Báo cáo dẫn đề của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật do ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng trình bày đã nêu rõ những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế, vướng mắc và đề xuất giải pháp trong quản lý nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật (THPL) và trong tổ chức theo dõi THPL đối với lĩnh vực trọng tâm, liên ngành thời gian qua. Nhiều vấn đề về thể chế cần được nghiên cứu, tháo gỡ, ví dụ như: Về xác định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong vai trò giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước, cũng như vai trò, trách nhiệm của từng Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác này; về trách nhiệm xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; về huy động nguồn lực và sự tham gia của các thiết chế khác trong công tác theo dõi THPL…
Hội thảo đã được nghe tham luận của đại diện Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn, TP. Hải Phòng, Viện Khoa học pháp lý, cũng như ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện Vụ Pháp chế và các Sở Tư pháp có đại diện tham dự Hội thảo. Với các ý kiến phát biểu thẳng thắn, sâu sắc, Hội thảo thực sự là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các nhà hoạt động thực tiễn trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác theo dõi thi hành pháp luật và đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tại Hội thảo này, ông Matsumoto Takeshi, Cố vấn trưởng Dự án JICA tại Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm về thực tiễn xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật tại Nhật Bản. Ông Cố vấn trưởng đã nêu những vấn đề lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá khứ và hiện tại về nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật. Những chia sẻ của Ông Matsumoto Takeshi đã mang lại nhiều thông tin hữu ích và thiết thực cho hoạt động theo dõi thi hành pháp luật của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cũng như tầm nhìn mang tính chiến lược cho công tác này trong thời gian tới.
Với một ngày làm việc tích cực, sôi nổi, Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin thiết thực về lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật. Những đề xuất được các đại biểu đưa ra là nguồn tham khảo có giá trị khoa học, góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết khách quan của thiết chế này trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, những luận giải, kiến nghị của các đại biểu dự Hội thảo là căn cứ quan trọng để Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai hoặc kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ghi nhận ý kiến của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật là những vấn đề ngày càng được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, triển khai thực hiện. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó có quy định về nội dung, phạm vi và trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, theo dõi thi hành pháp luật cần tiếp tục được Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu để từ đó đề xuất giải pháp đồng bộ, đổi mới, mang tính đột phá nhằm cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật