Được sự quan tâm của Cục TGPL (Bộ Tư pháp), năm 2007, Thái Bình đã thí điểm 2 Câu lạc bộ với tiền thân là Câu lạc bộ Tuổi trẻ pháp luật xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư và Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm xã Phú Quý, huyện Kiến Xương. Nhận thấy hiệu quả của mô hình này, đã có thêm 8 Câu lạc bộ được thành lập và đến năm 2008 bổ sung tiếp 2 Câu lạc bộ từ nguồn Quỹ TGPL Việt Nam. Như vậy, hiện toàn tỉnh có 12 Câu lạc bộ ở 7 huyện và Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thái Bình vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, đề nghị xúc tiến lập thêm các Câu lạc bộ tại các xã vùng xa.
Thực hiện Quyết định số 03/2008/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ, Trung tâm đã triển khai rà soát và kiện toàn lại Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ trong tỉnh. Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và tình hình của địa phương, Ban Tư pháp xã đã tiến hành sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ cho phù hợp để trình Chủ tịch UBND xã phê duyệt. Đến nay, 12/12 Câu lạc bộ đều đã có Điều lệ về tổ chức và hoạt động, đảm bảo hoạt động đi vào nền nếp hơn.
Việc thành lập các Câu lạc bộ tại các vùng sâu, vùng xa là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, giúp đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc diện TGPL dễ dàng tiếp cận với dịch vụ pháp lý rất nhân văn này. Thông qua Câu lạc bộ, nhận thức của người dân về vị trí, ý nghĩa của pháp luật phần nào cũng được nâng lên. Xác định được vai trò ấy của các Câu lạc bộ và cũng là cơ quan quản lý nhà nước của các Câu lạc bộ nên UBND các xã đã hết sức tạo điều kiện về thời gian, địa điểm và cách thức tổ chức sinh hoạt cho các Câu lạc bộ.
Sau 3 năm triển khai Quyết định số 03/2008/QĐ-BTP, số vụ việc Câu lạc bộ tham gia tư vấn pháp luật là 492 việc; tổ chức được 324 buổi sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú khác nhau như tuyên truyền giới thiệu văn bản pháp luật thông qua các hội nghị, sinh hoạt tọa đàm, trao đổi, giải đáp pháp luật. Ngoài ra, còn giải đáp pháp luật bằng miệng cho hàng nghìn lượt người dân đến tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ.
Các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ được tổ chức định kỳ hàng tháng tại nhà văn hóa xã hoặc tại hội trường các thôn để tạo điều kiện cho người được TGPL và nhiều đối tượng khác ở địa phương được tham dự đầy đủ. Bên cạnh việc giới thiệu chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các chủ trương của địa phương, các buổi sinh hoạt còn tổ chức nói chuyện chuyên đề về các lĩnh vực pháp luật hoặc cùng nhau trao đổi các vụ việc nổi cộm phát sinh tại địa bàn… Một số Câu lạc bộ của các xã Thái Hòa, Thụy Chính (huyện Thái Thụy), xã Hòa Tiến, Minh Hòa, Bình Định (huyện Hưng Hà), xã An Ninh (huyện Quỳnh Phụ)… hoạt động thực sự có hiệu quả. Kết quả hoạt động này của các Câu lạc bộ đã góp phần không nhỏ vào thành tích của công tác TGPL tại Thái Bình thời gian qua. Theo đánh giá của Trung tâm, Câu lạc bộ đang ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí người dân tìm đến, tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi có vướng mắc hoặc đơn giản chỉ là khi nhu cầu tìm hiểu pháp luật.
PV