Hội thảo góp ý báo cáo nghiên cứu, đề xuất một số nội dung sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992

Hội thảo góp ý báo cáo nghiên cứu, đề xuất một số nội dung sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992

Trong khuôn khổ hoạt động của UNDP Dự án 58492, ngày 10/12/2012, Bộ Tư pháp phối hợp với Tổ chức UNDP - Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” tổ chức Hội thảo góp ý báo cáo nghiên cứu, đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 tại Đồ sơn, thành phố Hải Phòng, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số Bộ, ngành, địa phương nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo, với sự hỗ trợ của Dự án.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 đã phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo.  

Với sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, một nhóm chuyên gia độc lập trong nước đã nghiên cứu, đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, tổng hợp thành Báo cáo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Hiến pháp năm 1992, tập trung vào một số nội dung chính như nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 về tổ chức bộ máy nhà nước trung ương trong nhà nước pháp quyền; về chính quyền địa phương; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về cơ chế xử lý vi phạm Hiến pháp và cơ quan kiểm toán nhà nước; về kỹ thuật lập hiến.

Báo cáo nghiên cứu cho thấy nhóm nghiên cứu đã nhận thức rõ tư tưởng nhà nước pháp quyền cần được coi là một trong những nguyên tắc xuyên suốt trong quy định của Hiến pháp. Một nhà nước được xác định là nhà nước pháp quyền khi nhà nước đó được tổ chức và vận hành theo một số nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước; tính tối cao của Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân phải triệt để tuân thủ pháp luật; có cơ chế bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ triệt để các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm việc giải quyết các tranh chấp chủ yếu bằng con đường tòa án; trách nhiệm và nghĩa vụ giải trình của cơ quan nhà nước…Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này phải đổi mới kỹ thuật lập hiến để bảo đảm Hiến pháp đúng nghĩa là một đạo luật gốc, có tính ổn định lâu dài.

Hội thảo đã được nghe các báo cáo tham luận của đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu liên quan đến một số vấn đề lớn như về cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; về nguyên tắc độc lập tư pháp và chế định tòa án; về chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về chế định chính quyền địa phương; cơ chế xử lý vi phạm Hiến pháp và về kỹ thuật lập hiến. Sau các bài tham luận là trao đổi của đại biểu đến từ một số Bộ, ngành, đại diện UBND, Sở Tư pháp địa phương, một số đơn vị thuộc Bộ, trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa luật Đại học Quốc gia, Văn phòng Luật sư và nhiều chuyên gia pháp luật khác. Hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận một số vấn đề liên quan khác và dự kiến bế mạc vào ngày 11/12/2012./.