Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ nhất năm 2012 "Hoàn thiện pháp luật về quyền con người"

Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ nhất năm 2012 "Hoàn thiện pháp luật về quyền con người"

Sáng ngày 23/5/2012, Bộ Tư pháp đã tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ nhất năm 2012 "Hoàn thiện pháp luật về quyền con người" trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam".

Với sự tham gia của khoảng 200 đại biểu Việt Nam và quốc tế, Diễn đàn do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên và Giám đốc Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc Setsuko Yamazaki đồng chủ trì. Đây là hoạt động thường xuyên chia sẻ thông tin về chính sách pháp luật theo chuyên đề đã được thực hiện phục vụ một cách hiệu quả công tác điều phối viện trợ và xây dựng chiến lược - một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Kế hoạch chung “Một Liên hợp quốc” được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc.

Diễn đàn tập trung vào đánh giá việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quyền con người. Như Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã nhấn mạnh trong lời khai mạc của mình, "Bảo vệ quyền con người là vấn đề Việt Nam đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác xây dựng, thực thi pháp luật về quyền con người còn một số hạn chế, tồn tại như chất lượng, hiệu quả các quy định về quyền con người của Việt Nam còn chưa đáp ứng được với nhu cầu của xã hội đang trong quá trình dân chủ hóa toàn diện và hội nhập quốc tế; việc thực thi các văn bản pháp luật trên thực tế còn chưa thực sự đảm bảo yêu cầu đặt ra. Do vậy, hoàn thiện và bảo đảm thực thi pháp luật về quyền con người là mục tiêu quan trọng trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam." Chia sẻ với Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, bà Setsuko Yamazaki cũng cho rằng xây dựng pháp luật và bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật trong nước và các Công ước quốc tế về quyền con người là xuất phát điểm quan trọng để bảo đảm quyền con người được thực hiện một cách đầy đủ và toàn diện.

 

Quyền con người trong mọi lĩnh vực, được coi là giá trị của nhân loại, phải được tôn trọng và bảo vệ bao gồm cả các quyền cần được đảm bảo bởi pháp luật, trong đó có pháp luật dân sự và tố tụng dân sự, hình sự và tố tụng hình sự như các quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do bầu cử, tham gia vào việc quản lý nhà nước và xã hội, quyền sống, quyền xin ân giảm hoặc thay đổi mức hình phạt, quyền không bị tra tấn, đối xử một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, không bị bắt làm nô lệ, quyền tự do và an toàn cá nhân, không bị bắt giữ và giam cầm vô cớ, quyền được phán quyết bởi tòa án hoặc cơ quan tài phán có thẩm quyền cho hành vi phạm tội, quyền bình đẳng trước tòa và cơ quan tài phán… Đồng thời các quốc gia phải tiến hành các biện pháp lập pháp cần thiết nhằm bảo đảm ngày càng đầy đủ các quyền con người được thừa nhận.

Tới đây, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế để bảo đảm việc thực thi pháp luật về quyền con người. Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo Quốc gia lần thứ nhất theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ toàn cầu (UPR) và chấp nhận thực hiện 93/123 khuyến nghị được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua tại Báo cáo Quốc gia của Việt Nam, trong đó có khuyến nghị cần hoàn thiện cơ chế bảo đảm việc thực thi quyền con người. Việc này thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề bảo đảm quyền con người. Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đang có kế hoạch sửa đổi Hiến pháp 1992, đây là cơ hội tốt để xem xét các vấn đề liên quan đến bảo đảm thực thi quyền con người và thảo luận về việc Hiến pháp cần được sửa đổi như thế nào để có thể hoàn thiện một bước cơ chế thực thi pháp luật về quyền con người tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đều ghi nhận trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về nhân quyền, trong đó có các công ước quan trọng nhất về nhân quyền như Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế - xã hội và văn hoá; Công ước CEDAW; Công ước về chống phân biệt chủng tộc... Tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế này thể hiện quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy và tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế về quyền con người,  được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Diễn đàn đã trao đổi chia sẻ một số vấn đề liên quan đến kết quả rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam về một số quyền dân sự chính trị; chia sẻ kết quả bước đầu về nghiên cứu, đánh giá tính tương thích của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; vai trò của Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện pháp luật về quyền con người và thực hiện các khuyến nghị UPR, và bình luận về thực tiễn thực hiện pháp luật về quyền con người tại Việt Nam.

