Củng cố đoàn kết trong Đảng để nâng cao sức mạnh, uy tín của Đảng cầm quyền

Alternate Text

Hội thảo khoa học “45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng 27/8 là dịp để “nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn những nội dung trong bản Di chúc của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng thời, đánh giá những kết quả qua chặng đường 45 năm thực hiện Di chúc của Người nhằm tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa những căn dặn của Người đối với Đảng và nhân dân ta”.

GS.TS.Tạ Ngọc Tấn – Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhắc lại, trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta bản Di chúc lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh trong tính tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồ cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Theo thời gian, Di chúc thiêng liêng của Người luôn trở thành nguồn động viên, cổ vũ hết sức to lớn, là sự chỉ dẫn quan trọng để quân và dân ta tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH và vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt nam trong các giai đoạn tiếp theo.

Xây dựng đoàn kết trong Đảng là chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng, nhất là công tác đoàn kết trong Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Để thực hiện tốt sức mệnh cao cả của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH, Đảng phải chứng tỏ là lực lượng có sức hấp dẫn lớn, được quần chúng nhân dân tin tưởng, ca ngợi, suy tôn là lực lượng giữ địa vị lãnh đạo. Tuy nhiên, Đảng sẽ không giữ vững được địa vị lãnh đạo nếu quyền lực bị tha hóa, cán bộ, đảng viên vị chủ nghĩa cá nhân chi  phối, dẫn tới lộng quyền, lạm quyền, tham quyền…, đánh mất niềm tin của nhân dân, xa rời đạo đức cách mạng”.

Để Đảng thực sự vững mạnh, trong sạch, xứng đáng là đội tiên phong của dân tộc, điều cốt yếu là phải tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Đó là cơ sở giúp cho Đảng nâng cao sức mạnh, uy tín, trí tuệ lãnh đạo nhân dân, là hạt nhân, là cơ sở để thực hiện đoàn kết nhân dân. Nên Bác dạy rằng, “Để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi vì đó là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ và dân làm chủ. Đảng lãnh đạo nhân dân để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình”.

Nghiên cứu Di chúc của Bác về đoàn kết trong Đảng, PGS.TS.Lại Quốc Khánh – Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng “Di chúc luôn có giá trị to lớn đối với công tác đoàn kết trong Đảng thời kỳ đổi mới. Đây là vấn đề quan trọng vì theo Chủ tịch HCM, đoàn kết trong Đảng là cơ sở của đoàn kết nhân dân, dân tộc, quốc tế, cội nguồn làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam; là truyền thống quý báu nên các tổ chức Đảng, Đảng viên phải giữ đoàn kết trong Đảng như giữ “con ngươi của mắt mình”; không chỉ giữ mà còn phải củng cố, phát triển tình đoàn kết trong Đảng bằng thực hành dân chủ rộng rãi, phê bình, tự phê bình và thương yêu lẫn nhau”.

Từ những lời dặn của Bác trong Di chúc càng thấy giá trị thực tiễn và tầm quan trọng của đoàn kết trong Đảng trong thời kỳ mới. Đó là bảo vệ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, trong nhân dân, nhất là tập thể lãnh đạo cao nhất trong Đảng, đoàn kết trong Đảng là đoàn kết trong cơ quan lãnh đạo có tính quyết định sự thành công của cách mạng… Qua các kỳ Đại hội, Đảng đã luôn xác định và nêu ra giải pháp thể hiện đậm nét dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng, ngày càng có nhiều điểm mới khẳng định quyết tâm của Đảng đối với việc củng cố đoàn kết trong Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, chân chính, gắn bó máu thịt với nhân dân. “Như vậy, qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác cho thấy, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng trong Di chúc đã được Đảng ta quán triệt, nhận thức sâu sắc, vận dụng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vào những thời điểm đất nước có các bước chuyển lớn” - PGS.TS.Lại Quốc Khánh nhận xét.

Không ngừng chỉnh đốn lại để Đảng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền, trong sạch, vững mạnh, 45 năm qua, Đảng ta hết sức coi trọng và luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là điều kiện có tính quyết định, đảm bảo thẳng lợi của sự nghiệp cách mạng. Các kết quả trong công tác xây dựng Đảng đã tạo nên “luồng sinh  khí mới”, thúc đẩy phát triển, văn, hóa, xã hội, nâng cao tính tích cực của nhân tố con người. Tuy nhiên, GS.TS.Tạ Ngọc Tấn chỉ ra, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém như Nghị quyết TƯ 4 khóa XI đã đề cập “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những đảng viên giữ vị trí  lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân…”. Đây là nguy cơ tiềm tàng của Đảng cầm quyền, cần phải nhanh chóng, kiên quyết loại bỏ. Nên thực hiện Di chúc của Bác, công tác xây dựng Đảng phải tiếp tục được đổi mới và chú trọng hơn nữa, nhất là phải thực hiện những lời căn dặn của Bác về công tác chỉnh đốn Đảng để “Đảng ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt”, “trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy  tớ trung thành của nhân dân”.

PGS.TS.Bùi Đình Phong – Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nhận định, “Chỉnh đốn lại Đảng là mối bận tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Đảng ta thành Đảng cầm quyền”. Vì sau khi cách mạng thắng lợi, tạo ra những biến đổi khó khăn, sâu sắc nhất cho việc cầm quyền, Đảng cầm quyền phải đảm nhiệm những nhiệm vụ rất khó khăn phức tạp bởi “xóa bỏ chế độ cũ và xây dựng chế độ mới là hai việc khác nhau, xây dựng một xã hội mới chưa từng có trong lịch sử, việc Đảng cầm quyền thì cán bộ, Đảng viên có quyền lực, một mặt tạo thuận lợi để thực hiện sự cầm quyền của Đảng, nhưng cũng là “mảnh đất tốt” làm nảy sinh những thói hư tật xấu; tư duy tiểu nông gắn với nếp sống hàng năm có thể là rào cản cho việc xây dựng CNXH nên khắc phục là “cuộc chiến đấu khổng lồ”… Trước những khó khăn đó, Bác Hồ cho rằng, “một Đảng giấu khuyết điểm là một Đảng hỏng” nên phải chỉnh đốn lại Đảng toàn diện, tạo sự nhất trí, đoàn kết từ TƯ đến chi bộ, thực hành dân chủ rộng rãi, phê bình, tự phê bình trên cơ sở xây dựng và thương yêu lẫn nhau. Theo GS.TS.Mạch Quang Thắng – Viện Lịch sử Đảng, công tác chỉnh đốn lại Đảng chỉ tiến hành khi “Đảng có vấn đề” là nhận thức, tư duy trong chỉnh đốn Đảng còn chậm so với mong muốn của Bác trong Di chúc. Trong Di chúc, Bác đã nêu những vấn đề thực tiễn trong công tác chỉnh đốn Đảng chứ không phải là các vấn đề kinh viện nên công tác chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 đang được thực hiện cần phải phấn đấu nhiều nữa.

Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được”

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng vĩ đại là ở nơi Đảng biết tìm thấy sức mạnh từ trong nhân dân, vì nhân dân mà làm việc, cống hiến. Chính vì vậy, Bác căn dặn “việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân, thì phải hết sức tránh”. Trong Di chúc, Bác chỉ rõ: “Đảng cần phải có  kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người cũng đề cập đến công việc cụ thể, từng đối tượng, cảnh ngộ, thân phận để thực hiện chính sách xã hội, phát huy nguồn lực con người.

Nhấn mạnh đến chủ nghĩa nhân văn của Hồ Chí Minh từ quan điểm về con người trong Di chúc là chủ nghĩa nhân văn hành động, nhằm “giải phóng và phát triển con người”, TS.Doãn Thị Chín – Học viện báo chí và tuyên truyền nhận thấy, chủ nghĩa nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tình yêu thương mà còn là niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh phẩm giá con người, nhất là nhân dân lao động và Người còn rất khoan dung, độ lượng cả đối với những người từng “lầm đường lạc lối”. Chủ nghĩa nhân văn của Người là “mọi suy nghĩ, hành động” đều phải về con người cụ thể, con người số đông, biến mọi suy nghĩ thành hành động giải phóng con người lao động, chăm lo bồi dưỡng các thế hệ cách mạng với sự nghiệp “trồng người”.

PGS.TS.Lê Quốc Lý – Phó Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận thấy, “lo cơm ăn, áo mặc” cho nhân dân là vấn đề vô cùng quan trọng đối với “công việc đầu tiên đối với con người” được Bác đề cập trong Di chúc. Thực hiện di nguyện của Bác, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp, chính sách để người dân được “ấm no, hạnh phúc”. Qua từng giai đoạn, các kết quả xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng được cải thiện theo sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, mức thụ hưởng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Tuy vậy, “thành tựu mới chỉ là bước đầu, khoảng cách, nguy cơ tụt hậu giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng lớn… nhiều vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là vấn đề việc làm và an sinh xã hội…”. Do đó, để thực hiện được Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tinh thần “Nếu nước nhà độc lập mà dân không được hường hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phát huy sức mạnh nội lực, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”./.

                                                     Hương Giang

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text