Hội thảo về nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992

Hội thảo về nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992

Ngày 28-29/5/2012, với sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” (do UNDP tài trợ), Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính) tổ chức Hội thảo về nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 tại Quảng Ninh, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện nhiệm vụ trong năm 2012 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992. Đây là hoạt động tiếp nối những hoạt động và kết quả của Giai đoạn 1 về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Ban Chỉ đạo.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, người phát ngôn cho Ban Chỉ đạo Tổng kết Hiến pháp năm 1992, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 đã phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo. Qua bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên có chỉ đạo một số vấn đề cần trao đổi sau:

Mặc dù việc tổng kết thi hành Hiến pháp trong thời gian rất ngắn và khẩn trương nhưng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nghiêm túc, tích cực tổ chức triển khai và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bước sang Giai đoạn 2 trong hoạt động của Ban Chỉ đạo cũng như của các Bộ, ngành, địa phương là giai đoạn nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 theo đúng kế hoạch hoạt động năm 2012 của Ban Chỉ đạo. Có thể nói, trọng tâm hoạt động của Ban Chỉ đạo trong giai đoạn này là tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động tham gia ý kiến với Đảng và Nhà nước trong suốt quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 một cách nghiêm túc, bảo đảm khách quan, khoa học, đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, thuyết phục.

Do vậy, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của các Bộ, ngành, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn sắp tới là phải tổ chức các hình thức nghiên cứu phù hợp, hiệu quả và bảo đảm huy động sự tham gia sâu rộng của các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học, các nhà quản lý và nhân dân vào quá trình nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Chính vì vậy, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Bộ Tư pháp chủ động tổ chức cuộc Hội thảo này nhằm trao đổi, tham khảo các ý kiến, nghiên cứu về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, tập trung vào 3 nội dung lớn là: chế định Chính phủ, chính quyền địa phương và quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.

Đối với 3 nội dung chính của Hội thảo này, qua tổng kết cho thấy, có nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành Hiến pháp năm 1992 liên quan đến quy định của Hiến pháp.

Về chế định Chính phủ, Hiến pháp chưa xác định rõ Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp; việc quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất cũng như các quy định về chức năng của Chính phủ tại Hiến pháp chưa phản ánh đúng, đầy đủ vị trí của Chính phủ trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước, chưa phản ánh được quá trình chuyển đổi tất yếu từ một Chính phủ “chấp hành” thụ động bằng mệnh lệnh hành chính trong nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp sang Chính phủ chủ động khởi xướng, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô trong Nhà nước pháp quyền và trong nền kinh tế thị trường.

Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN quy định tại Điều 2 chưa được thể hiện đầy đủ và nhất quán trong các chương, điều của Hiến pháp, Hiến pháp chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; chưa ghi nhận yếu tố “kiểm soát” trong nguyên tắc tổ chức quyền lực,…

Về chính quyền địa phương, mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay chưa hiệu quả do trong Hiến pháp vị trí của HĐND, UBND chưa được xác định rõ, mô hình tổ chức, hoạt động của các cấp chính quyền địa phương tương tự nhau dẫn đến cồng kềnh và chưa hợp lý, chưa có quy định về cơ chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương nên vai trò tự chủ của chính quyền địa phương chưa được phát huy; chưa có quy định riêng về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị và nông thôn phù hợp với đặc thù quản lý nhà nước ở mỗi loại địa bàn,...

Về quy định quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp hiện hành chưa có sự phân biệt giữa quyền con người và quyền công dân; chưa có cơ chế bảo đảm thực thi các quyền này một cách hiệu quả; nhiều quyền và tự do của công dân được thiết kế gắn với cụm từ “theo quy định pháp luật” đã gây khó khăn trong giải thích, xây dựng và thực thi các biện pháp đảm bảo quyền con người, quyền công dân, dễ dẫn đến hệ quả là các văn bản dưới luật có thể hạn chế quyền và tự do hiến định của công dân,...

Một vấn đề khác nữa là về kỹ thuật lập hiến, nội dung và cách thể hiện của Hiến pháp hiện hành còn nhiều hạn chế, cần có sự đổi mới tư duy và kỹ thuật lập hiến để đảm bảo Hiến pháp thực sự là đạo luật gốc, cơ bản, có tính lâu dài và ổn định cao.

Với mục đích huy động trí tuệ của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo này và hội thảo tiếp theo để lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu,... nhằm tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Tiếp theo là các tham luận của các chuyên gia trong việc nghiên cứu xây dựng pháp luật về một số vấn đề lớn như: Vị trí, chức năng của Chính phủ và vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992, Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại; Về thiết kế trong Hiến pháp các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, ngoài ra còn có các tham luận liên quan đến kinh nghiệm nước ngoài về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, chính quyền địa phương của nhóm chuyên gia Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp.  

Sau các bài tham luận là trao đổi của đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, Đại diện UBND, Sở Tư pháp địa phương, Học viện Tư pháp, trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện hành chính Quốc gia, Văn phòng Luật sư và nhiều chuyên gia pháp luật khác./. 

Đầu mối liên hệ: Chu Thị Thái Hà, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, điện thoại: 627395412, email: hactt@moj.gov.vn