Thôn, bản nào cũng có tổ hòa giải
Lang Chánh là một huyện miền núi của miền tây Thanh Hóa, huyện có 11 xã và thị trấn với tổng cộng 99 thôn, bản, người dân tộc Mường và Thái chiếm đa số, nơi xa nhất tính từ trung tâm huyện lên đến gần 80km. Thế nhưng qua lời kể của chị Hằng thì lực lượng tư pháp có mặt hầu hết ở các địa phương, mọi điểm nóng.
Thành quả mà chị Hằng rất tâm đắc là những năm qua, tư pháp huyện đã gây dựng được tổng cộng 108 Tổ hòa giải ở tất cả các xã và thôn bản. Mỗi xã có một Ban hòa giải bình quân từ 5-7 người, còn ở các thôn thì sẽ có Tổ hòa giải từ 3-5 người. Thành phần tham gia phần lớn từ các ban, ngành đoàn thể khác nhưng cán bộ tư pháp luôn là thành phần nòng cốt, đóng vai trò trung tâm và luôn có nhiệm vụ nâng cao nhận thức pháp luật cho cả Ban. Với một lực lượng đông đảo và hoạt động tận tình, những năm qua Tư pháp Lang Chánh luôn đạt được những kết quả ấn tượng. Xã nào khó khăn nhất thì cũng đạt được 80% chỉ tiêu công việc, còn lại là trên 90% nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên để có thành quả như vậy phòng Tư pháp huyện đã gồng mình vượt khó và khắc phục rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là vị trí địa lý và địa hình của huyện rất phức tạp, việc di chuyển khó khăn từ địa điểm này đến địa điểm khác, nhất là vào những thời điểm thiên tai hoành hành thật không dễ chút nào. Thứ hai là lực lượng biên chế cho Tư pháp còn quá thiếu, khối lượng công việc nhiều nhưng cán bộ tư pháp thì mỏng (bình quân mỗi xã 1 người) đồng thời lại phải kiêm nhiệm rất nhiều phần việc khác nhau. Điều này đã làm cho một số địa bàn cán bộ “ôm việc” không xuể nên hiệu quả không cao. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động Tư pháp cũng rất nghèo nàn. Qua tìm hiểu phóng viên được biết các cán bộ Tư pháp phải bỏ tiền túi của mình ra để đi học nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong khi thu nhập ít ỏi từ đồng lương làm cho cuộc sống của các cán bộ Tư pháp hết sức khó khăn. Nhiều cán bộ phải chung nhau một cái máy tính để làm việc trong khi nguồn điện lại chập chờn, vì thế mỗi khi sử dụng cho công việc thì hết sức khó khăn.
Thế nhưng, điều làm các cán bộ tư pháp ở đây trăn trở nhất là nhận thức pháp luật của người dân địa phương còn rất thấp. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nên trong công tác tư vấn chính sách, hòa giải và phổ biến pháp luật thường phải thực hiện mất nhiều thời gian hơn so với các vùng khác. Dẫu vậy, nhưng những gì Tư pháp huyện Lang Chánh đạt được đã khẳng định những quyết tâm vượt khó của những người cán bộ tâm huyết. Chị Hà Thị Hằng khẳng định: “nếu không yêu tư pháp thì chắc không có đủ quyết tâm để dấn thân với nghề”.
Người thân của đồng bào dân tộc
Khẳng định đầy khảng khái với phóng viên, chị Hằng bày tỏ: “không phải tự khen nhau nhưng bao nhiêu năm làm nghề tôi thấy Tư pháp mình là ngành trong sạch. Quan trọng nhất, mình là người gần dân, tuyên truyền cho dân, nếu mình không trong sạch thì còn ai nghe mình nữa!”.
Là người dân tộc Mường, sinh ra và trưởng thành ngay trên mảnh đất quê hương, chị nói được cả tiếng Mường và tiếng Kinh. Với lợi thế đó nên trong quá trình làm việc chị luôn nắm bắt được khá sát vấn đề của bà con dân tộc.
Theo lời kể của chị, cách đây ba năm khi “nạn” xuất khẩu lao động và bán hàng đa cấp còn hoành hành ở địa phương, rất nhiều bà con dân tộc vì thiếu hiểu biết đã bị các công ty làm ăn không chân chính lừa đảo, hậu quả để lại là rất lớn khi mà bà con mất cả tiền, mất cả niềm tin. Nắm bắt được tình hình, chị đã cùng các đồng nghiệp không quản đường xa, mưa gió bám sát địa bàn, có mặt ở tất cả các hội thảo của các công ty trên rồi tuyên truyền cho bà con thấy được lợi ích đúng sai, đồng thời phối hợp với Công an, chính quyền cơ sở tiến hành xác minh tính pháp lý của các công ty, đối tượng nghi vấn. Sau một thời gian quyết liệt bám địa bàn, những tiêu cực trên đã bị triệt tiêu, cũng từ đó mà bà con tin vào Tư pháp nhiều hơn, kiến thức pháp luật của người dân cũng được nâng cao lên.
Chia sẻ về những động lực để bản thân tâm huyết với nghề chị bộc bạch: “Khi thấy được những việc mình làm giúp cho dân bớt khổ thì đó là động lực và cũng là hạnh phúc lớn nhất. Người dân tộc ít chữ và dễ tin người, nếu mình không nhiệt tình giúp và đồng hành với bà con thì thực sự bản thân mình sống cũng khó chịu lắm”.
Qua lời kể của một số đồng nghiệp, được biết, ngoài công việc chuyên môn bản thân chị còn là người thân của rất nhiều gia đình đồng bào dân tộc, có những chuyện trong gia đình của bà con khi xảy ra mặc dù không liên quan gì đến chuyên môn nghiệp vụ của chị nhưng chị vẫn được nhờ giúp. Thứ tình cảm đó thật đáng trân trọng, có lẽ đó là cái được lớn nhất của người làm tư pháp trong điều kiện còn lắm gian nan.
Đức Thọ