Đây là một trong những lần hiếm hoi, thanh tra ở một bộ có thể ra kết luận rõ ràng, mạnh tay với sai phạm của một cơ quan đồng cấp trong ngành. Nhưng dù thế nào, kết luận trên đã vén lên một bức tranh khá đen tối về việc thử nghiệm phân bón, cấp giấy chứng nhận về hợp quy chuẩn, chất lượng cho hàng ngàn sản phẩm của hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón ở nước ta hiện nay. Những kết luận về sai phạm cụ thể của từng đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định được làm những việc trên thật khó tin: Có những đơn vị chứng nhận cho cả những sản phẩm ngoài phạm vi được chứng nhận - tức là chỉ cho ông chứng nhận cái cốc, nhưng ông lại chứng nhận cho cả bộ bàn ghế. Có đơn vị không có phòng thử nghiệm hay phòng thử nghiệm đạt chuẩn cũng chứng nhận bừa bãi. Rồi thì giả mạo hồ sơ để đăng ký được chỉ định chứng nhận, lập khống hồ sơ chứng nhận hợp quy, giả mạo chữ ký để lập hồ sơ chứng nhận hợp quy phân bón... không việc sai trái gì không làm.
Câu chuyện này đặt ra dấu hỏi lớn: Nhà nước còn duy trì điều kiện kinh doanh, giấy phép với một số ngành, lĩnh vực đặc thù cũng là để bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ sản xuất... của người dân và doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế như ở ngành phân bón, đặt ra giấy phép, điều kiện rồi nhưng tất cả các cơ sở được chỉ định, cấp phép đều vi phạm, khiến giấy phép, điều kiện đó vô hiệu, nông dân vẫn phải chịu thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể do phân bón giả, kém chất lượng tràn lan (mà vẫn được cấp giấy chứng nhận hợp quy, đảm bảo chất lượng). Nông dân thì chịu cảnh mùa màng thất bát: Lúa lép, ngô trổ bắp mà không hạt... do phân bón kém chất lượng tràn lan gây ra, nói chung là "lĩnh đủ" do việc cấp giấy chứng nhận hợp quy bừa bãi của các cơ sở được Cục Trồng trọt chỉ định. Phân bón kém chất lượng, thậm chí là phân bón giả, còn ngấm vào mạch nước ngầm, làm bạc mầu đất đai... hậu quả tính đến cả trăm năm. Ấy thế nhưng, các cơ sở đó vẫn có lợi nhuận, vẫn "ăn đủ"... Vì sao ? Vì bản chất, họ được chỉ định cấp chứng nhận khi chưa đủ năng lực, chưa đủ máy móc, máy móc không đạt chuẩn... nhưng vẫn cấp chứng nhận bừa, đóng dấu, ăn tiền. Cơ quan quản lý cũng "ăn đủ" vì bán quyền, ăn tiền. Còn cơ quan chỉ định, cấp phép cho các cơ sở được quyền chứng nhận đó thì sao? Họ cũng làm trái luật khi cấp xong, theo như kết luận thanh tra, nhiều năm không đi giám sát, kiểm tra xem cơ sở được họ chỉ định có thực hiện thử nghiệm, cấp chứng nhận đúng không. Như Cục Trồng trọt, đã buông lỏng hoàn toàn, kể cả khi năm 2014, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã yêu cầu chấn chỉnh.
Trả lời báo Dân trí chiều ngày 12/5/2016, Thanh tra Bộ NN& PTNT tuyên bố sẽ làm đến cùng trong việc xử lý các cán bộ, cá nhân có sai phạm liên quan, thậm chí chuyển cơ quan công an khởi tố nếu có dấu hiệu vi phạm về hình sự. Điều đó là rất tích cực. Chứng tỏ Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đang quyết tâm chấn chỉnh tình trạng quản lý trong ngành và đáng hoan nghênh. Nhưng nhìn rộng ra, không chỉ Bộ NN&PTNT, còn có bao nhiêu bộ, ngành với hàng trăm cục, vụ, viện được quyền cấp phép, cấp đăng ký... Các điều kiện được cấp phép, đăng ký trong nhiều ngành: Chăn nuôi, thực phẩm, dược phẩm... đều rất ngặt nghèo. Nhưng thực tế, ở nhiều ngành, lĩnh vực, tình trạng vi phạm chất lượng, vệ sinh thực phẩm, vi phạm các qui chuẩn, tiêu chuẩn... đầy rẫy, thì cũng vẫn là câu chuyện "bán quyền, ăn tiền". Giấy phép vẫn cấp, nhưng quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, kinh doanh... vẫn vi phạm nghiêm trọng ở các mức độ khác nhau, ảnh hưởng tệ hại đến sức khỏe, an toàn... của người dân, đến môi trường thì có bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm tra cho xuể cho nên, có lẽ, cần phải có một cách tiếp cận khác, thay đổi cách thức quản lý của toàn bộ hệ thống nhà nước, cho những câu chuyện này. Một cơ quan điều hành không nên là một cơ quan cấp phép bởi nó sẽ tạo nên những xung đột lợi ích và thiếu minh bạch mà chúng ta đã thấy ở rất nhiều bộ, ngành hiện nay.
GP.