Việt Nam chính thức nộp Văn kiện gia nhập Công ước La Hay về Tống đạt giấy tờ

Vào lúc 12h 30 phút ngày 16/3/2016, Trưởng đoàn công tác của Việt Nam tham dự Phiên họp Hội đồng Các vấn đề chung và chính sách của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế tại Hà Lan - bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp- đã chính thức đệ trình Văn kiện Việt Nam xin gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại (Công ước La Hay về Tống đạt giấy tờ).

Ngay sau nhận Văn kiện xin gia nhập của Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Hà Lan- cơ quan lưu chiểu của Công ước La Hay về Tống đạt giấy tờ đã có Công hàm thông báo việc nộp Văn kiện của Việt Nam, theo đó Công ước sẽ có hiệu lực với Việt Nam nếu không có bất kỳ phản đối nào từ một quốc gia thành viên đã phê chuẩn Công ước La Hay về Tống đạt giấy tờ trước ngày nộp văn kiện gia nhập của Viêt Nam, thông báo phản đối phải được gửi đến cơ quan lưu chiểu trong thời hạn 6 tháng sau ngày cơ quan lưu chiểu thông báo cho quốc gia đó về việc gia nhập của Việt Nam. Thời hạn 6 tháng này kết thúc vào ngày 30/9/2016, vì vậy nếu không có sự phản đối nào, Công ước La Hay về Tống đạt giấy tờ sẽ chính thức có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 01/10/2016.
Kèm theo Văn kiện gia nhập, Việt Nam đưa ra các tuyên bố kênh tống đạt trực tiếp qua đường ngoại giao hoặc lãnh sự chỉ được áp dụng với công dân của nước gửi giấy tờ (được cho phép theo quy định của khoản 2 Điều 8), không áp dụng các kênh tống đạt qua người có thẩm quyền/ cán bộ tư pháp (theo quy định tại đoạn b và c  Điều 10), áp dụng kênh bưu điện với điều kiện gửi qua thư bảo đảm (theo qui định tại đoạn a Điều 10).
Việt Nam còn tuyên bố về ngôn ngữ trong giấy tờ: là tiếng Việt hoặc kèm theo bản dịch tiếng Việt (không áp dụng với kênh tống đạt trực tiếp qua cơ quan ngoại giao lãnh sự hoặc kênh bưu điện khi tống đạt cho người nhận là công dân nước gửi vì người nhận được cho là đã hiểu ngôn ngữ của nước gửi). Theo Công ước, Việt Nam chấp nhận mẫu yêu cầu tống đạt (trong kênh chính của công ước) được điền bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp nhưng đề nghị các nước  điền mẫu bằng tiếng Việt hoặc kèm theo bản dịch tiếng Việt nhằm tạo điều kiện thực thi nhanh chóng tại Việt Nam. Việt Nam cũng tuyên bố áp dụng đoạn 2 Điều 15 Công ước theo đó trường hợp không nhận được giấy xác nhận kết quả tống đạt, thẩm phán có thể đưa ra phán quyết vắng mặt bị đơn nếu đảm bảo những điều kiện được đưa ra tại điều khoản này.
Việt Nam chỉ định Bộ Tư pháp là Cơ quan Trung ương đồng thời là cơ quan có thẩm quyền tại Điều 6 và Điều 9 Công ước.
Trong các thiết chế đa phương tương trợ tư pháp về dân sự, Công ước Tống đạt là công ước quan trọng nhất trong lĩnh vực tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp với 69 thành viên[1] là các quốc gia từ các hệ thống pháp luật khác nhau. Công ước Tống đạt quy định các kênh tống đạt giấy tờ với thủ tục đơn giản, tạo sự linh hoạt cho các quốc gia thành viên lựa chọn áp dụng cách thức phù hợp nhất với điều kiện của mình. Thực tiễn thực thi Công ước Tống đạt của các nước thành viên đều cho thấy, việc thực hiện tống đạt giấy tờ theo quy định của Công ước đạt kết quả rất cao (trên 90%) với thời gian ngắn (hầu hết được thực hiện trong vòng 2 tháng). Điều này đã đáp ứng thời gian tố tụng, góp phần làm giảm chi phí, hỗ trợ tích cực cho hoạt động xét xử của các cơ quan tố tụng trong nước.
Việc gia nhập Công ước Tống đạt phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, phù hợp với Nghị quyết của Đại hội Đảng XI; đặc biệt là quan điểm tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế qua việc “tham gia các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp” nêu tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, về “tiếp tục ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước khác” nêu tại Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Khi trở thành thành viên Công ước Tống đạt, Việt Nam sẽ có quyền yêu cầu các quốc gia thành viên khác thực hiện các yêu cầu tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp của mình theo quy định tại Công ước; Có quyền áp dụng hoặc bảo lưu các hình thức tống đạt của Công ước, phù hợp với pháp luật và điều kiện của mình và rút khỏi Công ước bất kỳ thời điểm nào (bằng cách gửi thông báo cho cơ quan lưu chiểu Công ước, theo Điều 30 của Công ước). Đồng thời, khi trở thành quốc gia thành viên của Công ước Tống đạt, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu tống đạt giấy tờ của các quốc gia thành viên khác phù hợp với phạm vi, yêu cầu và quy trình thủ tục được quy định tại Công ước này.
Trong bối cảnh số lượng yêu cầu tống đạt giấy tờ của Việt Nam (chiếm trên 80% yêu cầu UTTP về dân sự) đang ngày càng gia tăng và việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương trong lĩnh vực dân sự gặp nhiều khó khăn, thì việc gia nhập Công ước Tống đạt là thật sự cần thiết. Công ước Tống đạt sẽ tạo cơ sở pháp lý đa phương để Việt Nam đề nghị nước ngoài thực hiện các yêu cầu tống đạt giấy tờ nhằm giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài liên quan. Việc gia nhập Công ước sẽ tháo gỡ “nút thắt” trong công tác ủy thác tư pháp tại Việt Nam hiện này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các cơ quan có liên quan cũng cần có nhận thức rõ rằng tham gia Công ước Tống đạt đồng nghĩa với việc Việt nam sẽ tiếp nhận các yêu cầu tống đạt từ 69 quốc gia thành viên Công ước khác. Số lượng hồ sơ và khối lượng công việc sẽ tăng lên gấp nhiều lần ở cả Cơ quan Trung ương và địa phương. Vì vậy, cần có sự đầu tư, tăng cường nguồn lực (cơ sở vật chất, cán bộ) cho công tác tương trợ tư pháp và đẩy mạnh sự phối hợp giữa Cơ quan Trung ương với các cơ quan địa phương để đảm bảo thực hiện tốt Công ước Tống đạt khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên./.
 
Giới thiệu chung về Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ
Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại là công ước đa phương do Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế soạn thảo và được thông qua vào ngày 15/11/1965 tại phiên họp lần thứ 10 của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (Hội nghị La Hay), có hiệu lực kể từ ngày 10/02/1969. Hiện nay, Công ước Tống đạt có 69 quốc gia thành viên từ các nền kinh tế phát triển và đang phát triển với truyền thống pháp luật khác nhau. Nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Cô-oét… đều đã là thành viên Công ước.
Mục tiêu của Công ước là: (a) Xây dựng một hệ thống có thể đảm bảo được rằng người nhận được thông báo có đủ thời gian để bảo vệ quyền lợi của mình; (b) Đơn giản hóa phương thức tống đạt giấy tờ từ quốc gia yêu cầu đến quốc gia được yêu cầu; (c) Đưa ra được bằng chứng là tống đạt đã được hoàn thành dưới hình thức là giấy xác nhận kết quả theo mẫu thống nhất.
Công ước gồm 31 điều và một Phụ lục các mẫu Yêu cầu tống đạt, Giấy xác nhận kết quả tống đạt, Bản tóm tắt giấy tờ được tống đạt. Công ước áp dụng cho các vụ việc về dân sự hoặc thương mại có yêu cầu phải tống đạt giấy tờ tư pháp hoặc ngoài tư pháp ra nước ngoài và không áp dụng trong trường hợp không biết được địa chỉ của người nhận được tống đạt (Điều 1).
Công ước áp dụng với việc tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp nhưng không có định nghĩa cụ thể về các loại giấy tờ này mà việc phân loại phụ thuộc vào pháp luật của Nước gửi (Nước yêu cầu). Tuy nhiên, theo hướng dẫn trong các tài liệu chính thức của Hội nghị La Hay, giấy tờ tư pháp là các giấy tờ trong các vụ tranh chấp hoặc các việc dân sự không có tranh chấp, hoặc giấy tờ cho thi hành. Các giấy tờ tư pháp có thể bao gồm thông báo triệu tập, bản ghi ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của người khởi kiện, quyết định và phán quyết được tuyên bởi một cán bộ của cơ quan tư pháp có thẩm quyền, cũng như giấy triệu tập nhân chứng, và yêu cầu thu thập chứng cứ gửi đến các bên kể cả khi các lệnh yêu cầu này được tuyên như một phần của quá trình thu thập, xem xét chứng cứ. Khác các giấy tờ tư pháp, các giấy tờ ngoài tư pháp (thuộc phạm vi quy định của Điều 17 Công ước Tống đạt) không trực tiếp liên quan đến xét xử, tuy nhiên, quá trình ban hành giấy tờ này phải có sự tham gia của một cơ quan có thẩm quyền hoặc cán bộ tư pháp[2]. Một số nước thành viên của Công ước Tống đạt như Hoa Kỳ, Cộng hòa Séc, Thụy Điển… đã thông tin cho Hội nghị La Hay rằng pháp luật trong nước của các quốc gia này không có quy định về giấy tờ ngoài tư pháp.
Công ước Tống đạt chỉ tập trung vào 2 vấn đề chính là: (i) thủ tục tống đạt giấy tờ và (ii) xét xử vắng mặt liên quan đến việc tống đạt giấy triệu tập bị đơn.
Công ước Tống đạt quy định 01 kênh tống đạt chính thông qua Cơ quan Trung ương của nước được yêu cầu (Điều 2 đến Điều 7) và các kênh tống đạt thay thế (Điều 8 đến Điều 11) gồm: (i) tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự (Điều 8); (ii) tống đạt cho cơ quan thẩm quyền của nước được yêu cầu thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự (Điều 9); (iii) tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài qua đường bưu điện (điểm a Điều 10); (iv) tống đạt từ nhân viên tư pháp, cán bộ hoặc người có thẩm quyền của nước yêu cầu trực tiếp qua nhân viên tư pháp, cán bộ hoặc người có thẩm quyền của nước được yêu cầu (điểm b Điều 10); (v) tống đạt từ bất kỳ cá nhân nào có liên quan trong thủ tục tố tụng trực tiếp qua nhân viên tư pháp, cán bộ hoặc người có thẩm quyền của nước được yêu cầu (điểm c Điều 10); (vi) các kênh tống đạt khác mà các nước thành viên chấp nhận (Điều 11).
Kênh tống đạt chính và kênh tống đạt thay thế đều có giá trị pháp lý như nhau. Công ước Tống đạt không đưa ra bất kỳ ưu tiên, hoặc thứ bậc nào cho các kênh tống đạt này. Các quốc gia tham gia Công ước Tống đạt có quyền lựa chọn sử dụng kênh tống đạt nào mà họ thấy rằng phù hợp với điều kiện của quốc gia mình.
Về xét xử vắng mặt, Công ước Tống đạt quy định về hai nội dung liên quan đến thẩm quyền tố tụng của cơ quan xét xử của quốc gia thành viên, đó là: (i) quy định yêu cầu thẩm phán không đưa ra bản án, quyết định khi bị đơn vắng mặt cho đến khi việc tống đạt được thực hiện trong điều kiện nhất định và trong khoảng thời gian nhất định, tuy nhiên bản án, quyết định có thể được tuyên khi vắng mặt bị đơn nếu đáp ứng một số điều kiện cụ thể (Điều 15); và (ii) cho phép bị đơn không bị ràng buộc bởi thời hiệu kháng cáo khi đáp ứng một số điều kiện nhất định (Điều 16). Quy định này được áp dụng cho các kênh tống đạt của Công ước Tống đạt trừ các kênh tống đạt theo quy định tại Điều 11 (các kênh tống đạt khác các kênh được nêu trong Công ước mà các nước thành viên chấp nhận).
 
[1] Thông tin về các quốc gia thành viên trên trang thông tin điện tử chính thức của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. ( Không tính Việt Nam và Costa Rica là hai quốc gia cùng nộp văn kiện gia nhập Công ước vào ngày 16/3/2016)
https://www.hcch.nt/en/instruments/conventions/status-table/?cid=17
 
[2] Các loại giấy tờ ngoài tư pháp có thể bao gồm văn bản công chứng, yêu cầu trả tiền, thông báo từ bỏ liên quan đến hợp đồng thuê dài hạn, hợp đồng lao động, từ chối chấp nhận thương phiếu và các công cụ chuyển nhượng với điều kiện là chúng phải được phát hành bởi một cơ quan có thẩm quyền hoặc thừa phát lại, thông báo ngày hòa giải, thông báo được tống đạt do chủ nợ chuyển cho người mắc nợ, thông báo cho người có lợi ích liên quan về một tài sản thừa kế, quyết định liên quan đến cấp dưỡng cho con và quyết định liên quan đến ly hôn và ly thân do cơ quan hành chính có thẩm quyền ban hành, triệu tập của thừa phát lại, chứng thư và các giấy tờ liên quan đến việc thi hành án. Các giấy tờ phản đối hôn nhân, đồng ý nhận con nuôi, chấp nhận quan hệ cha con cũng thuộc loại này nếu chúng phù hợp với các thủ tục nhất định. Yêu cầu tống đạt giấy tờ ngoài tư pháp rất hiếm gặp, thường được tống đạt bởi tòa án, thừa phát lại hoặc người thi hành án.
 
Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text