Sửa đổi Hiến pháp 1992, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đảm bảo quyền con người

Hiến pháp năm 1992 đã dành Chương V (34 điều, từ Điều 49 đến Điều 82) quy định về các nguyên tắc cơ bản và các nội dung cụ thể về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên các lĩnh vực, ghi nhận khá đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người và công dân, thực sự đã tạo ra bước tiến quan trọng và tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển con người, thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này là nhằm thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người và bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cụ thể:

·Làm rõ, phân biệt quyền con người và quyền công dân. Xử lý hài hòa mối tương quan giữa quyền con người và quyền công dân.

·Thể hiện rõ hơn nội dung các quyền được quy định trong Hiến pháp; cụ thể hóa nội dung cơ bản và trình tự, thủ tục thực hiện của một số quyền dân chủ trực tiếp của công dân như quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; quyền thông tin, quyền hội họp hòa bình, quyền lập hội,...

·Nghiên cứu bổ sung một số quyền quan trọng cho phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với tình hình mới, như quyền sống, quyền không bị tra tấn, nhục hình, quyền phát triển, quyền sống trong một môi trường trong lành, quyền sống trong một môi trường hòa bình; quyền không bị xét xử hai lần về cùng một tội phạm, quyền được hưởng an sinh xã hội,...

·Bổ sung quy định về các trường hợp quyền công dân bị hạn chế hoặc tạm đình chỉ, theo hướng các quyền và tự do của con người và quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn bởi luật do Quốc hội ban hành và trong luật phải chỉ rõ phạm vi, thời hạn, điều kiện và thủ tục chặt chẽ.

·Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy việc thực hiện quyền con người, quyền công dân; thể hiện mối quan hệ đúng đắn giữa Nhà nước và công dân, giữa quyền con người, quyền công dân với chủ quyền nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

·Về kỹ thuật lập hiến: xây dựng lại cấu trúc của Chương quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; thay cụm từ “theo quy định của pháp luật” trong các điều quy định về quyền của công dân thành “theo quy định của luật”...

Về vai trò của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các khuyến nghị được Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) thông qua theo cơ chế Kiểm định kịnh kỳ (UPR), ông Bạch Quốc An, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bộ Tư pháp đã chia sẻ, cơ chế kiểm điểm định kỳ là một cơ chế thuộc Hội đồng Nhân quyền của LHQ, nhằm kiểm điểm việc thực hiện tổng thể các quyền con người ở mỗi quốc gia thành viên LHQ.  Ngày 24/9/2009, Hội đồng nhân quyền đã xem xét và nhất trí thông qua báo cáo của Nhóm làm việc về UPR của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 74 của LHQ hoàn thành một cách tốt đẹp nghĩa vụ kiểm điểm định kỳ tại Hội đồng. Theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện 07 khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cụ thể gồm:

· Rà soát, phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật quy định về quyền con người, tăng cường tính đồng bộ và thống nhất của các quy định này;

· Đảm bảo Bộ luật Hình sự 1999 và Luật Tố tụng hình sự 2003 phù hợp với cam kết của Việt Nam đối với các công ước quốc tế về quyền con người;

· Xem xét phê chuẩn Công ước quốc tế liên quan đến Quy chế của những người không có quốc tịch;

· Xem xét phê chuẩn Công ước quốc tế liên quan đến Quy chế Rôm về Tòa án hình sự quốc tế;

· Tham gia đối thoại với các chuyên gia quốc tế về phát triển luật pháp, trong đó rà soát, sửa đổi Bộ luật Hình sự nhằm hạn chế việc các thẩm phán và tòa án có cách diễn giải khác nhau về cùng một quy định;

· Sớm thông qua Luật tiếp cận thông tin.

