Lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ Bộ Tư pháp

Alternate Text

Ngày 17-3-1981, trong phiên họp về công tác nội chính, Bộ Chính trị đã có quyết định về việc thành lập Bộ Tư pháp làm nhiệm vụ của Uỷ ban Pháp chế của Chính phủ và một phần nhiệm vụ của Tòa án Nhân dân tối cao-quản lý Tòa án địa phương về tổ chức để Tòa án nhân dân tối cao tập trung vào công tác xét xử, giám đốc việc xét xử và tổng kết, hướng dẫn thực tiễn xét xử.

Ngày 22/11/1981, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 143/HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp. Việc tái thành lập Bộ Tư pháp đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng của công tác tư pháp trong quản lý nhà nước và trong đời sống xã hội. Sau khi Bộ Tư pháp được tái thành lập, Đảng bộ Bộ Tư pháp được thành lập thuộc Khối cơ quan Nội chính Trung ương[1]. Từ đó đến nay, trải qua gần 35 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Bộ Tư pháp ngày càng được củng cố và từng bước mở rộng cùng với sự phát triển của Bộ, ngành. Từ năm 1981 đến năm 1983, Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp trực thuộc Đảng bộ Quận Ba Đình; từ năm 1983 đến năm 2007, Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp trực thuộc Đảng bộ Khối Nội chính Trung ương. Trong giai đoạn này, Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, nhiều năm được nhận Bằng khen của Đảng ủy Khối Nội chính Trung ương. Từ ngày 11/4/2007, Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương[2]; tháng 9/2009, Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp được nâng cấp lên thành Đảng bộ cấp trên cơ sở và đổi tên thành Đảng bộ Bộ Tư pháp.
I. CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ BỘ TƯ PHÁP
Từ năm 1983 đến nay, Đảng bộ Bộ Tư pháp đã trải qua 9 kỳ đại hội:
1. Đại hội nhiệm kỳ I từ năm 1983 đến năm 1987: Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 11 đồng chí. Đồng chí Đào Xuân Miễn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.
2. Đại hội nhiệm kỳ II từ năm 1987 đến năm 1991: Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 11 đồng chí. Đồng chí Hoàng Đình Song, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.
3. Đại hội nhiệm kỳ III từ năm 1991 đến năm 1995: Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 07 đồng chí. Đồng chí Hoàng Đình Song, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy.
4. Đại hội nhiệm kỳ IV từ năm 1995 đến năm 1997: Nhiệm kỳ này, Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 152 đảng viên sinh hoạt tại 17 chi bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 09 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Sản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.
5. Đại hội nhiệm kỳ V từ năm 1997 đến năm 2000: Nhiệm kỳ này, Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 195 đảng viên sinh hoạt tại 17 chi bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Sản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy.
6. Đại hội nhiệm kỳ VI từ năm 2000 đến năm 2003: Nhiệm kỳ này, Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 224 đảng viên sinh hoạt tại 19 chi bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 10 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Sản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp tiếp tục được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy. Ngày 17-11-2001, đồng chí Lê Thị Thu Ba, Thứ trưởng Bộ Tư pháp được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy thay đồng chí Nguyễn Văn Sản nghỉ hưu theo chế độ.
7. Đại hội nhiệm kỳ VII từ năm 2003 đến năm 2005: Nhiệm kỳ này, Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 270 đảng viên sinh hoạt tại 20 chi bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 11 đồng chí. Đồng chí Lê Thị Thu Ba, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.
8. Đại hội nhiệm kỳ VIII từ năm 2005 đến năm 2010: Đại hội Đảng bộ diễn ra trong 02 ngày 15 và 16-7-2005. Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 11 đồng chí. Đảng ủy có các ban: Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban công tác quần chúng, Uỷ ban Kiểm tra và Văn phòng Đảng ủy. Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 3 đồng chí. Đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy. Tháng 10-2007, đồng chí Lê Thị Thu Ba chuyển công tác sang Quốc hội, đồng chí Đinh Trung Tụng, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ, giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy. Đầu nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ có 250 đảng viên sinh hoạt tại 22 chi bộ và 02 Đảng bộ bộ phận. Tính đến 31-12-2009, Đảng bộ Bộ Tư pháp có 466 đảng viên sinh hoạt tại 27 chi bộ và 02 Đảng bộ bộ phận (gồm 10 chi bộ).
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, ngày 19-9-2009, Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp từ vị trí là Đảng bộ cơ sở được nâng lên là Đảng bộ trên cơ sở và đổi tên thành Đảng bộ Bộ Tư pháp theo Quyết định số 953-QĐ/ĐUK ngày 19-9-2009 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về việc thành lập Đảng bộ Bộ Tư pháp là Đảng bộ cấp trên cơ sở. Triển khai thực hiện Quyết định này, Đảng ủy Bộ Tư pháp đã thành lập 03 Đảng bộ cơ sở (gồm 20 chi bộ), 04 chi bộ cơ sở và 24 chi bộ trực thuộc, đồng thời kiện toàn lại các Ban của Đảng và Văn phòng Đảng ủy.
9. Đại hội nhiệm kỳ IX từ năm 2010 đến năm 2015: Đại hội Đảng bộ diễn ra trong 02 ngày 12 và 13-8-2010. Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 21 đồng chí. Đảng ủy có các ban: Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Ban Dân vận, Uỷ ban Kiểm tra và Văn phòng Đảng ủy. Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 07 đồng chí. Đồng chí Đinh Trung Tụng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy. Đầu nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ có 502 đảng viên sinh hoạt tại 27 đơn vị trực thuộc, trong đó có 03 Đảng bộ cơ sở, 44 chi bộ. Tính đến 31-7-2015, Đảng bộ Bộ Tư pháp có 884 đảng viên sinh hoạt tại 36 đơn vị trực thuộc (gồm 06 Đảng bộ cơ sở, 30 chi bộ trực thuộc Đảng bộ).
