BỘ TƯ PHÁP PHỐI HỢP DỰ ÁN JICA ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG, NHU CẦU HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TẠI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN CHO DOANH NGHIỆP

BỘ TƯ PHÁP PHỐI HỢP DỰ ÁN JICA ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG,  NHU CẦU HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TẠI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN  CHO DOANH NGHIỆP Thực hiện hiện Kế hoạch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (gọi là Chương trình 585) phê duyệt, ngày 8/9/2017 tại TP. Hồ Chí Minh, được sự phân công của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Dự án JICA) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp”

Với mục đích rà soát, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn và xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên phạm vi cả nước để hoàn thiện các quy định pháp luật về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và chuẩn bị cho việc triển khai chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017, có hiệu lực từ 01/01/2018. Tham dự và chủ trì Tọa đàm có TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và Ông Kawanishi Hajime - Cố vấn trưởng Dự án JICA tại Việt Nam, bà Kamada Sakiko - Thẩm phán và các chuyên gia Dự án JICA cùng các Chuyên gia pháp lý, chuyên gia kinh tế của Việt Nam đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan, đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp một số địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp cùng với gần 80 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, báo đài tại TP. Hồ Chí Minh đưa tin về Tọa đàm.

           Theo Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì doanh nghiệp là cộng đồng quan trọng nhất trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển các nguồn lực xã hội, việc doanh nghiệp “chết”, phá sản kéo theo trình trạng thất nghiệp tăng, khó khăn trong việc làm cho người lao động và gây mất ổn định kinh tế, chính trị. Vì vậy, Nhà nước cần quan tâm và nhanh chóng có các biện pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao ý thức pháp luật, hạn chế rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Theo Ông Phan Đức Hiếu, thông qua Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020 (gọi là Chương trình 585) cộng đồng doanh nghiệp biết đến vai trò của Bộ Tư pháp nhiều hơn trong công tác thực thi pháp luật thông qua các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 cũng đã có hẳn chế định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Điều 14), tuy nhiên, theo Ông Hiếu, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Luật này không chỉ được quy định rõ trong Điều 14 mà cần phải được hiểu và thực hiện xuyên suốt 7 hình thức, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và Luật quy định, bởi trong các hoạt động hỗ trợ đó như hỗ trợ tín dụng, đất đai, khởi nghiệp… đều rất cần cơ quan nhà nước, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn các chính sách trên, hạn chế được các chi phí pháp lý không đáng có đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo.
           Theo PGS-TS. Dương Đăng Huệ - Giám đốc Trung tâm thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp – Bộ Tư pháp thì trong thời gian tới Bộ Tư pháp cần phát huy vai trò chủ trì giúp Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và nâng cao hơn nữa hiệu quả, cơ chế hoạt động này đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đúng tinh thần Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Theo đó, cần làm rõ được định nghĩa về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở Việt Nam, xác định rõ đối tượng, mục đích, thời gian thực hiện… để từ đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như Nghị định số 66/2008/NĐ-CP nêu trên và ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC – BTP ngày 12/10/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp trong việc hướng dẫn lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo PGS-TS. Dương Đăng Huệ, để nâng cao hiệu quả công tác này từ đó phát huy vai trò của Bộ Tư pháp đối với cộng đồng doanh nghiệp thì vấn đề đầu tiên vẫn là con người, bộ phận tổ chức thực hiện, để thực hiện tốt vai trò của Bộ Tư pháp đối với cộng đồng doanh nghiệp với hơn 612.000 doanh nghiệp như hiện nay (trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97,7%) thì cán bộ, tổ chức thực hiện nhiệm vụ này ở Bộ Tư pháp cần được củng cố lại và không nên kiêm nhiệm, nên bố trí tổ chức thực hiện và nhân sự hợp lý để đổi mới, triển khai hiệu quả hơn nữa hoạt động trên trong thời gian tới, nhất là từ ngày 01/01/2018 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 có hiệu lực và cộng đồng doanh nghiệp này đang rất mong chờ Bộ Tư pháp phát huy vai trò của mình trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
             TS. Nguyễn Am Hiểu đến từ Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Bộ Tư pháp muốn “đồng hành” cùng doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ thì khởi nguồn đầu tiên là xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, trong đó thông qua vai trò các hiệp hội như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hiệp hội ngành nghề là những thiết chế quan trọng nhất giúp cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
             Đại diện Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Cục Công tác phía nam – Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Văn phòng luật sư và các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tham gia Tọa đàm cũng phát biểu ý kiến liên quan đến nhu cầu, những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố. Phát biểu kết luận Tọa đàm TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và Ông Kawanishi Hajime - Cố vấn trưởng Dự án Jica tại Việt Nam cũng chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản và đưa ra các giải pháp, kế hoạch để trình các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong thời gian tới./.
NCS-Ths. Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp

Trần Minh Sơn