Trong khuôn khổ hỗ trợ của Dự án "Tăng cường tiếp cận cộng lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam", hai báo cáo nghiên cứu về rà soát, phát hiện các mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật quy định về một số quyền dân sự chính trị và nghiên cứu, đánh giá tính tương thích của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Kết quả các nghiên cứu này sẽ hỗ trợ Bộ Tư pháp nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung thực hiện được một số khuyến nghị quan trọng mà Hội đồng nhân quyền LHQ kiến nghị như nêu ở trên.

Về khuyến nghị rà soát, phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về quyền con người, Báo cáo nghiên cứu bước đầu tập trung rà soát các quy định pháp luật liên quan đến 6 nhóm quyền cơ bản (tự do ngôn luận, báo chí và thông tin; tự do tôn giáo; quyền về quốc tịch; bầu cử; tham gia xây dựng, bảo vệ và quản lý đất nước; quyền bình đẳng trước pháp luật; và quyền tự do đi lại), các quyền và nhóm quyền khác sẽ tiếp tục được rà soát trong thời gian sắp tới. Báo cáo nghiên cứu đã đưa ra những phát hiện, kiến nghị quan trọng liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật về quyền con người.

Báo cáo rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền con người đưa ra các kiến nghị liên quan đến 6 nhóm quyền cơ bản như sau:

Về quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin:

·Đề xuất cần thiết ban hành Luật Tiếp cận thông tin;

·Đề xuất  tạo cơ chế để người dân tham gia bày tỏ quan điểm, góp ý xây dựng đất nước bằng các hình thức đa dạng, phong phú hơn mạng xã hội, internet...

Về  quyền về tự do tôn giáo

·Đề xuất sửa đổi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo 2004 và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, tập trung vào những nhóm quy phạm như: bổ sung các quy định cụ thể về pháp nhân;sửa đổi, cụ thể hóa tiêu chí công nhận đối với các tổ chức tôn giáo;  bổ sung các quy định điều chỉnh các loại hình hoạt động tôn giáo chưa được quy định trong Nghị định 22  nhằm bảo đảm trật tự chung...

·Đề xuất sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính đối với những hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật.

Về  quyền về quốc tịch

·Đối với người không quốc tịch, cần nghiên cứu để có thể đơn giản hóa các điều kiện và trình tự thủ tục gia nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch trong các trường hợp có thể, đồng thời giảm bớt và loại bỏ dần các khoản chi phí liên quan đến việc gia nhập quốc tịch.

·Đối với nhóm người tị nạn, Việt Nam nên nội luật hóa các quy định pháp lý quốc tế đối với quyền cư trú và nhập quốc tịch của nhóm người này.

Về quyền bầu cử

·Đề xuất một số nội dung cần xem xét sửa đổi Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội 1997 và Điều 65 Luật Bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân 2003 trong các nội dung: vấn đề hiệp thương trong giới thiệu người ứng cử; việc hủy bỏ kết quả bầu cử theo đơn vị bầu cử; vấn đề bầu cử thêm; danh sách cử tri trong cuộc bầu cử thêm và bầu cử lại…

Về  quyền tham gia xây dựng, bảo vệ và quản lý đất nước

·Đề xuất  xây dựng Luật về trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân đối với các vấn đề hệ trọng của quốc gia là một hình thức dân chủ trực tiếp ở mức cao nhất được đề cập lần đầu tiên tại Điều 21 và Điều 32 Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) tại Điều 53 và Điều 84 cũng đã tái ghi nhận vấn đề trưng cầu ý dân cũng như ghi nhận quyền của công dân được biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện vấn đề này, khiến quy định của Hiến pháp 1992 mang nặng tính hình thức. Vì vậy, để việc thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân ở nước ta được triển khai trên thực tế thì đã đến lúc cần ban hành một đạo luật về trưng cầu ý dân.

