CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT QUỐC TẾ CỦA NHÀ NƯỚC

CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT QUỐC TẾ CỦA NHÀ NƯỚC

Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ I kết thúc, trách nhiệm quốc tế của nhà nước do các hành vi trái pháp luật quốc tế  bắt đầu được hệ thống hóa bởi Hội quốc liên (League of Nation). Sau khi Liên hợp quốc ra đời thay thế Hội quốc liên, vào năm 1947, Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập Ủy ban pháp luật quốc tế (International Law Commission - ILC). Từ năm 1948, ILC đã nỗ lực hệ thống hóa và phát triển các quy định về trách nhiệm quốc gia bởi hành vi trái luật quốc tế thành một công ước quốc tế. Bản dự thảo cuối cùng của Công ước về trách nhiệm nhà nước đối với các hành vi trái pháp luật quốc tế do ILC đệ trình và được thông qua với tính cách như một phụ lục của Nghị quyết 56/83 ngày 12/12/2001 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (sau đây gọi là Công ước về trách nhiệm nhà nước). Mặc dù vậy, Công ước này vẫn chưa có quốc gia nào là thành viên nhưng đã và đang sử dụng nhiều trong thực tiễn pháp lý quốc tế, đặc biệt Công ước được các cơ quan tài phán, trọng tài quốc tế dẫn chiếu, áp dụng trong nhiều vụ việc tranh chấp quốc tế.
Theo Điều 1 Công ước về trách nhiệm nhà nước, mọi hành vi trái pháp luật quốc tế của quốc gia đều dẫn đến trách nhiệm nhà nước của quốc gia đó. Hành vi trái pháp luật quốc tế của quốc gia được định nghĩa tại Điều 2 Công ước về trách nhiệm nhà nước gồm 02 yếu tố: (1) Chủ thể của hành vi này là nhà nước theo pháp luật quốc tế và (2) Hành vi đó vi phạm/trái nghĩa vụ quốc tế.
1. Hành vi của nhà nước theo pháp luật quốc tế
Công ước trách nhiệm của nhà nước liệt kê 08 loại hành vi được coi là hành vi của nhà nước theo pháp luật quốc tế, bao gồm:
(i) Hành vi thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp của cá nhân, thực thể có vị trí trong bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật quốc gia đó, không kể đó là cơ quan nhà nước ở trung ương hay địa phương;
(ii) Hành vi của cá nhân hoặc thực thể không phải là cơ quan nhà nước, nhưng theo pháp luật của quốc gia đó chúng được trao thực hiện quyền lực nhà nước;
(iii) Hành vi của một nhà nước được đặt dưới quyền định đoạt hoặc thay mặt cho nhà nước khác, thì hành vi đó là hành vi của nhà nước có quyền định đoạt hoặc được thay mặt;
 (iv) Hành vi thực hiện quyền được trao để thực hiện quyền lực nhà nước mà việc thực hiện quyền lực được trao đó vượt quá thẩm quyền hoặc trái với quy định;
 (v) Hành vi của một người hoặc một nhóm người trong thực tế thực hiện theo sự chỉ dẫn, chỉ đạo hoặc kiểm soát của nhà nước;
(vi) Hành vi của một phong trào, cuộc nổi dậy thành công và sau đó thiết lập một nhà nước mới trong lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ của nhà nước trước, thì nhà nước được thành lập mới đó chịu trách nhiệm cho những hành động của phong trào, cuộc khởi nghĩa đó;
(vii) Hành vi của cá nhân, tổ chức nếu/và trong giới hạn được thừa nhận hay chấp thuận của nhà nước;
(viii) Hành vi của cá nhân hoặc một nhóm người mang tính chất là hành động của nhà nước quản lý quốc gia/vùng lãnh thổ trong trường hợp tại thời điểm đó quốc gia/vùng lãnh thổ đó tạm thời không có chính quyền quản lý một cách chính thức (ví dụ: Trong thời gian xung đột vũ trang, dẫn đến nhà chức trách giải thể hoặc bị đàn áp hoặc đang trong thời gian không hoạt động).
2. Yếu tố trái nghĩa vụ quốc tế của hành vi của nhà nước
Theo Công ước về trách nhiệm nhà nước, hành vi trái pháp luật quốc tế khi nó không phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của nhà nước, bất kể nguồn gốc hay đặc tính của hành vi và trách nhiệm của nhà nước sẽ phát sinh đối với hành vi trái pháp luật quốc tế đó, nhà nước phải chấm dứt hoặc ngừng hành vi này. Hành vi trái pháp luật quốc tế của nhà nước mà gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia khác, thì nhà nước phải bồi thường hoặc đền bù.
Như trên đã nêu, mặc dù Công ước về trách nhiệm nhà nước chưa có quốc gia nào là thành viên nhưng trên thực tế đã được dẫn chiếu, lập luận trong một số phán quyết của trọng tài quốc tế, nhất là các vụ việc giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài. Sở dĩ như vậy, vì Công ước này xác định hành vi nào là hành vi trái pháp luật quốc tế của nhà nước, trong khi đó điều ước quốc tế là nguồn của pháp luật quốc tế. Do đó, hành vi vi phạm cam kết của quốc gia theo điều ước quốc tế được coi là hành vi trái pháp luật quốc tế. Điều này dẫn đến trách nhiệm của nhà nước.

                                                                                                                        Trần Anh Tuấn - Vụ Pháp luật quốc tế