Bộ Tư pháp ban hành Thông tư quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật

18/09/2015

Thực hiện quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC), Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương triển khai công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác theo dõi thi hành pháp luật, trong đó có việc xây dựng Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 06 tháng và hàng năm, Báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật hàng năm và theo chuyên đề, lĩnh vực. Tuy nhiên, qua quá trình tổng hợp, xây dựng Báo cáo gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thấy, một số nội dung trong các Đề cương báo cáo chưa phù hợp, chưa được “biểu mẫu hóa”, chất lượng Báo cáo xây dựng còn dàn trải, thiếu sự phân tích, đánh giá toàn diện, đầy đủ.

   

Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên đồng thời thiết lập chế độ báo cáo hoàn chỉnh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, ngày 31/8/2015 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 10/2015/TT-BTP quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2015).

Thông tư  nêu trên gồm 08 Điều và 02 Phụ lục, bao gồm: (i) Phụ lục 1 - Mẫu đề cương Báo cáo và các biểu mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (gồm 05 bảng biểu); (ii) Phụ lục 2 - Mẫu đề cương Báo cáo và các biểu mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (gồm 05 bảng biểu). Để khắc phục sự dàn trải về nội dung, giảm bớt “gánh nặng” báo cáo cho các Bộ, ngành, địa phương, song vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, Thông tư chỉ quy định về những nội dung, thông tin số liệu chủ yếu, thật sự cần thiết đối với 02 lĩnh vực nêu trên. Ngoài ra, để tránh tình trạng trùng lặp, dẫn đến sai lệch về số liệu khi tổng hợp, Thông tư quy định: (i) cơ quan được quản lý theo hệ thống ngành dọc (ví dụ: Hải quan, Thuế…) thì số liệu báo cáo được tổng hợp theo ngành dọc và do Bộ quản lý trực tiếp tổng hợp số liệu, gửi Bộ Tư pháp và (ii) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không tổng hợp số liệu của các cơ quan được quản lý theo hệ thống ngành dọc trong báo cáo gửi Bộ Tư pháp.

Thông tư số 10/2015/TT-BTP được ban hành là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chính xác về thông tin, số liệu, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở nước ta  thời gian tới./.

Cục QLXLVPHC và TDTHPL