Bình Dương: Sáng tạo trong trợ giúp pháp lý cho người lao động

Alternate Text

Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thu hút đông người lao động từ các địa phương khác đến làm việc nên Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Bình Dương đã có những cách làm sáng tạo để các công nhân có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu pháp luật.

Theo thống kê, trên địa bàn Bình Dương có gần 235 nghìn người đang làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh mà đa số là trình độ văn hóa thấp, công việc liên tục phải tăng ca nên ít có điều kiện nâng cao nhận thức pháp luật. Qua khảo sát sự hiểu biết của người dân về TGPL, trong số những người có nhu cầu TGPL thì nhu cầu được TGPL về các lĩnh vực lao động, bảo hiểm chiếm tỷ lệ hơn 62%. Đặc biệt, phần lớn người lao động làm việc trong các doanh nghiệp đều có nhu cầu giúp đỡ về các lĩnh vực lao động – việc làm, chế độ bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật TGPL, lao động nhập cư không phải là đối tượng được TGPL nên họ không thể yêu cầu Trung tâm tiến hành TGPL các vụ việc cụ thể. Vì vậy, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Tư pháp lập trờ trình đề nghị và được UBND tỉnh cho phép thực hiện tư vấn pháp luật cho mọi đối tượng có nhu cầu trên các lĩnh vực, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Xác định việc tổ chức trợ giúp lưu động không nhất thiết phải diễn ra tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, ngày làm việc mà quan trọng là phải phù hợp với từng đối tượng, Trung tâm đã tiến hành trợ giúp tại khu dân cư, khu nhà trọ, lô cao su và nhiều nơi khác vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hay vào buổi tối

Đáng chú ý, để đối tượng là công nhân tại các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu pháp luật, đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin pháp luật, đẩy mạnh công tác truyền thông về TPL, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân trong tỉnh tự giác, chủ động tìm hiểu pháp luật, Trung tâm đã tiến hành khảo sát các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh về nhu cầu tìm hiểu pháp luật. Trên cơ sở khảo sát, từ năm 2006, Trung tâm đã đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận cho Trung tâm tổ chức đặt thí điểm 100 giỏ pháp luật tại các khu nhà trọ.

Sau 5 năm thực hiện cho thấy, giỏ pháp luật là hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả nên Trung tâm đã đề nghị và được lắp đặt thêm 500 giỏ pháp luật nữa tại các khu nhà trọ, các nông trường cao su, tạo cơ hội đối tượng là công nhân có thể tiếp cận và tìm hiểu pháp luật cũng như đẩy mạnh truyền thông về TGPL cho những đối tượng này. Ngoài ra, Trung tâm đã tiến hành phát phiếu khảo sát để công nhân trong các khu nhà trọ góp ý nhằm đổi mới hình thức quản lý, nội dung của tờ gấp, kiểm tra, cách thức bỏ tờ gấp để giỏ pháp luật phát huy hơn nữa hiệu quả của nó trong thực tế.

Có thể nói, giỏ pháp luật được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, có tác dụng tích cực trong hoạt động tuyên truyền pháp luật và là một trong những kênh thông tin tốt để đưa pháp luật vào cuộc sống của công nhân lao động nói riêng và cho tất cả người dân trong tỉnh nói chung. Một số cơ quan chính quyền cấp huyện, cấp xã trong tỉnh cũng đã tự trang bị giỏ pháp luật, nâng tổng số giỏ pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh lên hơn 1.000 giỏ. Đại diện Trung tâm phấn khởi cho biết, sắp tới đây mô hình này sẽ được nhân rộng tại tất cả các khu công nghiệp của tỉnh.

PV

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text