10. Đại hội nhiệm kỳ X từ năm 2015 đến năm 2020: Đại hội Đảng bộ diễn ra trong 02 ngày 26 và 27-8-2015. Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tư pháp có 27 đồng chí. Đảng ủy có 02 Ban: Tuyên giáo, Tổ chức, Uỷ ban Kiểm tra và Văn phòng Đảng-Đoàn thể. Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 09 đồng chí. Đồng chí Phan Chí Hiếu, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy. Đầu nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ có 884 đảng viên sinh hoạt tại 36 đơn vị trực thuộc, trong đó có 06 Đảng bộ cơ sở, 30 chi bộ. Tính đến 01-01-2020, Đảng bộ Bộ Tư pháp có 1028 đảng viên sinh hoạt tại 34 đơn vị trực thuộc Bộ (gồm 06 Đảng bộ cơ sở, 28 chi bộ trực thuộc Đảng bộ).
II. MỘT SỐ THÀNH TỰU CHỦ YẾU CỦA ĐẢNG BỘ BỘ TƯ PHÁP NHIỆM KỲ 2015-2020
1. Trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị
Đảng bộ Bộ Tư pháp đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, Đảng bộ Bộ Tư pháp đã lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ là đầu mối giúp Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; nghiên cứu, soạn thảo các bộ luật rường cột của hệ thống pháp luật như dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) và các văn bản luật quan trọng khác như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Tiếp cận thông tin; Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)…. Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa hệ thống pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đào tạo nguồn nhân lực làm công tác pháp luật và hành nghề luật, hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp được chú trọng, chất lượng được nâng lên. Những đóng góp của Bộ, Ngành Tư pháp đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, trực tiếp góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đặc biệt, Đảng bộ Bộ Tư pháp đã lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ quan Bộ Tư pháp tham mưu một cách hiệu quả cho Ban cán sự đảng Chính phủ và Bộ Chính trị trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện và tổng kết hai Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị liên quan đến tư pháp, pháp luật là Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ (Chỉ thị số 32-CT/TW; Chỉ thị số 33-CT/TW; Chỉ thị số 39-CT/TW).
2. Trong công tác tổ chức, phát triển đảng
  Trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác tổ chức và phát triển đảng luôn được Ban Chấp hành Đảng bộ chú trọng, đến nay, Đảng bộ Bộ Tư pháp là Đảng bộ cấp trên cơ sở có tổng số 34 đơn vị trực thuộc, trong đó có 06 đảng bộ cơ sở, 15 chi bộ cơ sở và 13 chi bộ trực thuộc Đảng bộ, so với đầu nhiệm kỳ X giảm 02 đơn vị. Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp hiện có 25 ủy viên, Ban Thường vụ có 08 ủy viên, Thường trực Đảng ủy gồm 03 ủy viên. Các Ban của Đảng ủy được kiện toàn cơ bản gồm 02 Ban với 32 thành viên, chủ yếu là kiêm nhiệm: Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Đảng-Đoàn thể. Trong nhiệm kỳ, số lượng đảng viên được kết nạp là  người, tăng 144 đảng viên so với nhiệm kỳ 2010-2015.
Đảng bộ Bộ Tư pháp đã lãnh đạo thực hiện tốt công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, nhất là trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, nhiều chức năng, nhiệm vụ mới của Bộ Tư pháp được điều chỉnh (như chuyển kiểm soát thủ tục hành chính về Văn phòng Chính phủ…), nhiều đơn vị thuộc Bộ được củng cố, kiện toàn. Công tác quy hoạch được chú trọng, từ cấp Phòng đến cấp Lãnh đạo Bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận cho Bộ, Ngành có đủ tâm, tầm, tài. Công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo được thực hiện theo nghiêm túc, đúng quy hoạch[3]
3. Trong công tác tư tưởng, chính trị
Đảng bộ Bộ Tư pháp coi trọng công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng; tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Ngành để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoàn thiện thể chế, chính sách có liên quan, nhất là trong quá trình hoàn thiện các văn  kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Công tác học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết được đổi mới, cả về nội dung, hình thức, hướng đến chất lượng, hiệu quả và thực chất. Đã phối hợp, tổ chức tổng rà soát 1961 văn bản, nghị quyết của Trung ương; ban hành Hướng dẫn nội dung, quy trình tổ chức triển khai thực hiện và đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên tại Bộ. Cuộc vận động “Học tập và làm theo theo tấm gưởng đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn đảng và các quy định về trách nhiệm nêu gương; nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bộ, tới từng đảng viên và chi bộ trực thuộc. Các cán bộ, đảng viên của Đảng bộ luôn thể hiện lập trường, tư tưởng vững vàng, kiên định với lý tưởng của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

 
[1] Hồ sơ số 16.722 Phông PTT, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III
[2] Theo Quyết định số 47-QĐ/TW ngày 11/4/2007 của Bộ Chính trị về việc kết thúc hoạt động của 07 Đảng bộ Khối trực thuộc Trung ương, thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
[3] Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và hoàn tất chuyển giao chức danh Bộ trưởng; bổ nhiệm mới 05 Thứ trưởng; 02 Thứ trưởng được Trung ương luân chuyển giữ chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu và tỉnh Hậu Giang; 02 Vụ trưởng được Quốc hội bầu giữ chức Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.
Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text