Một số nội dung về Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ ba thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

Một số nội dung về Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ ba thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

1. Quá trình xây dựng Báo cáo ICCPR và tham gia Phiên bảo vệ
Khoản 1 Điều 40 Công ước ICCPR quy định về nghĩa vụ báo cáo của quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, theo đó:
“Các quốc gia thành viên Công ước cam kết sẽ đệ trình báo cáo về những biện pháp mà mình đã thông qua để thực hiện các quyền được ghi nhận trong Công ước này, và về những tiến bộ đã đạt được trong việc thực hiện các quyền đó:
a) Trong thời hạn một năm kể từ ngày Công ước này có hiệu lực đối với quốc gia thành viên liên quan;
b) Và sau đó, mỗi khi có yêu cầu của Uỷ ban.”
Kể từ khi gia nhập Công ước ICCPR năm 1982, Bộ Ngoại giao là cơ quan được giao làm đầu mối thực hiện Công ước đã chủ trì xây dựng 02 Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR vào năm 1989 và 2002. Tại Bản khuyến nghị đối với Báo cáo lần thứ hai, Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc (sau đây gọi là Ủy ban) yêu cầu Việt Nam nộp báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ ba trước ngày 01/8/2004.
Ngày 22/12/2017, Việt Nam đã chính thức nộp Báo cáo ICCPR lần thứ ba lên Ủy ban. Báo cáo gồm 56 trang và 04 Phụ lục kèm theo, đảm bảo dung lượng không vượt quá 21.200 từ theo quy định của Công ước, với những thông tin được báo cáo trong giai đoạn 2002 đến hết ngày 15/9/2017. Báo cáo đã được lấy ý kiến tại các hội thảo (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) để tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành, các chuyên gia trong nước, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở Việt Nam,… và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến nhân dân trước khi hoàn thiện, nộp Ủy ban.
Sau khi nhận được Báo cáo quốc gia, ngày 03/8/2018, Ủy ban gửi Danh sách các vấn đề Ủy ban quan tâm gồm 27 đoạn. Việt Nam đã xây dựng và nộp Báo cáo trả lời Danh sách các vấn đề quan tâm của Ủy ban. Báo cáo trả lời bao gồm 119 đoạn, được xây dựng theo cách thức trả lời lần lượt 27 vấn đề nêu tại Danh sách các vấn đề và 04 phụ lục cung cấp các thông tin bổ trợ cho nội dung báo cáo.
2. Kết quả ban đầu Phiên bảo vệ về Báo cáo ICCPR lần thứ ba
            Ngày 11 và 12/3/2019, Đoàn liên ngành của Việt Nam gồm 20 thành viên do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc làm Trưởng đoàn và đại diện của 11 Bộ, ngành[1], cơ quan liên quan đã tham gia Phiên bảo vệ với 11/18 thành viên Ủy ban cũng đồng thời là các chuyên gia pháp luật nổi tiếng, có nhiều kinh nghiệm, nắm vững các quy định pháp luật quốc tế và tình hình của Việt Nam tham gia Phiên bảo vệ. Phiên bảo vệ do ông Yuval Shany (quốc tịch I-xa-ren, Phó Chủ tịch Ủy ban) chủ trì. Phiên bảo vệ được truyền hình trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Liên hợp quốc[2].
Tại Phiên bảo vệ ngày 11/3/2019, Trưởng đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu khai mạc trước Ủy ban tóm tắt ngắn gọn Báo cáo ICCPR và Báo cáo trả lời, nêu những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về bảo vệ quyền con người; nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các quy định của Công ước và các khuyến nghị năm 2002 của Ủy ban thông qua quá trình cải cách pháp luật, tư pháp, chống phân biệt đối xử và thúc đẩy các quyền, tự do cá nhân; kế hoạch dự kiến của Việt Nam trong việc nghiên cứu, tham gia các công ước quốc tế về quyền con người khác (như Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể). Trưởng đoàn cũng cập nhật thông tin về tình hình thực hiện Công ước ICCPR từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, chia sẻ một số khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi Công ước cũng như cam kết nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền dân sự và chính trị trong thời gian tới.
Trong hai ngày đối thoại, các thành viên Ủy ban đặt ra hơn 100 câu hỏi và bình luận liên quan đến Công ước và các khuyến nghị của Ủy ban năm 2002 đối với Việt Nam trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, kế hoạch tiếp tcuj thực hiện Công ước trong tương lai. Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, Đoàn liên ngành đã đối thoại, trả lời hầu hết các câu hỏi của thành viên Ủy ban, cung cấp thông tin cập nhật về chính sách pháp luật, tình hình triển khai trên thực tế để phản hồi các thông tin sau lệch, không chính xác mà Ủy ban nhận được. Đồng thời, Đoàn liên ngành cũng chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà Việt Nam gặp phải trong suốt quá trình vừa qua.
Kết quả ban đầu của Phiên bảo vệ cho thấy mặc dù Ủy ban đã ghi nhận một số thành tựu của Việt Nam trong quá trình thực thi Công ước nhưng một số nhận định, khuyến nghị của Ủy ban vẫn thể hiện sự định kiến, chưa phù hợp với thực tiễn bảo vệ quyền con người nói chung và quyền dân sự, chính trị tại Việt Nam. Điều này xuất phát từ việc giai đoạn báo cáo của Việt Nam tương đối dài nên các thành viên chưa hoàn toàn hiểu rõ về tình hình thực thi các quyền dân sự chính trị tại Việt Nam; các thành viên Ủy ban cũng nhận được khá nhiều thông tin từ nguồn báo cáo bóng đối với Báo cáo ICCPR lần thứ ba của Việt Nam, và tạo nên một số định kiến khó thay đổi của Ủy ban đối với Việt Nam,…
Ngày 28/3/2019, sau Phiên bảo vệ với Việt Nam, Ủy ban đã đưa ra Bản khuyến nghị đối với Báo cáo ICCPR lần thứ ba của Việt Nam. Bản khuyến nghị gồm 3 phần, chia thành 59 đoạn với 26 khuyến nghị về 25 nhóm vấn đề (gần đây khuyến nghị của Ủy ban đối với các quốc gia cũng tương đối dài như Algeri 54 đoạn, Barhrai: 67 đoạn, Belarut: 60 đoạn,…). Các vấn đề nêu trong Bản khuyến nghị tập trung chủ yếu vào các vấn đề hoàn thiện khung pháp luật, nâng cao nhận thức về Công ước cũng như việc bảo đảm thực hiện các quyền dân sự và chính trị trên thực tế./.
Nguyễn Thị Tuyết Giang,
Phòng Công pháp và Nhân quyền quốc tế
 
[1] Đại diện các Bộ, ngành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và Phái đoàn Thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ.