Bác Hồ với công tác tuyên truyền

Alternate Text

Phương pháp tuyên truyền, giáo dục của Hồ Chí Minh là phương pháp đề cao yếu tố nêu gương, giáo dục bằng việc làm và hướng dẫn cụ thể. Theo Người, chính việc lấy gương tốt trong cán bộ, đảng viên, quần chúng…để giáo dục là phương pháp tuyên truyền, giáo dục sinh động, có sức thuyết phục và có hiệu quả nhất, không chỉ coi trọng tuyên truyền những tấm gương điển hình, Người còn yêu cầu bản thân người làm công tác tuyên truyền cũng phải là một tấm gương sáng. Người lí giải rằng: "Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Đây là phương pháp tuyên truyền không thông qua nói và viết mà bằng việc làm, bằng hành động cụ thể, "nói đi đôi với làm".

Hồ Chí Minh xác định công tác tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng hùng mạnh cho cách mạng nên Người rất quan tâm đến việc làm tốt công tác tuyên truyền. Theo Người, muốn phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân thì công tác tuyên truyền cần chú trọng đối tượng tuyên truyền.

Yếu tố góp phần quan trọng làm nên thành công của công tác tuyên truyền là phương pháp làm việc của cán bộ tuyên truyền. Theo Hồ Chí Minh: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực” để mọi người hiểu đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước. Định nghĩa về tuyên truyền, Người cho rằng: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Trong tuyên truyền cán bộ tuyên truyền cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp như: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”.

Trong công tác tuyên truyền việc nắm vững đối tượng được tuyên truyền là rất quan trọng, bởi vì tùy theo từng đối tượng, trình độ mà chọn phương pháp tuyên khác nhau. Tuyên truyền cho đồng bào người Kinh khác, người dân tộc khác...Đối với mỗi đối tượng, Người yêu cầu cán bộ tuyên truyền phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp vì đồng bào có trình độ thấp đã hiểu thì các đối tượng khác đều nắm bắt được, nội dung ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo “một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, năm là gì? Làm như thế nào” và “… nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực và tiêu cực, không đâu vào đâu cả”.

Như vậy, để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền thì cán bộ tuyên truyền phải có tính chất quần chúng “không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin, làm cho nhân dân khó hiểu, nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ”. Nếu “nói hay mà không hiểu” thì cũng không bằng “nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được”.

Nói về cán bộ tuyên truyền, Bác cho rằng, không chỉ riêng cán bộ làm công tác tuyên truyền mà bộ đội, công an, công nhân trong nông trường, lâm trường, công trường, xí nghiệp, cán bộ thương nghiệp, y tế, các giáo viên và tất cả cán bộ các ngành phải thấy rằng mỗi người đều là người tuyên truyền chính sách của Đảng, của Nhà nước. Về phẩm chất của cán bộ tuyên truyền ở cơ sở, Bác đòi hỏi phải có ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động trong công việc:“...Các chú cần tự hỏi, tự trả lời chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm… không phải Trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm”, “Mỗi người phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình, mà không nên nói lãnh đạo chung chung”. Theo Bác, muốn đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ phải tìm hiểu để có kiến thức, hiểu phong tục, tập quán của địa phương, nghĩa là phải nắm vững đối tượng, nắm chắc thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích và căn dặn rất tỉ mỉ: “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm, chứ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả.

Trong công tác tuyên truyền, cán bộ là khâu quyết định thành công, nhưng theo Người điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ tuyên truyền lại là đạo đức. Bác căn dặn cán bộ phải có tình yêu thương và nhiệt tình cách mạng, nhắc nhở cán bộ trong mỗi việc làm không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người cán bộ tuyên truyền có nhiệt tình cách mạng, tìm tòi phương pháp tuyên truyền cụ thể, thiết thực, “không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện” và chỉ khi hết lòng yêu thương nhân dân, cán bộ tuyên truyền mới thật sự là một phần của quần chúng nhân dân, mới hiểu nhân dân cần gì để báo cáo lại với Đảng, với nhà nước tìm cách giúp đỡ nhân dân. 

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay, công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cũng còn không ít những hạn chế. Khéo léo vận dụng bài học tuyên truyền của Bác, từ điều kiện thực tế, lựa chọn cách thức phù hợp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nói riêng và những nhiệm vụ tuyên truyền nói chung, chắc chắn cán bộ tuyên truyền sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao.

Hiện nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật; vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này. Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: ''Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội'' và đã được Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định cụ thể về công tác này. Tin tưởng rằng trong thời gian tới việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ tuyên truyền sẽ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của một người cán bộ tuyên truyền, tuyên truyền một cách cụ thể, thiết thực, tránh tình trạng phô trương, hình thức góp phần làm cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, góp phần hình thành ý thức, tri thức, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và mọi người dân trên địa bàn./.

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text