Chuyên đề: SỰ CẦN THIẾT GIA NHẬP VIỆN QUỐC TẾ VỀ NHẤT THỂ HÓA PHÁP LUẬT TƯ (phần 2)

Chuyên đề: SỰ CẦN THIẾT GIA NHẬP VIỆN QUỐC TẾ VỀ NHẤT THỂ HÓA PHÁP LUẬT TƯ (phần 2)

23/3/2015

 

III. Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư 

Viện Quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư (viết tắt là UNIDROIT, tên chính thức tiếng Anh: the International Institute for the Unification of Private Law; tiếng Pháp: Institut international pour l'unification du droit privé) là một tổ chức liên chính phủ độc lập có trụ sở tại Villa Aldobrandini, Rome, Ý. UNIDROIT được thành lập lần đầu tiên vào năm 1926, với tư cách là một cơ quan giúp việc của Hội quốc liên. Sau khi Hội quốc liên tan rã, Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư đã được thành lập lại vào năm 1940 theo một thoả thuận đa phương, trên cơ sở Quy chế của UNIDROIT.

Mục đích của Viện là nghiên cứu nhu cầu và phương pháp hiện đại hoá, hài hoà hoá và điều hoà pháp luật tư, đặc biệt là luật thương mại giữa các quốc gia và các nhóm quốc gia và xây dựng nên các văn kiện pháp lý, các nguyên tắc và luật lệ thống nhất nhằm đạt được các mục tiêu đó.

Cho đến nay, UNIDROIT có 63 quốc gia thành viên từ 5 châu lục, đại diện cho nhiều hệ thống pháp luật, kinh tế và chính trị và truyền thống văn hoá khác nhau. Trong đó, các nước châu Á có 08 quốc gia, trong đó có 01 quốc gia ASEAN là thành viên của UNIDROIT, bao gồm: Ấn Độ (là thành viên năm 1950), Nhật Bản (năm 1954), Hàn Quốc (năm 1981), Trung Quốc (năm 1986) Indonesia (năm 2009), Pakistan, Iran và Iraq.

Với tư cách là một diễn đàn để các quốc gia thành viên xây dựng và thực hiện những quy tắc chung của tư pháp quốc tế nhằm điều phối mối quan hệ giữa các hệ thống tư pháp khác nhau trong bối cảnh quốc tếthúc đẩy hợp tác tư pháp trong lĩnh vực thương mại quốc tế, UNIDROIT hoạt động tích cực trong 2 lĩnh vực chính là: Thứ nhất, nhất thể hóa pháp luật, bao gồm soạn thảo các công ước quốc tế hoặc nhất thể hóa pháp luật; Thứ hai, các hoạt động hỗ trợ (thông qua các dự án cụ thể) nhằm thúc đẩy nhất thể hóa pháp luật, bao gồm xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu, đánh giá về nhất thể hóa pháp luật, các hoạt động xây dựng pháp luật của các cơ quan, tổ chức quốc tế khác và xây dựng một cơ sở dữ liệu về nhất thể hóa pháp luật. Ngoài ra, Viện còn cung cấp các học bổng, các khóa đào tạo luật pháp hữu ích bằng nguồn tài chính do đóng góp của các thành viên, của quỹ tín thác có được từ đóng góp của các nhà tài trợ hoặc của cá nhân Tổng Thư ký. Bên cạnh đó, UNIDROIT thực hiện và duy trì các hoạt động nhằm hỗ trợ cho công tác nhất thể hoá pháp luật của tổ chức mình như: duy trì một thư viện nổi tiếng thế giới; chuẩn bị một số ấn phẩm chuyên môn trong lĩnh vực nhất thể hoá pháp luật; chương trình hợp tác pháp luật; dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về luật thống nhất; tổ chức định kỳ các đại hội, cuộc họp và toạ đàm/hội thảo.

Ngay từ khi thành lập, UNIDROIT đã xác định nhiệm vụ của mình là tìm ra biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hài hòa, có trật tự và hiệu quả trong sự xung đột pháp luật các nước trong khi vẫn tôn trọng sự đa dạng của các hệ thống pháp luật mỗi nước. Mục đích của UNIDROIT (từ Bộ Nguyên tắc hợp đồng thương mại đến các văn bản trong các lĩnh vực khác) là hướng tới giải quyết công bằng đối với một vấn đề, dù nhìn dưới góc độ của bất cứ hệ thống pháp luật, kinh tế hay chính trị của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Mục tiêu đó   được thể hiện ở cả hình thức (các từ ngữ, thuật ngữ…) và nội dung (bảo đảm sự linh hoạt trong điều kiện phát triển thương mại quốc tế - hài hóa hóa pháp luật trên cơ sở bảo đảm sự cân bằng với yêu cầu linh hoạt của thế giới hiện đại).

