UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2015

13/03/2015

Ngày 06/3/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2015 trên địa bàn tỉnh.

   

Mục đích, yêu cầu của Kế hoạch là triển khai thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Thông tư số 14/2014/TT-BTP; việc theo dõi thi hành pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, toàn diện có trọng tâm, trọng điểm, qua đó nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; đưa công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đi vào nề nếp, góp phần tích cực trong quản lý, điều hành công tác tại địa phương. Kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; dạy thêm, học thêm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; những vướng mắc, bất cập trong phối, kết hợp giữa các ngành, những khoảng trống hoặc chồng chéo trách nhiệm giữa các ngành liên quan trong quá trình triển khai; kiến nghị các biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.

Phạm vi thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật bao gồm các lĩnh vực: khám bệnh, chữa bệnh; dạy thêm, học thêm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật là xem xét, đánh giá tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết; đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật; đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật.

Hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật bao gồm các hoạt động sau:

- Thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật; thu thập thông tin từ báo cáo của các cơ quan nhà nước về tình hình thi hành pháp luật (đặc biệt chú ý các dạng vi phạm, số lượng vi phạm được phát hiện, số lượng vi phạm đã được xử lý, các hình thức xử lý); thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân phản ánh, cung cấp.

- Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo và một số UBND các huyện tổ chức kiểm tra liên ngành theo kế hoạch về tình hình thi hành pháp luật nhằm kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong thi hành pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; dạy thêm, học thêm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra tình hình thi hành pháp luật theo yêu cầu theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan, địa phương mình. Đối tượng kiểm tra liên ngành: Tiến hành kiểm tra tại một số cơ quan nhà nước; bệnh viện, trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

- Điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND một số huyện tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật đối với một số vấn đề và đối tượng cụ thể thông qua phiếu khảo sát, tọa đàm, phỏng vấn trực tiếp và các hình thức phù hợp khác. Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Khoa học và công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện tổ chức điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật của cơ quan, địa phương mình.

- Xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật: Trong quá trình thu thập thông tin, kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, nếu phát hiện những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo kịp thời xử lý theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tư pháp tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; dạy thêm, học thêm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật đối với một số vấn đề và đối tượng cụ thể thông qua phiếu khảo sát, tọa đàm, phỏng vấn người có liên quan trực tiếp; thu thập thông tin về tình hình thực hiện pháp luật từ báo cáo của các cơ quan, đơn vị; kết quả của các đoàn kiểm tra, kết quả điều tra, khảo sát và các thông tin khác.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung yêu cầu trong Kế hoạch.

                                                                   Nguyễn Oanh