I. Bối cảnh và những nhu cầu nội tại
1. Các kỳ Đại hội Đảng và đường lối phát triển hội nhập quốc tế
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương “phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững”. Từ đó đến nay, chủ trương này tiếp tục được khẳng định và nhấn mạnh tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc và trên thực tế cũng đang được tích cực triển khai thực hiện. Đặc biệt, Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng đã đánh dấu bước chuyển quan trọng về tư duy hội nhập “triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các hoạt động đối ngoại” trên tất cả các kênh song phương và đa phương và “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.
Thực hiện đường lối đối ngoại cởi mở này, trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã và đang ngày càng đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương trên nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ động tham gia và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế nhằm tạo dựng mối quan hệ bền vững, nâng cao vai trò của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế, gia tăng mức độ gắn kết, đan xen lợi ích giữa nước ta với các nước, đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững an ninh, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần tạo nên thế và lực mới cho đất nước trong quá trình cục diện quốc tế mới đang được định hình.
2. Bối cảnh trong nước trong quá trình hội nhập
Trong quá trình hội nhập, các quan hệ giao lưu dân sự, thương mại, đầu tư... giữa cá nhân, tổ chức của Việt Nam với cá nhân, tổ chức của các quốc gia và vùng lãnh thổ ngày càng gia tăng, vai trò của các tổ chức xã hội, các tập đoàn xuyên quốc gia cũng vì thế mà tăng lên mạnh mẽ. Các quan hệ có yếu tố quốc tế này chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau và không ít trường hợp làm phát sinh những “xung đột pháp luật”.
Trong khi đó, để điều chỉnh các quan hệ đó, hệ thống pháp luật Việt Nam còn đang rất hạn chế (hiện mới chỉ có một số văn bản quy pháp pháp luật như: Bộ luật Dân sự (phần 7) và một số nguyên tắc “chọn luật áp dụng” được quy định rải rác trong nhiều Văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Hàng Hải, Luật Thương mại..., pháp luật về trọng tài còn là lĩnh vực mới mẻ, hầu như chưa được điều chỉnh), do đó chưa thật sự đáp ứng một cách hiệu quả các yêu cầu cuộc sống đặt ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Đặc biệt, trong điều kiện thế giới đang có nhiều chuyển biến quan trọng, nhất là sau khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 – 2009, nhiều vấn đề quốc tế không thể được giải quyết ở tầm song phương, mà cần được giải quyết ở tầm đa phương với nỗ lực đề cao thực thi pháp luật quốc tế và các quy tắc ứng xử chung.
3. Kết quả và nhu cầu hợp tác đa phương
Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập, đến nay, Việt Nam đã là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực ở mọi tầng nấc, từ tiểu vùng như Hợp tác Mê Công, Hành lang Đông – Tây, đến Cộng đồng các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC), đến các tổ chức hợp tác ở tầm liên khu vực như Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM), Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn Hợp tác khu vực Đông Á – Mỹ La Tinh (FEALAC), Nhóm các thị trường mới nổi thứ hai (CIVETS: Gồm: Colombia, Indonesia, Việt Nam, Egypt (Ai cập), Turkey (Thổ nhĩ kỳ) và South Africa (Nam Phi) với điểm chung là dân số trẻ và đông, chính trị tương đối ổn định, nền kinh tế đa dạng, hệ thống tài chính khá tốt, và đặc biệt là không bị lạm phát cao, mất cân bằng thương mại và nợ công đe dọa), Cộng đồng Pháp ngữ (Organisation Internationale de la Francophonie – OIF) và vươn tới cả những tổ chức quốc tế có tầm bao quát và phạm vi ảnh hưởng toàn cầu như Liên hợp quốc hay Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong lĩnh vực tư pháp, Việt Nam cũng đẩy mạnh gia nhập các điều ước quốc tế đa phương từ khu vực đến toàn cầu. Cụ thể là: tham gia, tổ chức các diễn đàn, hội nghị quốc tế về tư pháp và pháp luật như Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN, Diễn đàn pháp luật các nước ASEAN, Diễn đàn cải cách tư pháp Châu Á - Thái Bình Dương v.v.. Gần đây nhất là sự kiện đánh dấu những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp cận các thiết chế pháp lý đa phương toàn cầu với việc gửi đơn xin gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và đã trở thành thành viên chính thức của Hội nghị này từ tháng 4/2013. Trong giai đoạn tới, cùng với việc tiếp tục tham gia các liên kết kinh tế sâu, rộng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thì việc tích cực, chủ động phát huy vai trò của Việt Nam, tăng cường các đề xuất, sáng kiến, ý tưởng tại các cơ chế đa phương là cần thiết, nhằm không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng khu vực và quốc tế mà còn phát huy vai trò và vị thế của đất nước. Đồng thời đó cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ các lợi ích của đất nước, người dân, các tổ chức và doanh nghiệp, cũng như phát hiện và khai thác các cơ hội hợp tác mới.
Thực tiễn nêu trên càng thúc đẩy Việt Nam phải hội nhập mạnh mẽ, hài hòa hóa pháp luật trong nước với pháp luật các nước trên thế giới. Cùng với xu thế chung của cả dân tộc, ngành Tư pháp Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực “chuyển mình”, tự vận động để từng bước xây dựng và tạo lập vị thế trong môi trường pháp lý quốc tế. Các định chế pháp lý đa phương đã bắt đầu trở thành “mục tiêu hướng đến” của ngành Tư pháp từ những năm cuối của thập niên thứ nhất của thế kỷ 21. Đến đầu năm 2013, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Cùng với đó, ngành Tư pháp cũng đã đề xuất việc nghiên cứu khả năng gia nhập một số tổ chức quốc tế khác.
II. Cơ sở xây dựng Đề án
1. Đường lối, chủ trương của Đảng
Tầm quan trọng của việc tham gia các cơ chế đa phương về hợp tác tư pháp quốc tế tạo điều kiện cho phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã được khẳng định tại một loạt các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Cụ thể là:
Điều 12 Hiến pháp 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”, “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Điều 50).
Đồng thời, Tại Nghị quyết 48 -NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về việc ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, nội dung về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nêu rõ: “Tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp với nguyên tắc của WTO và các cam kết quốc tế khác. Xây dựng một khung pháp luật chung cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, xoá bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư; từng bước thống nhất pháp luật áp dụng đối với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng theo hướng tôn trọng thoả thuận của các bên giao kết hợp đồng, không trái với đạo đức xã hội, không xâm phạm trật tự công cộng, phù hợp với tập quán, thông lệ thương mại quốc tế”.
Mới đây, tại Hội nghị về đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam ngày 12/8/2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định: “Đối ngoại đa phương là phương tiện hữu hiệu để chúng ta triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa hội nhập quốc tế. Các thể chế, diễn đàn đa phương là nơi Việt Nam bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh và phát triển; nâng cao vị thế của đất nước và hài hòa với các lợi ích chung; cùng chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu và xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở đề cao vai trò của luật pháp quốc tế. Đồng thời, đây cũng là nơi chúng ta thể hiện tinh thần Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, đồng thời Thủ tướng đã chỉ đạo: “cần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong triển khai đối ngoại đa phương. Đây là thời điểm chúng ta cần và hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”.
2. Văn bản chỉ đạo
Sau một thơi gian nghiên cứu về UNIDROIT kể từ năm 2012, việc xây dựng Đề án khả năng gia nhập Viện Nhất thể hóa pháp luật tư đã chính thức được đưa vào chương trình xây dựng Đề án, văn bản của Bộ Tư pháp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, ngày 21/01/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, đề xuất tham gia các điều ước quốc tế đa phương trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp” và Quyết định số 776/QĐ-BTP ngày 10/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phân công soạn thảo đề án, văn bản năm 2014, Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng Đề án nghiên cứu về khả năng gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư (UNIDROIT).
Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu, rộng trên mọi lĩnh vực, nâng cao mức độ hội nhập kinh tế, trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phù hợp với Đề án định hướng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2013 – 2016, với tư cách là cơ quan chủ trì đàm phán các Hiệp định song phương và đa phương trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đặc biệt, với chủ trương xây dựng Bộ Tư pháp thành trung tâm của cả nước về tư pháp quốc tế, Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực tìm hiểu về các điều kiện gia nhập UNIDOIRT thông qua nghiên cứu Quy chế của tổ chức này và tìm hiểu kinh nghiệm các nước là thành viên của Viện. Đây là tiền đề quan trọng cho việc tiến hành các bước tiếp theo của Việt Nam trong tiến trình gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư.