Nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết của Đảng tại Bộ Tư pháp

Alternate Text


1. Vị trí, vai trò của tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết của Đảng
Trước hết, việc tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết của Đảng mà khâu đầu tiên là quán triệt, phổ biến có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là bảo đảm để Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được thể hiện trong văn bản, nghị quyết đi vào cuộc sống, trở thành hành vi thực tế của các chủ thể, qua đó xác lập, hiện thực hóa sự lãnh đạo và cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng. Thực hiện hiệu quả công tác này còn giúp mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng, biết vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng trong điều kiện thực tiễn công tác. Từ đó, kiên định nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng và đường lối đổi mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; xác lập, củng cố, bồi đắp niềm tin, mối quan hệ gắn bó đối với Đảng; tích cực tham gia xây dựng đảng và hệ thống chính trị, quản lý nhà nước và xã hội; tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng tuân thủ, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện, củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa người dân với Đảng và với chế độ. Thực hiện tốt các văn bản, nghị quyết còn giúp mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, trách nhiệm được giao theo Điều lệ và Quy định của Đảng để đi đúng đường lối chính trị, không phạm phải sai lầm, khuyết điểm về chính trị và về đường lối, phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất sai sót, vi phạm hoặc hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ dẫn đến phải bị xử lý, thi hành kỷ luật, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật đảng.
2. Kết quả tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết của Đảng tại Bộ Tư pháp
Những năm qua, việc tổ chức thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng mà khâu đầu tiên là học tập, quán triệt, phổ biến văn bản, nghị quyết luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp ủy, tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên nhất là Thủ trưởng các đơn vị phải tích cực triển khai thực hiện, cụ thể là:
Thứ nhất, Việc học tập, phổ biến, quán triệt văn bản, nghị quyết được chú trọng triển khai thực hiện, bảo đảm kịp thời, sát điều kiện thực tiễn của Bộ và từng đơn vị thuộc Bộ. Đảng ủy Bộ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy đảng trực thuộc phối hợp với Thủ trưởng đơn vị tổ chức việc học tập, quán triệt, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện Văn kiện Đại hội XII của Đảng, của Đảng bộ Khối; văn kiện Đại hội X của Đảng Bộ và hầu hết các văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên cho cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý. Việc học tập, quán triệt, phổ biến được thực hiện dưới nhiều hình thức: Sao gửi để chi bộ tổ chức học tập trong sinh hoạt chi bộ định kỳ hoặc đảng viên tự nghiên cứu; đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử; tổ chức Hội nghị thông báo nhanh, quán triệt tại Hội nghị giao ban cho đội ngũ cán bộ chủ chốt; tổ chức Hội nghị học tập chuyên đề hoặc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng hằng năm…Nội dung tập trung vào các điểm mới, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng đảng, các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành...
Thứ hai, Căn cứ nhiệm vụ được giao, các cấp ủy đảng đã phối hợp với Thủ trưởng đơn vị ban hành chương trình hành động để triển khai thực hiện, nhất là các văn bản, nghị quyết có liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng đảng, tổ chức bộ máy, cán bộ, các Nghị quyết Trung ương và các văn bản khác liên quan đến phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Đối với các nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên hằng năm đều được cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm gắn với triển khai nhiệm vụ chính trị và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị để có nguồn lực bảo đảm. Đối với văn bản, nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành, Bộ Tư pháp đều ban hành Chương trình, Kế hoạch thực hiện; thường xuyên rà soát, tham mưu thực hiện, bảo đảm kịp thời, nghiêm túc.
Thứ ba, Ban cán sự đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ đã phân công, giao nhiệm vụ cho các đơn vị làm đầu mối tham mưu, triển khai thực hiện phù hợp với tính chất, nội dung của từng văn bản, nghị quyết. Trong đó, chủ yếu là Văn phòng Đảng-Đoàn thể (công tác xây dựng đảng), Vụ Tổ chức cán bộ (công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực), Văn phòng Bộ (công tác tham mưu tổng hợp, phát triển kinh tế-xã hội), Vụ Pháp luật dân sự-Kinh tế (về thể chế kinh tế trị trường định hướng XHCN và dân sự, kinh tế), Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (về triển khai thi hành Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội) và các đơn vị thuộc Bộ (liên quan đến các lĩnh vực quản lý chuyên ngành). Đơn vị được giao nhiệm vụ đều tích cực rà soát, tham mưu Đảng ủy, Ban cán sự đảng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra và cơ bản hoàn thành theo tiến độ (trừ các nhiệm vụ thường xuyên hằng năm). Từ năm 2020, Văn phòng Đảng-Đoàn thể được giao là đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị theo dõi chung việc tổ chức triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết trong Bộ.
Thứ tư, Chú trọng việc thể chế hóa các chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách trong văn bản, nghị quyết thành các quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, Đề án, văn bản, bảo đảm chất lượng, kịp thời, nhất là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thẩm định, góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản, pháp điển hóa quy phạm pháp luật, bảo đảm các văn bản sau khi được ban hành không chỉ thể chế hóa đầy đủ, kịp thời mà còn không được trái với các  quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
  Thứ năm, Kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện theo yêu cầu của Trung ương hoặc đánh giá, tổng kết công tác hằng năm hoặc theo chuyên đề đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành[1]. Hằng năm, khi kiểm điểm, đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức chính trị - xã hội, Đảng ủy, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị và cấp ủy đều đánh giá mức độ tự học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành và tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm. Đối với một số văn bản, nghị quyết chuyên đề, Đảng ủy Bộ đều chỉ đạo xây dựng và thực hiện làm điểm để rút kinh nghiệm như nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ; học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Đặc biệt, năm 2019, Đảng ủy đã phối hợp với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc xây dựng Kế hoạch và tổ chức tổng rà soát việc triển khai thực hiện 1961 văn bản, nghị quyết của Trung ương ban hành từ năm 2011 đến nay. Từ đó đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng tại Bộ, trọng tâm là làm rõ nội dung, quy trình, giao trách nhiệm cho các đơn vị và xác định đơn vị làm đầu mối theo dõi chung cũng như cơ chế và nguồn lực bảo đảm tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết tại Bộ[2].
Đến nay, nhận thức về vị trí, vai trò của việc tổ chức thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng mà khâu đầu tiên là học tập, quán triệt, phổ biến được nâng lên, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và trở thành việc làm tự thân, thường xuyên, hằng ngày của mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên; của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Hầu hết chủ trương, chính sách, quy định của Đảng được quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc, không có sai sót, vi phạm đến mức phải bị nhắc nhở, chấn chỉnh hoặc bị xử lý, thi hành kỷ luật đảng. Đã gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức thực hiện các văn bản, nghị quyết với công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị.
3. Những thuận lợi và khó khăn
3.1. Thuận lợi
Trong quá trình tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết của Đảng tại Bộ Tư pháp có những thuận lợi cơ bản sau đây:
Một là, Công tác xây dựng đảng có vị trí, vai trò quan trọng, được chú trọng hơn nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII; việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện được thực hiện thường xuyên, sát sao, kịp thời; vị trí, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp được khẳng định và ngày càng tăng cường.
Hai là, Đảng ủy, Ban cán sự đảng, cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị luôn chỉ đạo sát sao, kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, tích cực thể chế hóa, cụ thể hóa trong thực thi công vụ; cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong thực hiện văn bản, nghị quyết.
Ba là, Bộ Tư pháp và từng đơn vị luôn giữ vững truyền thống đoàn kết nhất trí cao; tính chất công việc của Bộ, ngành gắn liền với trách nhiệm thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối thành chính sách, pháp luật gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nên việc học tập, tìm hiểu các văn bản, nghị quyết là nhu cầu tự thân, hàng ngày của mỗi cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên.
Bốn là, các văn bản, nghị quyết của Đảng được ban hành đầy đủ, kịp thời, nội dung khái quát, ngắn gọn, rõ ràng, xác định đúng vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi nên khi triển khai thực hiện đều đạt đồng thuận cao.