·Các đề xuất liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp như:  bổ sung quy định về quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp; sửa đổi Điều 53 Hiến pháp 1992 liên quan đến quy định công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương.

Về quyền bình đẳng trước pháp luật

·Đề xuất bổ sung cơ chế thực thi và giám sát vào tất cả các văn bản luật, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những chủ thể tổ chức thực thi và những chủ thể tham gia giám sát. Trong lĩnh vực này, Luật Bình đẳng giới năm 2006 có thể được xem là một bước tiến ban đầu. Ngoài ra, cần đề cao vai trò của các tổ chức xã hội trong việc tham gia thực thi cũng như giám sát thực thi quyền – nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.

·Đề xuất về nguyên tắc bảo hiến và một cơ chế thực thi, giám sát đi kèm để xử lý các trường hợp luật pháp ban hành không đảm bảo quyền – nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.

Về quyền tự do đi lại, cư trú

·Đề xuất xây dựng một đạo luật mới về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú để điều chỉnh chung với công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam. 

·Đề xuất nhằm hoàn thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú

Về Nghiên cứu đánh giá tính tương thích của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho rằng, việc làm hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế nói chung và với yêu cầu của các điều ước quốc tế về quyền con người nói riêng là hết sức cần thiết không chỉ để thực hiện đầy đủ hơn các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết mà còn là đòi hỏi của thực tiễn trong nước nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân theo tinh thần các Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Để thực hiện chủ trương này, trong khuôn khổ đánh giá tính tương thích, 11 Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên đã được nghiên cứu, so sánh với các quy định trong nước (Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (năm 1948); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966); Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (năm 1979); Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (năm 1955); Công ước về quyền trẻ em (năm 1989) và Nghị định thư chống buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em bổ sung cho Công ước; Công ước về lao động cưỡng bức (năm 1930); Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng (năm 1948); Công ước về không áp dụng thời hiệu tố tụng với tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại (năm 1968);  Công ước về xóa bỏ các hình thức tồi tệ lao động trẻ em; và Công ước về tuổi lao động tối thiểu (năm 1973).

Rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ thống pháp luật, như các đại biểu đã thừa nhận, mới chỉ là bước khởi đầu trong việc bảo đảm thực thi các quyền con người được quy định trong các Công ước của LHQ. Vấn đề là cần có cơ chế bảo đảm thực thi và giám sát việc thực thi các quyền đó trên thực tiễn.

Ông Nicholas Booth, chuyên gia tư vấn về pháp quyền của UNDP đã cung cấp một số thông tin, số liệu về việc thực hiện một số quyền trên thực tế, trong đó có các quyền bào chữa và được bào chữa tại tòa án. Số lượng các bị cáo, bị can có luật sư bảo vệ trước tòa còn thấp. Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng có sự lạm dụng quyền bào chữa làm phương hại đến việc thực hiện quyền bào chữa của luật sư (thuyết phục người tình nghi từ chối mời luật sư, không cho luật sư đủ thời gian để trao đổi hoặc không cho phép luật sư được trao đổi riêng tư với thân chủ của mình.....) Chia sẻ với ý kiến của đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Booth cũng cho rằng các cơ quan tăng cường quyền bào chữa bao gồm việc bỏ quy định về giấy chứng nhận quyền bào chữa.

Qua các báo cáo và ý kiến đóng góp, kết luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết: Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về quyền con người, có nghiên cứu kỹ lưỡng các Công ước quốc tế để nội luật hóa vào pháp luật trong nước. Tuy nhiên, có những vấn đề mà các bạn quốc tế đã phát hiện và có những khuyến nghị rất xác đáng, Việt Nam đã ghi nhận, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện pháp luật của mình về quyền con người và hơn nữa để tập trung sâu hơn và sát sao hơn vào công tác thực thi pháp luật về quyền con người trên thực tế để người dân Việt Nam có thể được hưởng một cách đầy đủ "các giá trị nhân loại" của mình.

Nguyễn Minh Phương - Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp