Thành viên Ban chỉ đạo phụ trách xã
Tự nhìn lại công việc của một năm cũ, đồng thời là hai năm sau khi thực hiện Luật THADS, Chi cục THADS huyện Ứng Hòa nhận xét công tác THA trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các quy định về THADS nhờ được tuyên truyền, thấm nhuần tới cán bộ công chức và nhân dân nên đã được triển khai sâu rộng. Chi cục THA đã tham mưu cho UBND huyện kiện toàn Ban chỉ đạo THADS và xây dựng quy chế hoạt động. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo phân công các thành viên phụ trách xã và lập các tổ công tác để phối hợp giải quyết án tại cơ sở. Cách làm này theo Chi cục THADS Ứng Hòa một phần để xác định rõ trách nhiệm từng thành viên, đồng thời cũng tạo ra sự gắn kết, quyết liệt trong giải quyết án khó, huy động trí tuệ tập thể với án tồn đọng.
Trong công tác chuyên môn, vì Luật THADS mới được triển khai nên khi gặp những vướng mắc Chi cục đã chủ động báo cáo, kiến nghị đề xuất với cấp trên cách tháo gỡ. Với những vụ án khó, Chi cục lấy ý kiến toàn thể anh em, cân nhắc phương án tốt nhất, chủ động báo cáo và tham mưu cho Ban chỉ đạo cách giải quyết.
Công tác phối hợp với các ngành cũng được cơ quan THA chú trọng. Cụ thể, đã phối hợp với Tòa án, VKS trong việc xét miễn, giảm các khoản tiền phạt sung công, án phí, phối hợp với các ngành chức năng trng xác minh, định giá và áp dụng biện pháp cưỡng chế THA, trong rà soát, phân loại án tồn đọng. Đặc biệt, Cơ quan THA phối hợp với các cơ quan tố tụng huyện ban hành quy chế phối hợp liên ngành nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm của các ngành trong công tác THADS.
Đến nay, được kiện toàn với 8 biên chế, cơ bản có trình độ Đại học, cùng với nhiều giải pháp nêu trên, năm 2010 Ứng hòa đã giải quyết xong hơn 91% về việc, gần 82% về tiền trên số có điều kiện thi hành, đã giảm hơn 11% án tồn đọng. Con số này năm 2011 là gần 95% và 90% về việc và tiền. Mỗi năm Chi cục này chỉ phải cưỡng chế 1 vụ.
Không biết người ở đâu, không thể THA
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình áp dụng Luật THADS, Ứng hòa cũng cho biết còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn. Chẳng hạn, người được THA có đơn đề nghị THA, trong đơn không chứng minh được điều kiện của người phải THA nhưng lại cũng không yêu cầu cơ quan THA xác minh giúp mặc dù cơ quan THA đã thông báo và giải thích để người được THA bổ sung nhưng họ cũng không làm. Vì thế không có căn cứ để thụ lý và đối chiếu với Điều 34 Luật THADS thì cũng không có căn cứ để từ chối nhận đơn.
Hay như trường hợp cơ quan THA đang thi hành dở dang vụ việc theo đơn yêu cầu THA, nhưng người được THA không tham gia giải quyết dù đã liên lạc, báo gọi nhiều lần nhưng họ đều vắng mặt không có lý do. Căn cứ để trả đơn yêu cầu THA hay đình chỉ THA không có nên cũng gây khó khăn cho cơ quan THA khi giải quyết vụ việc.
Về thời hạn giải quyết một số việc (ví dụ thông báo THA, thời hạn xác minh THA) theo quy định của Luật là quá gấp không đủ cho THA tiến hành công việc.
Đặc biệt với quy định về việc trả tài sản cho người được THA đang chấp hành hình phạt tù cũng gặp nhiều vướng mắc. Việc gửi tài sản cho người được THA thông qua giám thị trại giam nhưng có nhiều trại giam ở cách xa cơ quan THA hàng trăm km, tuy nhiên nhiều tài sản khi chuyển qua đường bưu điện thì theo quy định ngành này không nhận vận chuyển (ví dụ điện thoại di động). Cơ quan THA cũng không thể mang chiếc điện thoại đó đến tận nơi trao trả cho phạm nhân (vì sẽ dẫn đến cảnh một tiền gà, ba tiền thóc) Bởi vậy, có rất nhiều vụ hoàn trả tài sản là điện thoại di động còn tồn đọng không có cách gì giải quyết.
Bên cạnh những khó khăn trong thực hiện các quy định của pháp luật, Ứng Hòa là địa bàn rộng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ người đi làm thêm rồi phạm tội ở nơi khác được ủy thác về địa phương thi hành nhưng không có tài sản, không rõ địa chỉ ..làm cho án tồn đọng tiếp tục tăng. Ngoài việc hoàn thiện các quy định về THADS, THADS huyện Ứng Hòa đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành tăng cường gắn kết, hỗ trợ THÁ, bản thân THA cần được tăng thêm biên chế đáp ứng nhiệm vụ ngày càng khó khăn, nặng nề.
Bình An