Gần đây xã hội xôn xao trước câu chuyện cặp song sinh ra đời từ tinh trùng
của người bố đã mất. Tình yêu của chị Hoàng Thị Kim Dung dành cho người chồng
không may và khao khát có những đứa con chung của hai người làm xã hội cảm
động. Tuy vậy, câu chuyện này lại làm nảy sinh một vấn đề pháp lý khi tên của
người cha đã mất không thể được ghi trong giấy khai sinh của đứa trẻ.
Vai trò và nguyên tắc thi hành luật pháp
Không chỉ dừng lại ở một trường hợp mà pháp luật chưa kịp bao quát. Sự việc này
cần được nhìn nhận ở một góc độ rộng lớn hơn: Vai trò và nguyên tắc thi hành
luật pháp trong xã hội.
Văn bản pháp luật mới nhất quy định về việc sinh con theo phương pháp khoa
học là Nghị định 12 ban hành năm 2003, một nghị định ra đời từ 10 năm trước.
Theo nghị định này, người có khả năng được phép thụ tinh nhân tạo bao gồm các
cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân. Trong trường hợp nhận tinh trùng,
người phụ nữ chỉ có thể nhận tinh trùng từ một người đàn ông vô danh, và đứa
trẻ không có quyền hưởng thừa kế từ người cha (theo lý thì đứa trẻ không thể biết
cha của mình).
Trong trường hợp của chị Dung, chị được coi là phụ nữ độc thân (theo quy
định thì hôn nhân chấm dứt khi chồng chị qua đời), chị sinh con bằng phương
pháp khoa học nhưng lại không cần xin tinh trùng (vì tinh trùng từ chồng chị),
đứa con không thể bị gọi là con ngoài giá thú (vì cha của đứa bé đã xác định).
Rất rõ ràng, trường hợp của chị Dung rơi vào một khoảng trống mà pháp luật
chưa hề tính toán tới: đứa trẻ được thụ tinh và ra đời sau khi cha của chúng đã
chết.
Nhìn từ góc độ nhân văn, mong muốn có con, và đứa con mang họ cha, trở thành
người thừa kế tài sản hợp pháp của cha là một nguyện vọng chính đáng không chỉ
của người phụ nữ mà chắc chắn cả của người đã mất. Tuy vậy, hạn chế của pháp
luật lại trở thành rào cản cho việc đáp ứng những nguyện vọng chính đáng này.
Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta cần nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?
Xét trong trường hợp cụ thể này, những công nghệ về sinh sản đã đặt ra những
bài toán khó khăn cho cả đạo đức xã hội lẫn pháp luật. Trước những nguy cơ về
sự phát triển của các hoạt động mang thai hộ, buôn bán tinh trùng, sinh sản vô tính
... thì sự ban hành các điều luật mới cần tính toán được những hậu quả phát
sinh một cách thận trọng.
Hãy thử tưởng tượng câu chuyện theo một hướng khác, sẽ ra sao nếu người chồng
đã qua đời kia không hề muốn có thêm một đứa con nào khác? Sẽ ra sao nếu anh
chỉ muốn để lại tài sản cho đứa con đầu lòng của mình? Sẽ ra sao nếu trước khi
qua đời, anh đang định ly hôn với người vợ hiện thời mà chưa kịp thực hiện?
Xác định cha của đứa trẻ không khó, nhưng xác định rằng người đã khuất có
thực sự muốn có con hay không thì chẳng phải là một câu chuyện đơn giản.
Những điều được làm và không được làm
Mở rộng câu chuyện về pháp luật, chúng ta nhận thấy rằng trong sự phát triển
nhanh chóng của cả xã hội, rất khó để các văn bản pháp luật có thể bao quát
được mọi trường hợp diễn ra trong xã hội. Điều này khiến cho chúng ta cần phải
đặt vấn đề về cách nhìn nhận đối với pháp luật và cách thực thi pháp luật.
Liệu người dân có được quyền làm những điều mà pháp luật không cấm, hay chỉ
được phép làm những điều mà pháp luật quy định? Đây là câu hỏi lớn đặt ra đối
với cả xã hội và những người làm luật hiện nay.
Nếu chỉ được làm những điều mà pháp luật quy định, pháp luật sẽ trở thành sự
kìm hãm các tiến bộ của xã hội. Người đồng tính chưa thể kết hôn, người dân
chưa thể biểu tình, có những dịch vụ không thể đăng ký chỉ là một vài ví dụ cho
sự hạn chế của việc áp dụng các điều luật theo kiểu này.
Xét riêng trường hợp sinh con bằng phương pháp khoa học, sẽ ra sao nếu một
người tử tù muốn gửi tinh trùng ra ngoài để vợ mang thai hay một người lính
muốn gửi tinh trùng về cho vợ (khi anh không đảm bảo những tháng ngày nghỉ phép
ít ỏi của anh có thể giúp vợ mình mang thai) trong khi pháp luật mới chỉ cho
phép những cặp vợ chồng vô sinh có thể có con.
Một cách rất rõ ràng, pháp luật không thể quy định tất cả những điều người
dân được phép làm, vì những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn quá rộng lớn. Không
phải tất cả mọi hành vi của con người đều có khả năng gây hại cho xã hội, và
thực tế thì những hành vi có khả năng gây hại luôn ít hơn rất nhiều so với
những hành vi vô hại.
Chính vì vậy thay vì tập trung vào xây dựng những điều mà "người dân
được phép làm", pháp luật cần tập trung vào hoàn thiện những điều
"người dân không được làm".
Trong thời đại phát triển nhanh chóng của Internet và các mạng xã hội, của
các ngành khoa học công nghệ, tư duy "không quản được thì cấm" chỉ
thể hiện sự yếu kém về năng lực và chối bỏ trách nhiệm của các nhà quản lý.
Cần một cơ chế linh hoạt hơn
Trong sự việc về giấy khai sinh cho hai đứa bé được sinh ra từ tinh trùng người
cha đã mất, chính ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, đã thừa nhận
rằng đây là một "khoảng trống pháp luật" do thực tiễn đã đi trước khả
năng điều chỉnh của pháp luật (theo VietNamNet). Những khoảng trống pháp luật
như vậy còn nhiều và sẽ còn có thêm nhiều những "khoảng trống" như
vậy.
Cho dù pháp luật có chi tiết đến đâu, có công bằng đến đâu thì vẫn cần có
những phán quyết, chỉnh sửa từ con người. Không phải tất cả kẻ giết người đều
cần tử hình, đó là lý do mà ai đó chỉ có tội sau khi đã được xét xử và phán
quyết bởi quan toà.
Cần có một cơ chế linh hoạt hơn, nhân văn hơn và dân chủ hơn cho việc áp dụng
và thi hành luật pháp tại Việt Nam.
Trong trường hợp của chị Dung và hai đứa con sinh đôi, toà án địa phương cần có
thẩm quyền quyết định cha của đứa bé sau khi đã xem xét đến các yếu tố luật
pháp, nhân văn cũng như các bằng chứng khoa học.
Hãy để pháp luật là công cụ phục vụ xã hội chứ không phải là cái khung cản
trở sự phát triển của con người.
Hoàng Đức Minh