Mục đích của UNIDROIT là dự liệu các quy định hiện đại, thống nhất, hài hoà, của luật tư theo nghĩa rộng. Tuy nhiên, khái niệm “luật tư” ở đây cũng chỉ mang tính tương đối, bởi thực tế công tác lập pháp của UNIDROIT và các tổ chức quốc tế khác, cũng như hoạt động thương mại quốc tế trên thực tế cho thấy cần thiết phải kết hợp giữa công pháp và tư pháp, đặc biệt là trong các lĩnh vực pháp luật mà ranh giới giữa tư pháp và công pháp khó phân biệt, hoặc khi luật tố tụng và luật thực định hoà quyện vào nhau. Các quy tắc thống nhất do UNIDROIT soạn thảo liên quan đến các quy định của luật thực định; các luật này chỉ chứa đựng quy định về xung đột pháp luật một cách ngẫu nhiên.  

Với địa vị độc lập trong số các tổ chức liên chính phủ, UNIDROIT đã lựa chọn cách tiếp cận với lĩnh vực pháp luật đặc thù (luật tư) và phương pháp làm việc riêng. Chính vì vậy, tổ chức này đã trở thành một diễn đàn đặc biệt phù hợp cho việc giải quyết những vấn đề thiên về tính kỹ thuật và ít mang tính chính trị.  

Các quy định thống nhất do UNIDROIT soạn thảo thường là dưới hình thức các Công ước quốc tế, được thiết kế nhằm áp dụng mặc nhiên với hiệu lực cao hơn so với pháp luật trong nước sau khi hoàn tất mọi yêu cầu chính thức do pháp luật nước đó quy định để các điều ước quốc tế có hiệu lực. Các giải pháp "luật cứng" (ví dụ các Công ước) sẽ cần thiết khi phạm vi điều chỉnh của các quy định đó vượt quá một quan hệ lưỡng cực thường được điều chỉnh trong luật hợp đồng và khi lợi ích của các bên thứ ba hay lợi ích công cộng đang bị đe doạ giống như các trường hợp quy định trong luật về tài sản.  

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng không phải tất cả các hình thức lựa chọn về nhất thể hoá trong các lĩnh vực chuyên ngành đều mang tính ràng  buộc. Với một số hình thức như Luật mẫu các quốc gia có thể nghiên cứu tham khảo khi soạn thảo văn bản pháp luật trong nước về vấn đề có liên quan; hoặc các Nguyên tắc chung trong đó các thẩm phán, trọng tài viên được quyền quyết định có sử dụng các luật mẫu và nguyên tắc chung đó hay không; hoặc như các bản Hướng dẫn pháp luật có giá trị tham khảo khi các bên chưa thể đi đến thống nhất để xây dựng các quy định chung. Những văn bản không có giá trị ràng buộc mà chỉ có giá trị tham khảo này được coi là một trong các hình thức hài hoà hoá. Mặc dù vậy, các loại hình văn bản được gọi là Luật mềm (soft law) này của UNIDROIT cũng được đánh giá rất cao và được tham khảo nhiều từ phía các quốc gia thành viên cũng như các quốc gia không phải là thành viên.

Chẳng hạn như năm 1994, Viện đã xuất bản phần I cuốn “Những nguyên tắc của hợp đồng thương mại quốc tế”. Nội dung cuốn sách này bao gồm những nguyên tắc chung về ký kết, giải thích, thực hiện và không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng. Cuốn sách này đã được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ, trong đó có cả bản dịch ra tiếng Việt. Mặc dù các nguyên tắc không phải là các văn kiện mang tính bắt buộc và hậu quả là việc chấp thuận các nguyên tắc này phụ thuộc vào việc thuyết phục cơ quan có thẩm quyền[1], song, thực tế cho thấy các nguyên tắc UNIDROIT đã rất thành công vì đã thuyết phục được các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực hợp đồng quốc tế trong rất nhiều năm qua và đã ảnh hưởng đáng kể vào các công cuộc cải cách pháp luật về luật hợp đồng trên toàn cầu, từ các nước châu Âu (Nga, Hà Lan…), Châu Á (Trung Quốc) đến các nước châu Phi. Các nhà hoạt động thực tiễn như trọng tài viên, thẩm phán, luật sư của các nước thành viên cũng như của các nước không phải là thành viên của Viện đều đánh giá cao những nguyên tắc này. Ngay cả những nhà lập pháp của nhiều nước cũng sử dụng “nguyên tắc” này để tham khảo, nghiên cứu  phục vụ cho việc soạn thảo các văn bản pháp luật về hợp đồng (ví dụ Đức tham khảo cuốn sách này để soạn thảo Luật cải cách Luật trái vụ 2001).

