Văn bia ở khu di tích Tuyên Quang

Alternate Text

Tôi không được tham gia vào việc xây dựng Khu di tích của Bộ Tư pháp ở Tuyên Quang ngay từ đầu. Đó là những ngày lập Đề án đề nghị công nhận là Di tích quốc gia, lập Ban chỉ đạo, thiết kế, huy động kinh phí từ sự đóng góp của toàn ngành Tư pháp, sự tài trợ, chọn đơn vị thi công… Theo lời chị Nhung Út, Văn phòng Đảng ủy cơ quan Bộ là người đi nhận Quyết định công nhận Khu di tích về thì lúc đó toàn ngành, cả cơ quan Bộ hào hứng, phấn khởi vô cùng. Cũng phải thôi vì đây là lần đầu tiên ngành Tư pháp có một hoạt động văn hóa mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, về những ngày đầu lập nên Bộ Tư pháp, lập nên nền tư pháp của chế độ mới, khởi nguồn công tác tư pháp của thế hệ đầu tiên giữa chiến khu Việt Bắc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích Trụ sở kháng chiến của Bộ Tư pháp được xây dựng tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đó là nơi cơ quan Bộ đóng tuy trong thời gian ngắn (từ năm 1949 đến năm 1950) nhưng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của hoạt động tư pháp trong kháng chiến. Trụ sở Bộ Tư pháp lúc đó, cũng là Khu di tích bây giờ đặt trên một quả đồi có thế rất đẹp, gọi là đồi Cao. Trước mặt là cánh đồng lúa xanh mướt. Bên phải là suối Lê trong xanh đã đi vào thơ Tố Hữu: “Nhớ từng rừng nứa bờ tre/Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”. Bên trái là Khu di tích của Bộ Văn hóa Thông tin. Xa hơn một đoạn là Khu di tích của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an…

Ngày 27 tháng 8 năm 2010, một ngày trước Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp, đón nhận Huân chương Sao vàng, Lễ khánh thành Khu di tích Trụ sở Bộ Tư pháp trong kháng chiến đã diễn ra trọng thể với sự có mặt của đông đảo đại biểu, mặc dù nhiều người không kịp đến dự từ đầu do trời mưa lũ. Vậy mà lạ thay, khi Bộ trưởng Hà Hùng Cường bắt đầu đọc diễn văn khánh thành trước Nhà văn bia thì trời bỗng đột ngột ngắt mưa, quang mây, đổ nắng. Dường như cả đất trời, linh khí của một miền sơn cước, hồn thiêng của các bậc tiền bối đều hội tụ lại để chứng giám tấm lòng thành của cả thế hệ cán bộ tư pháp hôm nay. Đúng là: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” (Kiều).

Nhà văn bia là công trình quan trọng nhất của Khu di tích. Đó là tòa lầu một tầng hai lớp mái lợp ngói đỏ. Chính giữa là Văn bia di tích lịch sử được tạc bằng tấm đá nguyên khối từ Ninh Bình có hình cuốn sách đang mở với lời văn:

“Văn bia di tích lịch sử trụ sở Bộ Tư pháp trong kháng chiến

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28 tháng 8 năm 1945, Bộ Tư pháp được thành lập. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bộ Tư pháp  cùng Chính phủ rời Thủ đô Hà nội lên Chiến khu Việt Bắc.

Từ năm 1949 đến năm 1950, Bộ Tư pháp đóng trụ sở tại thôn Mới,  xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Chính nơi đây:

Trong sự đùm bọc, chở che đầy tình nghĩa của đồng bào các dân tộc  Tuyên Quang, những cán bộ Tư pháp đầu tiên đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lãnh đạo công tác tư pháp trong toàn quốc, giúp Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, pháp luật và duy trì công tác công tố, xử án, góp phần xứng đáng vào việc giữ vững chính quyền nhân dân, kháng chiến, kiến quốc thắng lợi;

Đã diễn ra các hội nghị Tư pháp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực  tiếp dự hoặc gửi thư chỉ đạo với những tư tưởng lớn như: Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền; Tư pháp là vấn đề ở đời và làm người; cán bộ Tư pháp phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân;

Đã bắt đầu cuộc cải cách Tư pháp nhằm dân chủ hóa tổ chức, hoạt động của các cơ quan Tư pháp; khởi nguồn một nền Tư pháp mang tính nhân văn, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

 Cán bộ Tư pháp Việt Nam tri ân, ghi sâu công lao của các thế hệ đi trước, phát huy truyền thống của Ngành, trung thành, sáng tạo, tận tụy,  đoàn kết phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 

Bộ Tư pháp”.

