối dân chủ hóa bộ máy nhà nước, là rất đúng và cấp bách, phải làm, nhưng tôi nghĩ phải làm từ từ cùng với việc huấn luyện pháp luật cho các vị ấy. Hiển nhiên là họ sẽ nâng cao chất chính trị của các Tòa án, nhưng cũng nên chú ý việc xét xử không thể quá tin ở nhận thức coi xét xử chỉ cần đến “lương tri cách mạng” là đủ.

Cũng vì lý do ấy, điểm thứ hai tôi lo, là: Chế độ Hội thẩm nhân dân trao quyền quyết định cho các vị có quá lớn, quá rộng hay không. Vì trong Dự án, họ chiếm đa số trong Hội đồng xét xử, rồi họ lại tham gia xét xử cả những vụ kiện dân sự. Tôi nghĩ có lẽ phải đi từng bước, bước đầu chưa nên để họ chiếm đa số, mà nên bồi dưỡng để tăng cường chất chính trị cho thẩm phán chuyên môn… Cả hai loại thành phần đều phải rèn luyện kỹ, vừa phải công nông hóa trí thức, vừa trí thức hóa công nông.

Ý thứ ba tôi muốn trình bày, điều này thật tinh tế, đáng lẽ tôi không dám đụng đến, nhưng vì tiền đồ của ngành, tôi cứ xin bộc lộ thành khẩn. Đó là đứng trên lập trường nào mà xét xử? Có danh từ mới: Lập trường nhân dân, Tòa án nhân dân, Hội thẩm nhân dân. Tôi có cảm giác như ở các cấp cao bên chính trị cũng như bên chuyên môn đều cần phải nghiên cứu nhiều, thảo luận nhiều, cọ xát với thực tế nhiều thì dần dần mới rõ, mới thấy cụ thể được thế nào là lập trường nhân dân.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải “dàn hòa, điều giải một các tài tình” những ý kiến có phần xung đột tại phiên họp.

“Thế là cuộc thảo luận trở lên sôi nổi, có ý kiến tán thành, có ý kiến phản đối. Có lúc coi như “bất phân thắng phụ” nhưng sự dàn hòa, điều giải của Hồ Chủ tịch thật tài tình. Một ví dụ cụ thể, trong lúc hăng hái bảo vệ quan điểm của mình, anh Trần Công Tường còn đề nghị đặt thêm một chế độ nữa để cải tiến triệt để việc xử án “vì dân, do dân”. Đó là xóa bỏ chế độ luật sư thay bằng chế độ “bào chữa viên nhân dân”…”.

Kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một số ý kiến chỉ đạo:

“Cuối cùng Bác Hồ đề nghị để kết thúc cuộc thảo luận.

1. Về cơ bản, tán thành cả ba dự án Sắc lệnh cải cách Tư pháp do Thứ trưởng Tư pháp Trần Công Tường trình bày.

2. Tán thành ý kiến bổ sung của Bộ trưởng Vũ Đình Hòe: “Không đụng” đến Đoàn Luật sư; nhấn mạnh sự cần thiết phải rèn luyện cả hai thành phần: Thẩm phán chuyên môn do Chính phủ bổ nhiệm và Hội thẩm nhân dân do dân cử; nhấn mạnh cải cách tư pháp tiến hành dần dần từng bước.

Mọi người “hỉ hả” giơ tay biểu quyết tán thành”.

Ngay sau khi các quy định cải cách tư pháp được ban hành, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị học tập Tư pháp toàn quốc từ ngày 02/5/1950 đến ngày 23/7/1950. Hội nghị đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Tư pháp Trần Công Tường, người đã tiếp ký các Sắc lệnh cải cách tư pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Bộ Tư pháp là cơ quan đề xuất các nội dung cải cách

Bộ Tư pháp là cơ quan đề xuất những nội dung cơ bản của cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất nêu trên. Các nội dung chính của cải cách tư pháp lần thứ nhất bao gồm: Dân chủ hóa bộ máy Tư pháp (bao gồm hình thành chế độ hội thẩm nhân dân, hội đồng hòa giải, chế độ trang phục); Cải cách về thẩm quyền để công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn; Cải cách về tố tụng để thủ tục được hợp lý và giản dị hơn.

Nội dung Tờ trình của Bộ Tư pháp như sau:

Sắc lệnh số 85 ngày 22 tháng 5 năm 1950

Tạm cải cách bộ máy Tư pháp và Luật Tố tụng

TỜ TRÌNH

Cụ Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Kính thưa Chủ tịch,

Bộ tôi trân trọng trình Chủ tịch Dự án Sắc lệnh tạm cải cách bộ máy Tư pháp và Luật Tố tụng hiện hành, trong khi chờ cải tổ toàn thể bộ máy.

Dự án sắc lệnh nhằm những mục đích chính sau đây:

a. Về tổ chức Tư pháp:

Bộ máy Tư pháp cần được dân chủ hóa:

1. Thành phần nhân dân cần được đa số trong việc xét xử;

2. Hội thẩm nhân dân được ngồi xử cả việc Hình lẫn việc Hộ và có quyền biểu quyết;

3. Hội đồng hòa giải:

Nhiệm vụ chính của cơ quan Tư pháp không những là xét xử mà còn là hòa giải những vụ xích mích ở địa phương để bớt sự tranh tụng.

Sự thành lập Hội đồng hòa giải tại mỗi Huyện có mục đích giao cho nhân dân trực tiếp phụ trách việc hòa giải, tất cả các việc Hộ kể cả việc ly dị mà từ trước tới nay chỉ có Chánh án Tòa án tỉnh mới có thẩm quyền.

Biên bản hòa giải thành có chấp hành lực: đây là một điều tiến bộ đối với thể lệ cũ. Khi các đương sự đã thỏa thuận trước hội đồng hòa giải thì việc hòa giải được đem thi hành ngay.

4. Áo chùng đen của Thẩm phán và Luật sư nay bỏ đi.

b. Về thẩm quyền:

Việc cải cách có mục đích làm nhẹ bộ máy Tư pháp để công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn. Vì vậy:

1. Cần tăng thẩm quyền cho Ban Tư pháp xã về việc phạt vi cảnh. Một số việc ít quan trọng về mặt trị an sẽ được giải quyết mau chóng ngay tại xã. Và uy tín của Ban tư pháp xã được tăng lên.

2. Để có thể giải quyết mau chóng những việc cấp bách về mặt Hộ, tránh sự thiệt hại cho đương sự và khỏi tốn phí cho đương sự phải lên Tòa án tỉnh, cần giao cho Tòa án nhân dân Huyện quyền ấn định các phương pháp bảo thủ, dù việc xử kiện không thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân Huyện.

c. Về tố tụng:

Thủ tục tố tụng cần được hợp lý hơn và giản dị hơn:

1. Trái với quan niệm xưa cho rằng việc Hộ thường chỉ có lợi hoặc có hại riêng cho tư nhân nên xã hội không cần can thiệp đến, thì nay Công tố viên có quyền kháng cáo các án Hộ nếu xét ra cần thiết.

2. Hiện thời theo Sắc lệnh số 51 ngày 17-4-1946, Biện lý bắt buộc phải đưa sang phòng Dự thẩm để thẩm cứu một số việc Hình dù rằng xét ra không cần thiết.

Nay dự án Sắc lệnh giao cho Biện lý quyền xét định một hồ sơ có cần phải thẩm cứu thêm hay không và Biện lý chỉ giao sang phòng Dự thẩm khi xét thật cần thiết mà thôi.

3. Từ trước tới nay mỗi khi thủ tục tố tụng không được theo đúng thì bị tiêu hủy dù không có hại cho việc thẩm cứu, hoặc cho quyền lợi của đương sự. Sự quá câu nệ về hình thức không còn hợp thời nữa.

4. Chế độ dân sự nguyên cáo ghi trong Sắc lệnh số 51 ngày 17-4-1946 và 131 ngày 20-7-1946 nên bãi bỏ.

Từ nay người bị thiệt hại về một vụ phạm pháp có thể xin kháng cáo không những để tăng tiền bồi thường mà còn để tăng hình phạt nữa.

5. Việc chấp hành án này giao cho Thẩm phán Huyện phụ trách.

Nếu Cụ Chủ tịch chuẩn y, kính xin Cụ ký duyệt Sắc lệnh đính theo./.

 

Ngày 10 tháng 5 năm 1950

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Thứ Trưởng

Trần Công Tường

 

 Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp

Giới thiệu Tài liệu liên quan tại Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp

1. Tập Tài liệu của Chủ tịch nước về Tư pháp 1950 (V10395)