Nghiên cứu về vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác giám sát việc thi hành pháp luật

Nghiên cứu về vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác giám sát việc thi hành pháp luật

 

Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 18 tháng 12 năm 1986 có ghi “Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng nhất là Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội liên hiệp nông dân tập thể... Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng, hướng mạnh về cơ sở, thu hút đông đảo nhân dân vào các phong trào cách mạng. Xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể và tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa, củng cố liên minh công nông và chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo. Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và bảo đảm quyền công dân; chống tệ quan liêu cửa quyền, ức hiếp quần chúng trong bộ máy lãnh đạo và quản lý các cấp. Thực hiện có nền nếp khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; tất cả vì dân và do dân. Động viên và tổ chức quần chúng tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tham gia các hoạt động cải cách kinh tế. Thông qua phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo và rèn luyện con người mới, xây dựng những tập thể lao động mới, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”.

Có thể nói, khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã trở thành phương châm hành động của các cơ quan, tổ chức của Đảng, các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong suốt một thời gian dài cho đến hiện nay. Phương châm hành động này luôn được nhấn mạnh và khẳng định tại các nghị quyết, báo cáo chính trị của Đảng trong các kỳ Đại hội VII, VIII, IX, X và XI sau này. Phương châm hành động này không chỉ phát huy tính dân chủ của nhân dân trong xã hội mà còn góp phần nâng cao hiệu quản lý nhà nước đối với các mặt của đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế, xã hội phát triển mạnh mẽ, tạo nên những thách thức không nhỏ đối với hoạt động quản lý nhà nước.

Trong hoạt động quản lý nhà nước về thi hành pháp luật, ngày 22/8/2008 Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và giao Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật, với hai nhiệm vụ cụ thể là theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước; hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Chức năng quản lý nhà nước tuy được giao cho Bộ Tư pháp nhưng nhiệm vụ chung đối với việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật là rất nặng nề và không chỉ của riêng Bộ Tư pháp mà là nhiệm vụ chung mà tất cả các Bộ, ngành, các địa phương trong cả nước. Kể cả khi nhiệm vụ này được giao cho tất cả các cơ quan nhà nước thì việc bảo đảm thi hành pháp luật, một lĩnh vực bao trùm các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và diễn ra ở tất cả các cấp độ khác trong cuộc sống, cũng không thể thực hiện được nếu thiếu sự tham gia của nhân dân.

Sự tham gia của nhân dân không chỉ là trách nhiệm vào sự nghiệp chung mà đấy còn là quyền được Đảng và Nhà nước bảo đảm thông qua phương châm hành động “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nêu trên, qua đó cũng bảo đảm được hiệu quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầy thách thức này. Tại tập 12 trang 212 Hồ Chí Minh toàn tập,trong "Bài nói chuyện tại lớp bồi cán bộ lãnh đạo cấp huyện" ngày 18 tháng 01 năm 1967, Bác Hồ nói: "Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng: Dễ 10 lần không dân cũng chịu; Khó trăm lần dân liệu cũng xong".

Trên thực tế, việc nghiên cứu vai trò của tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước nói chung và trong việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói riêng đã được tiến nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện trước đây. Đối với việc nghiên cứu về chức năng quản lý nhà nước về thi hành pháp luật và nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luât, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng đã hỗ trợ cho các chuyên gia thực hiện hoạt động xây dựng Báo cáo nghiên cứu triển khai nhiệm vụ theo dõi chung thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp trong khuôn khổ Dự án VIE/02/015. Từ kết quả nghiên cứu, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1987/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”. Đồng thời ngày 03/3/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 03/2010/TT-BTP hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Các văn bản này là cơ sở pháp lý ban đầu để thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Tiếp nối hoạt động nghiên cứu này, trong bối cảnh ngày 23/7/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có 5 Chương, 20 Điều, quy định cụ thể về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định “Huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân” là một trong năm nguyên tắc cơ bản trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Sự tham gia của tổ chức, cá nhân không chỉ được quy định tại Điều 4 của Nghị định mà còn được cụ thể hoá ở nhiều điều, khoản trong Nghị định, chẳng hạn như quy định tại Điều 6 về “Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật”, Điều 11 về “Thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật”.

