Tin tức khác

Bộ Tư pháp triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngay sau khi Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (CLTK 21-30) được ban hành, xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có thời gian thực hiện dài và tầm ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động thống kê của Bộ, ngành Tư pháp, đồng thời cũng là một trong các hoạt động thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945-28/8/2023), 30 năm ngày thành lập Cục Kế hoạch - Tài chính (11/8/1993-11/8/2023), Bộ Tư pháp (đầu mối là Cục Kế hoạch - Tài chính) đã tổ chức xây dựng Kế hoạch thực hiện CLTK 21-30 một cách nghiêm túc, đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ theo Kế hoạch. Một số kết quả nổi bật đã đạt được như:
Về nhóm nhiệm vụ sửa đổi, hoàn thiện chế độ báo cáo thống kê ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp triển khai 02 nhiệm vụ, gồm: (1) ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BTP quy định chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; (2) nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của ngành Tư pháp bằng việc tổ chức 05 cuộc Tọa đàm đánh giá việc thực hiện Thông tư số 03/2019/TT-BTP tại 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham gia của 110 cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ thống kê tư pháp tại các cơ quan tư pháp địa phương ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã.
Đối với nhóm nhiệm vụ tăng cường huy động và sử dụng các chuyên gia, nhà khoa học về khoa học thống kê, khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp đã triển khai cả hai nhiệm vụ. Một là, đề nghị hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế về khoa học thống kê, khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin. Hai là, hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức các khóa học, lớp bồi dưỡng về khoa học thống kê, khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin,… với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia. Cụ thể, năm 2022, trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ, với đóng góp tài chính từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), UNDP đã hỗ trợ kỹ thuật để Bộ Tư pháp tổ chức 05 hoạt động về thống kê với 15 hội nghị, hội thảo về 03 nội dung, trong đó có 02 nội dung lớn: (1) tổ chức các cuộc Họp kỹ thuật về việc góp ý các Tài liệu có liên quan đến đào tạo, hướng dẫn phân tích thống kê; (2) tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ thống kê tư pháp tại các cơ quan tư pháp địa phương cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã tại 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các hoạt động nêu trên có sự tham gia của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành Tư pháp và ngành Thống kê.
Tại nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động phân tích và dự báo thống kê ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp thực hiện thu thập đầy đủ các kỳ báo cáo số liệu thống kê của 24 lĩnh vực công tác thông qua chế độ báo cáo thống kê của Bộ, ngành Tư pháp và nguồn dữ liệu hành chính. Các số liệu thống kê thu thập được sử dụng để xây dựng các báo cáo phân tích chuyên môn của Bộ Tư pháp phục vụ báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết Ngành và các báo cáo phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Bộ Tư pháp.
Trong nhóm nhiệm vụ đa dạng hóa hoạt động phổ biến thông tin thống kê, Bộ Tư pháp đã hoàn thành xây dựng Tài liệu Phổ biến thông tin thống kê ngành Tư pháp và công bố, phổ biến thông tin thống kê trên các phương tiện truyền thông, như đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Trang Thông tin điện tử công tác thống kê ngành Tư pháp, các chỉ tiêu báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội năm 2021 thuộc trách nhiệm thu thập của Bộ Tư pháp được cập nhật lên Hệ thống thông tin của Chính phủ; …
Nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê các cơ quan tư pháp địa phương, năm 2022, Bộ Tư pháp đã kiểm tra việc thực hiện công tác thống kê đối với 24 cơ quan tư pháp các cấp (tỉnh, huyện, xã) tại 08 tỉnh. Kết quả kiểm tra đã giúp đánh giá việc thu thập, cung cấp thông tin thống kê của các cơ quan này, gồm những việc làm được và chưa làm được, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân. Từ đó, Bộ có phương án chỉ đạo, hướng dẫn khắc phục sai sót, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời nghiên cứu giải pháp hoàn thiện hơn chế độ báo cáo thống kê, nâng cấp Phần mềm thống kê ngành Tư pháp.
Mặc dù là năm đầu tiên triển khai CLTK 21-30 với nhiều nhiệm vụ mới mẻ, mang tính chuyên môn sâu về thống kê nhưng Bộ Tư pháp đã nghiêm túc, nỗ lực và trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ thực hiện Chiến lược để ngày càng nâng tầm hơn nữa công tác thống kê của Bộ, ngành Tư pháp.
Thu Huyền