Hội nghị Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của HCCH về Công ước về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em năm 1980 và Công ước bảo vệ trẻ em năm 1996

Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch công tác năm 2015 của Vụ Pháp luật quốc tế đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt (Quyết định số 481/QĐ-BTP ngày 16/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2015 của Vụ Pháp luật quốc tế), Vụ Pháp luật quốc tế được giao chủ trì thực hiện Đề án nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước La Hay về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015. Trong thời gian 2 ngày 25-26 tháng 6 năm 2015, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã tham dự Hội nghị Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của HCCH về Công ước về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em năm 1980 và Công ước bảo vệ trẻ em năm 1996 để học hỏi, chia sẽ kinh nghiệm với các nước thành viên của hai Công ước nêu trên.

 

Hội nghị Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về Công ước về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em năm 1980 và Công ước bảo vệ trẻ em năm 1996 (Hội nghị) đã được diễn ra trong hai ngày 25-26/6/2015 tại Macao, Trung Quốc do Ban Thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH), thông qua Văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Văn phòng Cải cách luật và Luật Quốc tế của Đặc khu hành chính Macao và Sở Tư pháp của Đặc khu hành chính Hồng Kông đã đồng tài trợ tổ chức. Tham dự Hội nghị có khoảng 120 đại biểu tham gia, bao gồm các thẩm phán, các quan chức chính phủ, các chuyên gia pháp lý, các giảng viên, giáo sư và các chuyên gia đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các nước khác (bao gồm Australia, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Fiji, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam). Đại diện Ban thường trực của HCCH có Tổng thư ký và Phó tổng thư ký tham dự Hội nghị.

 

Công ước La Hay về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em năm 1980 (Công ước 1980) hiện nay có 93 thành viên tham gia và Công ước bảo vệ trẻ em năm 1996 (Công ước 1996) có 41 thành viên tham gia. Hội nghị lần này tập trung vào việc đánh giá những tác động, lợi ích của việc gia nhập 2 Công ước này đối với các nước thành viên, trao đổi về kinh nghiệm thực hiện và đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, khuyến khích các nước khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương gia nhập.

Tại Hội nghị, các thành viên hai Công ước này đều ghi nhận Công ước năm 1980 đã tạo một khuôn khổ pháp lý quốc tế rất hiệu quả để tạo thuận lợi cho việc trả lại nhanh chóng trẻ em trong các trường hợp bắt cóc trẻ em, và Công ước năm 1996 cung cấp một khuôn khổ toàn diện các quy tắc tư pháp quốc tế để bảo vệ trẻ em xuyên biên giới. Công ước 1996 có hiệu quả bổ sung cho Công ước 1980 bằng cách đưa ra các quy tắc rõ ràng về thẩm quyền, bao gồm cả các biện pháp khẩn cấp và công nhận thẩm quyền, về pháp luật áp dụng đối với các vấn đề có liên quan, và việc công nhận các biện pháp bảo vệ nói chung. Công ước 1996 cũng cung cấp một khuôn khổ hiệu quả cho hợp tác xuyên biên giới giữa các cơ quan chức năng, trong đó bao gồm thu thập thông tin về trẻ em cũng như thông tin về pháp luật và các biện pháp hỗ trợ ở các nước thành viên khác. Cả hai Công ước được xây dựng và thực hiện dựa trên nguyên tắc bảo vệ tốt nhất lợi ích cho trẻ em trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đối với những quốc gia đã tham gia Công ước năm 1989 của Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em (UNCRC), hai Công ước này công cụ để đảm bảo thực hiện những mục tiêu có liên quan của UNCRC. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ, quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, xuyên biên giới cũng ngày càng phát triển. Với việc di chuyển quốc tế ngày càng phổ biến như hiện nay thì số vụ việc trẻ em bị đưa đi hoặc giữ bất hợp pháp trong những trường hợp quan hệ của cha mẹ bị đổ vỡ cũng diễn ra ngày càng nhiều. Công ước 1980 và Công ước 1996 đã thực sự phát huy hiệu quả tạo ra kênh hợp tác quốc tế để đưa trẻ trở lại nơi thường trú, bảo đảm một môi trường sống tốt nhất cho trẻ.

Một số nước chưa tham gia Công ước cũng chia sẻ về thực tiễn các nước và tình hình nghiên cứu gia nhập Công ước 1980 và Công ước 1996. Liên quan đến các nước ASEAN, hiện nay mới có Singapore và Thái Lan đã tham gia Công ước 1980. Tuy nhiên, các nước ASEAN khác cũng đang tích cực nghiên cứu hoặc chuẩn bị gia nhập Công ước này như Philippine đang trình Tổng thống xem xét, quyết định gia nhập; Malaysia đã hoàn thành hồ sơ gia nhập trình Chính phủ; Việt Nam, Indonexia và Campuchia đang tiến hành nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước 1980.

Về kinh nghiệm thực thi, một số nước đã chia sẻ về việc tập trung thẩm quyền giải quyết các vụ việc liên quan đến bắt cóc trẻ em theo khuôn khổ Công ước 1980 để tạo chuyên môn hóa cho cán bộ thực hiện; sự cần thiết phải tuyên truyền, phổ biến Công ước đến người dân, các cơ quan tổ chức có liên quan để hiểu rõ về các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ Công ước; yêu cầu xây dựng và hoàn thiện cơ chế trong nước để đảm bảo việc thực hiện Công ước.

Tại Hội nghị, đại biểu Việt Nam cũng có bài trình bày về thực tiễn pháp luật về bảo vệ trẻ em và quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài liên quan đến nội dung của Công ước 1980 cũng như thông tin đến Hội nghị về các hoạt động tích cực của Việt Nam sau khi chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay, đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu, chuẩn bị gia nhập một số Công ước như Công ước về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài, Công ước tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp; nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước 1980.

Thông qua hoạt động của đại diện Việt Nam tại Hội nghị, các nước tham gia Hội nghị được biết đến chủ trương, chính sách và hoạt động tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực, hợp tác đa phương về tương trợ tư pháp và pháp luật, bảo vệ trẻ em.Điều này có ‎ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh việc nghiên cứu gia nhập các Công ước liên quan đến tương trợ tư pháp và hợp tác pháp luật của Hội nghị La Hay cũng như đẩy mạnh và nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trong hợp tác về tương trợ tư pháp trong khối ASEAN. Đồng thời, đây cũng là cơ hội quý báu để Bộ Tư pháp học tập kinh nghiệm và có thêm thông tin cả về lý luận lẫn thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng Đề án nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước 1980 trình Chính phủ./.

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text