Bản văn bia này kết tụ trí tuệ, tâm huyết của Lãnh đạo Bộ, của nhiều cán bộ ở cơ quan Bộ, thể hiện tâm nguyện của các thế hệ cán bộ tư pháp. Điều đáng nói là nó ra đời trong thời điểm đáng ghi nhớ, đó là năm thứ 65 thành lập Ngành và đón nhận Huân chương Sao vàng.

Năm đó, càng gần đến ngày Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp, không khí làm việc của cơ quan Bộ càng sôi động, hào hứng, khẩn trương, trong đó có hai việc quan trọng nhất là hoàn thành bước một Khu di tích, tiêu điểm là Nhà văn bia, Bản văn bia và làm thủ tục đề nghị Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng cho Ngành Tư pháp. Hai việc này quan trọng đến mức Bộ trưởng Hà Hùng Cường giao nhiệm vụ cho Chánh Văn phòng Bộ lúc đó là anh Lê Hồng Sơn: Không hoàn thành Nhà văn bia, không kịp làm thủ tục đề nghị tặng Huân chương Sao vàng thì không nên tổ chức Lễ kỷ niệm. Chắc Bộ trưởng nói thế là nhấn mạnh tính thời điểm, tính quan trọng của vấn đề. Cũng là truyền thêm quyết tâm, nỗ lực vượt mọi khó khăn của anh em tham gia vào hai công việc này.

Chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày 28 tháng 8, tức là phải hoàn thành Nhà văn bia mà bài văn bia vẫn chưa có. Bia đá đã chuyển từ Ninh Bình lên. Anh Lê Hồng Sơn như đứng ngồi trên lửa, bèn huy động một nhóm thuộc Văn phòng Bộ khởi thảo một bản để đưa ra tham khảo. Trước đó, một Ban biên soạn đã được lập nhưng sản phẩm chuẩn bị báo cáo Lãnh đạo Bộ quá dài, gần hai ngàn từ, nếu tạc trên tấm văn bia đã chuẩn bị thì chữ nhỏ không thể đọc được. Nếu cỡ chữ bình thường thì  phải có khoảng sáu, bảy tấm bia mới ghi đủ. Đề nghị gọt ngắn lại thì không thể thực hiện được vì cách tiếp cận của bản văn này là kể đầy đủ hành trình của cơ quan Bộ Tư pháp đi kháng chiến. Ý tưởng của nhóm do anh Lê Hồng Sơn chủ trì là trên cơ sở bản dự thảo do Ban biên soạn chuẩn bị, văn bia đặt ở đồi Cao cần thể hiện đầy đủ, xúc tích lý do vì sao Khu di tích được đặt ở nơi đây; trong thời gian Bộ Tư pháp đóng trụ sở ở đây đã diễn ra những sự kiện quan trọng nào; sự tri ân và suy nghĩ của thế hệ cán bộ Tư pháp ngày nay về công tác tư pháp. Anh Lê Hồng Sơn nói: chỉ được phép có ba trăm ba mươi ba (333) chữ, không hơn, không kém. Con số, chẳng hạn 28, 1945 cũng tính là một chữ. Chẳng biết từ đâu mà anh Lê Hồng Sơn đưa ra con số ấy. Khống chế số chữ trong khuôn khổ văn bia thì đúng rồi. Nhưng sao lại 333 chữ. Có lẽ vì tổng của nó là 9 chăng? Đó là con số sinh, thể hiện thể hiện sự bình yên, thái bình đến muôn đời, sự viên mãn, tiếp nối cho sự phát triển của Ngành Tư pháp. Người phương Đông ưa con số 9. “Chín tầng mây”, “Cửu trùng đài”, còn “Cửu diệu” là 9 ngôi sao của đời người, của sự sống. Hay 333 là tam tài?

Anh Lê Hồng Sơn là người luôn để ý đến khía cạnh văn hóa, kể cả văn hóa tâm linh trong những vấn đề của cuộc sống nói chung cũng như những vấn đề pháp lý.

Bản văn bia do anh Lê Hồng Sơn hiệu đính được trình Lãnh đạo Bộ gọi là bản tham khảo cùng với bản của  Ban biên soạn. Bộ trưởng tế nhị gợi ý: “Tôi thấy bản do Văn phòng Bộ đưa ra hợp lý hơn, ngắn gọn, xúc tích, đủ ý. Đề nghị ta cho ý kiến trên cơ sở văn bản do Văn phòng Bộ chuẩn bị”. Vậy là thành công bước đầu. Khẩn trương chỉnh lý theo ý kiến của Lãnh đạo Bộ cho kịp chế bản thử, duyệt lại lần cuối để thợ khắc vào Bia đá đang chờ sẵn ở Khu di tích.

Lại tiếp tục góp ý. Chị Dương Thanh Mai đề nghị thêm cụm từ “duy trì công tác công tố, xử án” vào đoạn nói về hoạt động tư pháp. Đến giờ chót, anh Lê Hồng Sơn thêm cụm từ “mang tính nhân văn” vào đoạn nói về cải cách tư pháp. Duyệt bản cuối cùng Bộ trưởng thêm chữ “chính” rất đắt trước cụm từ “nơi đây” thành “Chính nơi đây” và bỏ hai cụm từ “nơi đây” ở trước đoạn 2, đoạn 3 cho khỏi rườm rà; thêm từ “Đảng” trước “Chính phủ” ở đoạn 1. Trần Hoàng Hưng ở Phòng Tổng hợp, Văn phòng Bộ đề nghị thêm cụm từ “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” vào mệnh đề “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cho đúng với quy định của Hiến pháp. Người thêm, người bớt. Cân nhắc cố giữ đúng 333 chữ. Nhưng thật tiếc, không phải điều gì muốn cũng được, không thể bớt một chữ nào để vừa 333. Vậy là văn bia có 334 chữ. Tổng các con số là 10. Đành chặc lưỡi: biết đâu như vậy thì viên mãn, ổn định  hơn.

Văn phòng Bộ thông báo Nhà văn bia đã xong. Trước hôm tổ chức Lễ khánh thành, anh Lê Hồng Sơn dẫn đầu Đoàn lên Khu di tích làm Lễ hoàn thổ. Đến trưa tới nơi. Dâng lễ vật. Đọc bản sớ vừa dứt. Bỗng đâu nổi lên trận cuồng phong. Gió ào ào rung chuyển mấy cây phách dưới chân đồi, bên bờ suối Lê (Tố Hữu đã tả: “Ve kêu rừng phách đổ vàng”),  lay qua hàng cây đại mới trồng ở sân hành lễ rồi ào đến Nhà văn bia. Hoa, vàng mã bay khắp nơi, ngũ quả lăn tứ phía. Bát hương bốc lửa hóa ngùn ngụt. Rồi gió bỗng lặng ngay. Gió đi về phía sau khu đồi. Cả đoàn đứng thần người lẩm nhẩm khấn. Anh Lê Hồng Sơn nói: “Các bậc thần linh chứng rồi”. Quả thực đó là cảnh Đạm Tiên trong truyện Kiều về chứng cho tấm lòng Thúy Kiều mà Nguyễn Du đã tả: “Một lời nói chửa kịp thưa/Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay/Ào ào đổ lộc, rung cây/Ở trong dường có hương bay ít nhiều”. Mọi người thu gom, bày lại lễ vật rồi thắp hương xin cho quốc thái, dân an, cầu cho Ngành Tư pháp thêm phát triển.

Từ khi có Khu di tích, có Nhà văn bia, nhiều đoàn cán bộ tư pháp của cơ quan Bộ cũng như địa phương có thêm một địa chỉ linh thiêng trên con đường về Tuyên Quang, trở lại Thủ đô kháng chiến để thắp hương, đọc Bản văn bia, bồi hồi xúc động tưởng nhớ các thế hệ cán bộ tư pháp đi trước, ôn lại những thành tựu của công tác tư pháp mà nhiều thế hệ xây đắp nên, mong mỏi về những điều tốt lành đang đợi ở phía trước cho đất nước, cho Ngành, cho tập thể và cho cả bản thân.

Nguyên Đức – Bộ Tư pháp

Rút từ tập “Tư pháp - Ở đời - Làm người” (Sắp xuất bản)

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text