Phiên làm việc của Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Phiên làm việc của Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Chiều 15/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo hướng sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới.

 

Đây là nội dung quan trọng trong kỳ họp thứ tư, được truyền hình và phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cùng theo dõi, giám sát.

Các đại biểu Quốc hội thống nhất cao: Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp, vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với các yêu cầu, quan điểm và phạm vi nội dung sửa đổi mà Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định, đồng thời góp ý cụ thể về các chương, điều trong dự thảo về: Các nội dung sửa đổi, bổ sung, quy định mới; các vấn đề đang còn ý kiến khác nhau; bố cục, thứ tự sắp xếp, ngôn ngữ thể hiện...

Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo đã làm rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Đồng thời, đề xuất một số sửa đổi để thể hiện đầy đủ hơn bản chất của Đảng.

Đại biểu Doãn Thế Cường (Hưng Yên) đề nghị sửa lại đoạn thứ 2 trong Điều 4 Dự thảo: Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những chủ trương, quyết định của mình.

Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) đề nghị khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo “duy nhất” Nhà nước và xã hội trong quy định tại Điều 4.

Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bổ sung một số quyền mới phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người.

Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng, Dự thảo sửa đổi đã đề cập, bổ sung đầy đủ và tương đối chặt chẽ về các quyền con người như quyền sống, quyền học tập, quyền có nơi ở... Tuy nhiên, theo đại biểu, Hiến pháp cần quy định về một số nội dung hết sức quan trọng được cử tri quan tâm chú ý là quyền được đảm bảo đất ở, đất sản xuất.

Các đại biểu tán thành quan điểm tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh và Hiến pháp năm 1992. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Dự thảo đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo về bản chất dân chủ, về phạm vi và phương thức thực hiện dân chủ nhân dân, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, cần nghiên cứu để diễn đạt thật sâu sắc, khẳng định tiếp tục thể chế hóa sâu sắc hơn chủ chương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm bảo vệ quyền con người, đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân, khẳng định tôn trọng quyền con người gắn với quyền và lợi ích của dân tộc.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Các đại biểu thống nhất với quan điểm quyền con người nên được Hiến pháp và pháp luật thừa nhận chứ không phải là quy định và không bị phương hại từ phía cơ quan công quyền. Còn quyền công dân gắn chặt với nghĩa vụ với nhà nước và xã hội, được quy định chặt chẽ trong Hiến pháp và pháp luật.

Về kinh tế, đại biểu Doãn Thế Cường cho rằng Dự thảo Hiến pháp đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế nhưng phải bổ sung mục đích, yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời cần khẳng định các thành phần kinh tế đều có vai trò quan trọng trong nền kinh tế chung. Nội dung quy định về kinh tế tập thể cần thể hiện rõ hơn để tương xứng với quy định về kinh tế Nhà nước.

Về thực thi quyền lực Nhà nước, đại biểu Huỳnh Nghĩa nhất trí với nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân, có sự phân công, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đại biểu đề nghị cần xác định rõ ràng địa vị pháp lý của Hội đồng nhân dân để Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực trong thực tế ở địa phương.

Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, chất lượng hoạt động hiệu quả của cơ quan lập pháp – Quốc hội – suy cho cùng là hiệu quả của các đại biểu Quốc hội. Vì vậy, Hiến pháp nên quy định khung về đại biểu Quốc hội, quy định chi tiết trong luật.

Theo đại biểu Ya Duck (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Lâm Đồng), Điều 76 của Dự thảo quy định Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân là chưa đủ mà cần phải có quy định về quyền phủ quyết của nhân dân.

Nhằm bảo đảm khả năng thực thi của Hiến pháp, đại biểu Huỳnh Nghĩa tán thành với quy định thành lập Tòa án Hiến pháp và Hội đồng Bảo hiến. Theo đại biểu, đây là bước tiến mới, cần phải làm ngay, cơ quan này cần được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng mỗi quốc gia có mô hình cơ quan bảo hiến khác nhau, phụ thuộc vào thể chế chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước và điều kiện cụ thể. Ở nước ta, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội thuộc về Đảng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ cũng đã quy định rất chặt chẽ việc bảo đảm thực thi Hiến pháp và pháp luật. Cơ chế bảo hiến đã được thực hiện khá tốt bởi Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ... Do đó, không cần phải thành lập Hội đồng Bảo hiến.

Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) chỉ ra 4 vấn đề còn hạn chế (so với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về sửa đổi Hiến pháp) của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo đó, Dự thảo chưa thể hiện thật đầy đủ các quan điểm lớn có tính nguyên tắc như: Nâng cao vai trò độc tôn của Quốc hội trong việc lập hiến, lập pháp; chưa cụ thể các quyền của Quốc hội trong việc giám sát, điều hành Chính phủ; chỉ đề cập đến quan điểm phát triển kinh tế tập thể mà không đề cập đến vai trò của thành phần kinh tế này.

Ngày 16/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ (http://www.chinhphu.vn)