Được sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” do UNDP tài trợ, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã tổ chức nhóm chuyên gia tiến hành nghiên cứu và làm rõ hơn vai trò của tổ chức và cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật là rất cần thiết, trên cơ sở đó, tiếp tục để có thể cụ thể hoá cơ chế tham gia của tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Sau một thời gian ngắn, Nhóm chuyên gia đã hoàn thành báo cáo đánh giá với chất lượng tốt, báo cáo tập trung vào các nội dung chính sau đây:

1. Nội dung liên quan đến vai trò của tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại Việt Nam: Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, việc phân loại các tổ chức chưa được quy định thống nhất (điều này sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần sau), nhất là các quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm của tổ chức trong việc tham gia quản lý nhà nước nói chung và trong việc bảo đảm thi hành pháp luật nói riêng. Chính vì vậy, trong điều kiện nguồn lực của Dự án, nghiên cứu này không thể rà soát hết tất cả các loại hình tổ chức được nêu trong Phần I của Báo cáo mà sẽ lựa chọn, phân tích một vài tổ chức đặc thù và có vai trò tương đối rõ theo quy định của pháp luật trong việc tham gia quản lý nhà nước, cụ thể là chủ yếu tập trung phân tích sự tham gia của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, để nêu và phân tích ở phần đánh giá vai trò của các tổ chức này trong việc tham gia quản lý nhà nước và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Về cá nhân, các quy định pháp luật không quy định cụ thể vai trò của cá nhân trong việc tham gia theo dõi thi hành pháp luật mà chỉ quy định cho cá nhân dưới một số tư cách cụ thể, chẳng hạn như đại biểu quốc hội, cử tri… vì vậy, Báo cáo nghiên cứu cũng sẽ căn cứ vào quy định pháp luật cụ thể để lựa chọn, phân tích làm rõ sự tham gia của cá nhân trong các tư cách này. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nguồn lực hỗ trợ của Dự án cho hoạt động nghiên cứu.

2. Nội dung liên quan đến kinh nghiệm một số nước trên thế giới về vai trò của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thi hành pháp luật và/hoặc theo dõi tình hình thi hành pháp luật: Với điều kiện hỗ trợ kinh phí của Dự án cho nội dung nghiên cứu liên quan đến kinh nghiệm nước ngoài, theo sự để xuất của chuyên gia, trao đổi với các cơ quan, tổ chức có liên quan, các nước sẽ được lựa chọn, nghiên cứu và đưa vào trong nội dung báo cáo là Phi-lip-pin, Trung Quốc và Vương quốc Anh. Trong đó, Phi-lip-pin đại diện cho các quốc gia đang phát triển và ở Đông Nam Á; Trung Quốc đại diện cho các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi và ở Châu Á; Vương Quốc Anh đại diện cho các quốc gia phát triển, ở Châu Âu và đại diện cho hệ thống pháp luật án lệ. Đối với nội dung nghiên cứu của từng quốc gia, nghiên cứu sẽ phân tích các nội dung cụ thể sau: (1) Vai trò của tổ chức trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định pháp luật hiện hành và theo quy tắc/điều lệ của các tổ chức đó; (2) Vai trò của cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định pháp luật hiện hành; và (3) Hình thức tham gia, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước, theo dõi thi hành pháp luật và các hoạt động khác của nhà nước, tập trung vào các hoạt động bảo đảm thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

3. Kiến nghị chung: Bên cạnh nội dung nghiên cứu tách biệt giữa các quy định hiện hành và thực tiễn của Việt Nam trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật với kinh nghiệm của một số nước liên quan đến công tác này, Báo cáo nghiên cứu sẽ có một phần kiến nghị chung xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu từ các quy định của Việt Nam và của các nước. Nội dung kiến nghị này bao gồm: (1) Đánh giá khả năng áp dụng kinh nghiệm của nước ngoài về vai trò của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thi hành pháp luật vào thực hiện của Việt Nam; (2) Kiến nghị cơ chế phối hợp hiệu quả giữa cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân trong việc quản lý nhà nước và theo dõi tình hình thi hành pháp luật; và (3) Kiến nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc tham gia của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý nhà nước nói chung và theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói riêng.

Hy vọng rằng, Báo cáo nghiên cứu này là một nguồn thông tin bổ sung hữu ích, góp phần tăng cường và hoàn thiện  cơ chế theo dõi thi hành pháp luật tại Việt Nam.

Đầu mối liên hệ: Nguyễn Hồng Tuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật kiếm Giám đốc Tiểu dự án, Bộ Tư pháp, điện thoại: 62739383, email: tuyendn@moj.gov.vn