3.2. Khó khăn
Bên cạnh thuận lợi, trong tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết cũng gặp phải một số khó khăn sau đây:
Một là, Khối lượng nhiệm vụ, công việc chuyên môn của Bộ và trong từng đơn vị thuộc Bộ rất lớn, yêu cầu cao cả về chất lượng và tiến độ, nhiều nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong khi công tác đảng chủ yếu là kiêm nhiệm.
Hai là, các văn bản, nghị quyết có tính khái quát cao, phạm vi điều chỉnh rộng; mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ nhiều, có việc trước mắt, có việc phải triển khai lâu dài, vì thế việc thể chế hóa, cụ thể hóa thành nhiệm vụ, hoạt động cụ thể không phải lúc nào cũng dễ dàng và thuận lợi.
Ba là, Hiện chưa rõ hoạt động, nhiệm vụ cần thực hiện trong nội hàm của khái niệm tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết; thiếu cơ chế và nguồn lực bảo đảm thực hiện các văn bản, nghị quyết, cả về nhân lực và kinh phí.
Bốn là, Một số văn bản, nghị quyết ban hành đã lâu, nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc chấm dứt hiệu lực gây khó khăn trong đôn đốc, theo dõi thực hiện, nhất là trong thể chế hóa, cụ thể hóa phù hợp trước yêu cầu mới.
Năm là, Tuy đã rõ đơn vị chủ trì, làm đầu mối tham mưu, theo dõi chung việc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết nhưng chất lượng nguồn lực còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Sáu là, Việc rà soát việc triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết dưới dạng Mật, Tối mật, Tuyệt mật rất khó khăn; việc lưu trữ, quản lý văn bản, nghị quyết chưa khoa học, khó tra cứu, khai thác, sử dụng trong thực thi công vụ.
4. Một số bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết của Đảng tại Bộ Tư pháp có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, nhất là ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện; tổ chức việc học tập, quán triệt, phổ biến, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra là nhân tố quyết định. Sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong tham mưu, triển khai thực hiện của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy là bảo đảm để thành công. Sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị là nhân tố thúc đẩy để việc tổ chức thực hiện đạt chất lượng và hiệu quả.
Thứ hai, Mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực, chủ động tự giác tự tìm hiểu, học tập, vận dụng văn bản, nghị quyết trong hoạt động công vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn, coi đây là công việc tự thân, hằng ngày của mỗi người để tích cực, chủ động, sáng tạo tham mưu cấp ủy, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện.
Thứ ba, cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức; phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, sự tích cực, chủ động, sáng tạo của tổ chức giúp việc Ban cán sự đảng, Văn phòng Đảng-Đoàn thể, cán bộ làm công tác đảng của cơ quan, đơn vị.
Thứ tư, Bám sát nhiệm vụ chính trị, gắn học tập, quán triệt, triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết với nhiệm vụ chuyên môn; phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đăng tải kịp thời các văn bản…
Thứ năm, Chú trọng sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện; kịp thời khen thưởng, động viên các nhân tố tích cực; phát hiện, chấn chỉnh xử lý, các hành vi tiêu cực; tham khảo, học tập kinh nghiệm tại các cơ quan, tổ chức tương đồng.
5. Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng tại Bộ Tư pháp trong thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết của Đảng. Theo đó, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết thuộc về Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ và các cấp ủy trực thuộc. Trách nhiệm trực tiếp thực hiện thuộc về cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, thủ trưởng các đơn vị và từng cán bộ, đảng viên. Mỗi vị trí công tác phải chủ động học tập, tìm hiểu để nắm vững nội dung, tinh thần của văn bản, nghị quyết, nhất là nhiệm vụ được giao để cụ thể hóa trong thực thi công vụ và thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì thực hiện văn bản, nghị quyết, trọng tâm là: i) Tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến, trong cán bộ, đảng viên; ii) Chủ động rà soát nhiệm vụ, phối hợp với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp tham mưu xây dựng trình Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ ban hành Chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện; iii) Chủ động bố trí nguồn lực, đưa triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm để gắn kết với các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; iv) Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách, nhiệm vụ thành pháp luật bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; v) Kịp thời tham mưu sơ kết, tổng kết, theo dõi kết quả thực hiện; xây dựng, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; vi) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện.
Thứ hai, Cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị tiếp tục quán triệt, phổ biến và thực hiện có hiệu quả Thông báo Kết luận số 169-TBKL/ĐU ngày 04/9/2019 của Đảng ủy Bộ và Hướng dẫn số 514-HD/BCSĐ ngày 12/11/2019 của Ban cán sự đảng về nội dung, quy trình tổ chức triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên tại Bộ để văn bản, nghị quyết được quán triệt đầy đủ, triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình và yêu cầu đề ra. Đa dạng hóa hình thức học tập, phổ biến gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đề cao trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu, vận dụng của đảng viên, cán bộ. Đổi mới phương pháp học tập, quán triệt, phổ biến văn bản, nghị quyết phù hợp với thực tiễn từng đơn vị, từng nhóm đối tượng; phát huy đầy đủ vai trò của đội ngũ Báo cáo viên trong tuyên truyền miệng. Tập trung quán triệt, phổ biến điểm mới, nội dung chính sách, chủ trương lớn; xác định rõ nhiệm vụ, các vấn đề đặt ra đối với Bộ, ngành trong triển khai thực hiện...
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện các quy định về tổ chức thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng để xác định rõ nội dung, phạm vi nhiệm vụ, hoạt động cần phải thực hiện, cơ chế tổ chức thực hiện và các nguồn lực bảo đảm thực hiện. Hướng dẫn định mức chi cho công tác đảng, quan tâm đầu tư kinh phí, nguồn lực để tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết tại các cơ quan nhà nước.
Thứ tư, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan tư pháp quan tâm thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, soạn thảo các văn bản để chủ trương, chính sách được bảo đảm thực hiện bằng pháp luật, đi vào cuộc sống. Thường xuyên rà soát để sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản, nghị quyết không còn phù hợp hoặc đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra; chú trọng rà soát, hệ thống hóa và công bố những văn bản hết hiệu lực.
Thứ năm, Xác định rõ nội dung kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết trong Chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm, đột xuất; tăng cường cơ chế tự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng trong tổ chức thực hiện. Quản lý chặt chẽ văn bản, nghị quyết bảo đảm tính hệ thống, khoa học, dễ tra cứu, khai thác, sử dụng, nhất là văn bản, nghị quyết dưới dạng Mật, Tối mật, Tuyệt mật; gắn kết tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết với thực hiện chế độ bảo mật, bảo vệ chính trị nội bộ để tránh thất lạc, làm lộ lọt thông tin, tài liệu; chấn chỉnh công tác văn thư, lưu trữ, thường xuyên đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện tại các đơn vị để có biện pháp tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.
Thứ sáu, Tiếp tục làm rõ phạm vi trách nhiệm của tổ chức đảng trong cơ quan cấp Bộ trong tổ chức thi hành văn bản, nghị quyết để tránh trùng lắp. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết, nhất là trong các cơ quan nhà nước. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham mưu, giúp việc công tác đảng, nhất là đội ngũ cấp ủy viên các cấp và những người làm chuyên trách công tác đảng.
 
TS. Đỗ Xuân Lân
Chánh Văn phòng Đảng-Đoàn thể
 

[1] Năm 2019 và năm 2020 đã tham mưu tổng kết: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư ngày 30/3/2000 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư ngày 09/12/2009 về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; các văn bản, nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN…
[2] Ban hành Kế hoạch số 813/KH-BTP ngày 11/3/2019 tổng rà soát việc triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương từ năm 2011 đến nay; ii) Tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả tổng rà soát và ban hành Kết luận Hội nghị để triển khai thực hiện thống nhất trong Bộ (Báo cáo số 237/BC-BTP ngày 03/9/2019; Thông báo kết luận số 169-TBKL/ĐU ngày 04/9/2019); iii) Ban hành Hướng dẫn số 514-HD/BCSĐ ngày 12/11/2019 về nội dung, quy trình tổ chức triển khai thực hiện văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên tại Bộ.
Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text