Với gần 90 năm hoạt động, UNIDROIT đã soạn thảo được nhiều Công ước quốc tế trong lĩnh vực hợp đồng, thương mại, mua bán hàng hoá quốc tế, chuyển nhượng kinh doanh quốc tế, vận chuyển hàng hoá và hành khách quốc tế về hợp đồng du lịch, về Quỹ đầu tư, về bảo hiểm quốc tế đối với các xe cơ giới v.v... Quan trọng nhất là các công ước mà UNIDROIT soạn thảo đã định hình nên các nguyên tắc chung, các luật cơ bản trong lĩnh vực pháp luật về tư pháp quốc tế. Nhiều Dự thảo do UNIDROIT soạn thảo đã được thông qua như Công ước La Hay 1964 về mua bán hàng hoá quốc tế, Công ước Brussel 1970 về Du lịch quốc tế, Công ước Washington 1973 ban hành mẫu thống nhất về di chúc quốc tế, Công ước Genevơ 1983 về đại lý bán hàng hoá quốc tế, Công ước Ottawa 1988 về thuê mua tài chính và chuyển giao quyền yêu cầu, Công ước Roma 1995 về sản phẩm văn hoá xuất khẩu trái phép và gần đây nhất là Công ước Cape Town về đăng ký thế chấp quốc tế đối với các thiết bị có giá trị cao và các Nghị định thư đính kèm (xem thêm Phụ lục đính kèm).

Ngoài ra, UNIDROIT còn có các văn kiện khác như:

- Hướng dẫn đối với hợp đồng chính về nhượng quyền kinh doanh quốc tế (1998);

- Luật mẫu về công khai việc nhượng quyền kinh doanh (2002);

- Các Nguyên tắc về Hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT (bản đầu tiên được xuất bản năm 1994, còn bản thứ hai lớn hơn được xuất bản năm 2004 và gần đây nhất là Bộ Nguyên tắc năm 2010);

- Hướng dẫn về các thỏa thuận nhượng quyền đặc quyền quốc tế;

- Các nguyên tắc và thủ tục thanh toán dân sự (được thực hiện trên cơ sở hợp tác với Học viện Luật Hoa Kỳ);

Trong nghiên cứu khoa học pháp lý, kể từ lần đầu tiên thực hiện từ năm 1993 đến nay, UNIDROIT đã hỗ trợ học bổng cho 258 nghiên cứu viên từ 60 nước trên thế giới để thực hiện các nghiên cứu sâu theo chủ đề lựa chọn; có 51 thư viện tại 46 nước thành viên đã được chỉ định làm nơi lưu trữ các tài liệu của UNIDROIT; đồng thời UNIDROIT cũng đã xây dựng các cơ sở dữ liệu điện tử bao gồm các tài liệu của các hệ thống pháp luật dân sự, pháp luật chung, kết hợp giữa các hệ thống pháp luật và các kết quả nghiên cứu làm nguồn cơ sở quan trọng cho nghiên cứu pháp luật của thế giới.  

Kết quả nghiên cứu về Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư – UNIDROIT cho thấy việc gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư của Việt Nam là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thực tế, UNIDROIT là một tổ chức quốc tế liên chính phủ với chức năng nghiên cứu và thực hiện các hoạt động hiện đại hoá, hài hoà hoá pháp luật tư, đặc biệt là luật thương mại giữa các quốc gia và các nhóm quốc gia có uy tín bậc nhất trên thế giới. Đây là tổ chức có quy mô toàn cầu, quy tụ được hầu hết các cường quốc trên thế giới, như Anh, Pháp, Nga, Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc... với 63 quốc gia thành viên đến từ 5 châu lục, đại diện cho nhiều hệ thống pháp luật, kinh tế, chính trị và truyền thống văn hoá khác nhau. Nó hoàn toàn có thể đáp ứng được những mong đợi về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực pháp luật của Việt Nam.