Năm 2014, Bộ Tư pháp đã đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các Bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương; thông tin từ các báo cáo công tác của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Báo cáo tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh năm 2014, Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2014, Báo cáo công tác bồi thường nhà nước năm 2014 và một số thông tin chính thống khác, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014. Đây là lần đầu tiên, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thi hành pháp luật trong một năm và trên phạm vi cả nước.
Báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 chia làm ba phần cùng 10 phụ lục kèm theo.
Phần thứ nhất: Đánh giá về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong năm 2014, trong đó tập trung vào các nội dung: (i) hoàn thiện thể chế, (ii) phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, (iii) các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật (tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí) và (iv) việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 của các Bộ, ngành và địa phương.
Phần thứ hai: Đánh giá về tình hình thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước trong năm 2014 thông qua (I) tình hình tổ chức triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật và (II) tình hình tuân thủ pháp luật.
Đối với tình hình tổ chức triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật, Báo cáo đánh giá về (i) tổ chức triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật và (ii) tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với tình hình tuân thủ pháp luật, Báo cáo đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân trong xã hội. Để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật, Báo cáo sử dụng phương pháp suy đoán và loại trừ. Theo đó, sẽ đánh giá mức độ tuân thủ trên cơ sở tình hình vi phạm pháp luật đối với một số lĩnh vực. Lĩnh vực có ít hành vi vi phạm hoặc số lượng hành vi vi phạm giảm được coi là có mức độ tuân thủ cao hoặc mức độ tuân thủ pháp luật có chuyển biến tích cực và ngược lại.
Đối với mỗi lĩnh vực được đánh giá, Báo cáo bước đầu làm rõ số lượng hành vi vi phạm, mức độ tăng, giảm so với năm 2013, các hành vi vi phạm phổ biến, nguyên nhân và hậu quả của hành vi vi phạm.
Về tình hình tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền, Báo cáo đánh giá tình hình tuân thủ thông qua kết quả của (i) công tác thanh tra, (ii) công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, (iii ) công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính và (iv) công tác bồi thường nhà nước.
Về tình hình tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân, Báo cáo đánh giá mức độ tuân thủ thông qua (i) tình hình vi phạm pháp luật hình sự (tình hình tội phạm), (ii) tình hình vi phạm pháp luật hành chính và (iii) tình hình tranh chấp, khiếu kiện của người dân, doanh nghiệp (tình hình công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự).
Phần thứ ba: Đề xuất, kiến nghị và phương hướng, giải pháp chủ yếu.
Báo cáo đề xuất phương hướng và giải pháp chủ yếu được đưa ra đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật, đồng thời lần lượt đưa ra các đề xuất, kiến nghị đối với (i) công tác theo dõi thi hành pháp luật và (ii) tình hình thi hành pháp luật.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật