Diễn đàn đối tác pháp luật năm 2012: Tăng cường cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam

Diễn đàn đối tác pháp luật năm 2012: Tăng cường cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam

Ngày 12/12, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UNDP tổ chức Diễn đàn đối tác pháp luật năm 2012 với chủ đề “Tăng cường cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”. Ông Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tham dự và phát biểu khai mạc tại Diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện một số Bộ, ngành ở Trung ương, một số Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo luật, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân một số tỉnh, thành phố; các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp… Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam và ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt Chính phủ Việt Nam đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn về sự tin tưởng, hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm của bạn bè trên thế giới, trong khu vực và các tổ chức quốc tế đã góp phần giúp Việt Nam vượt qua khó khăn trước mắt hiện nay. Bộ trưởng khẳng định: điều Việt Nam cần không chỉ dừng lại ở các nguồn vốn hỗ trợ, mà quan trọng không kém là sự tư vấn, đối thoại chính sách từ các đối tác phát triển, những quốc gia đi trước trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hợp tác quốc tế. Diễn đàn đối tác pháp luật với vai trò và vị thế là một thiết chế thường niên trong đối thoại phát triển của Việt Nam nói chung và cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam nói riêng sẽ góp phần thổi làn gió mới vào khuôn khổ và phương thức hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài.

Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện công tác điều phối hợp tác pháp luật và tư pháp, Bộ Tư pháp cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Liên hợp quốc duy trì và phát triển Diễn đàn đối tác pháp luật thành một kênh đối thoại cởi mở, trên tinh thần xây dựng vì sự phát triển, góp phần hỗ trợ việc hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp cũng như cung cấp thêm thông tin về những cơ hội kinh doanh và đầu tư ngày một mở rộng ở Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã nghe đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trình bày về tình hình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp và chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2012-2016; đại diện Ủy ban Pháp luật chia sẻ những thông tin mới nhất về tiến trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992, những kết quả đã đạt được tính đến thời điểm này. Diễn đàn cũng đã thảo luận về một số thành tựu đạt được trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp ở ngành Tư pháp cũng như những thách thức mà ngành Tư pháp cần phải giải quyết nhằm ban hành và thực hiện các chương trình tổng thể, chương trình hàng năm để góp phần thực hiện thành công Chiến lược cải cách tư pháp.

Trong hơn 7 năm qua, cải cách tư pháp và pháp luật ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh hàng năm đã được thực hiện nghiêm túc, thể hiện qua một số lượng khá lớn văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, sửa đổi, bổ sung góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội ngày càng đa dạng và có nhiều biến đổi. Nhiều chương trình, đề án cải cách tư pháp đã được xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó có các đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án, cơ quan điều tra, phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng nhu cầu hội nhập, thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại…

Trong bài phát biểu đồng khai mạc diễn đàn, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất hoan nghênh việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết quy định khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho quá trình tham vấn ý kiến của người dân đối với vấn đề sửa đổi Hiến pháp”. UNDP đánh giá cao vai trò chủ động của báo chí cũng như Ban Soạn thảo Hiến pháp sửa đổi trong quy trình tham vấn ý kiến này cũng như công tác nâng cao nhận thức và giáo dục người dân về những giá trị và tầm quan trọng của Hiến pháp, các đề xuất trong dự thảo và việc lắng nghe ý kiến của người dân.

Diễn đàn đối tác pháp luật đã được Bộ Tư pháp và UNDP đồng sáng kiến và đồng tổ chức thành công thường niên từ năm 2004 đến nay với sự gia tăng đáng kể về quy mô và chất lượng. Đặc biệt, với sự ra đời của Nghị định 78/2008/NĐ-CP ngày 17/7/2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác pháp luật với nước ngoài, Diễn đàn đối tác pháp luật đã được chính thức công nhận với vai trò và vị thế là một thiết chế thường niên trong đối thoại phát triển của Việt Nam nói chung và cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam nói riêng.

Suốt 8 năm qua, Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan của Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển trao đổi, ghi nhận những thành tựu nổi bật nhất về các hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật của Việt Nam hàng năm; đánh giá, tổng hợp những kết quả hợp tác đã đạt được và định hướng kế hoạch hợp tác trong thời gian tiếp theo để sự hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam đạt được hiệu quả cao nhất, góp phần hỗ trợ việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam cũng như cung cấp thêm thông tin về chính sách và pháp luật của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế. Với sự tham gia đông đảo của đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các đối tác phát triển, Diễn đàn đã góp phần củng cố và làm khăng khít hơn mối quan hệ điều phối giữa các cơ quan Chính phủ Việt Nam với nhau, giữa các cơ quan Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, cũng như giữa các nhà tài trợ với nhau trong lĩnh vực hợp tác pháp luật.