TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG DUY TRÌ MẠNG LƯỚI TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO DOANH NGHIỆP TẠI BÌNH THUẬN

Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585), thực Hiện hợp đồng giữa Ban quản lý chương trình 585 và Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực về việc tổ chức duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại Bình Thuận. Trên cơ sở kết quả thực hiện Hợp đồng, Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xin báo cáo kết quả công tác tổ chức hoạt động duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại Bình Thuận, cụ thể như sau:

A. NỘI DUNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
1. Tổ chức tọa đàm  
  -  Chuyên đề: Trao đổi kinh nghiệm giữa Cộng tác viên và Doanh nghiệp trong quá trình duy trì mạng lưới và giới thiệu về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ( nghị định 57/2018/ NĐ –CP)
  - Thời gian tổ chức:  ngày 21 tháng 11 năm 2018
  - Địa điểm: Hội trường Resort Gành Mũi Né -  Khu phố 14, Đường Hồ Xuân Hương, Phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, Bình Thuận
  -  Chủ trì tọa đàm: Ông Lê Văn Nhật – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ rợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
-  Đại biểu tham dự:  Đại diện doanh nghiệp, đại diện tổ chức hành nghề luật sư, các luật gia, hội viên của Hội doanh nghiệp địa phương và đại diện các cơ quan, tổ chức khác có liên quan và đội ngũ cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới.
   
2. Nội dung tọa đàm
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm HTPL&PTNNL đại diện cho Cơ quan chủ trì Chương trình đã giới thiệu về mô hình mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN, HTX theo Chương trình 585 – Bộ Tư pháp và những  khuyến cáo về thực thi pháp luật cũng như nhu cầu tư vấn pháp luật phố biến của doanh nghiệp.  Các đại biểu, chuyên gia đã tập trao đổi các tham luận về chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Pháp luật về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp - Bất cập và hướng hoàn thiện;  Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam; Thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
3. Nội dung hỏi đáp trả lời vướng mắc tại tọa đàm
Tọa đàm nhận được các  ý kiến đặt vấn đề trao đổi, hỏi đáp của các đại biểu tập trung vào các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cụ thể như sau:
3.1. Có doanh nghiệp hỏi hiện tại tôi đang tìm hiểu về quy định pháp luật về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cho tôi hỏi, dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư là gì?.
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì khái niệm dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được quy định cụ thể như sau:
Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật về đầu tư.
Nghị định 57/2018/NĐ-CP còn giải thích về dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư như sau:
- Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định pháp luật về đầu tư.
- Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I thực hiện tại vùng nông thôn, không thuộc địa bàn đã quy định tại khoản 3 và 4 Điều 3 Nghị định 57/2018/NĐ-CP.
Trên đây là nội dung tư vấn về dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP.
3.2. Có doanh nghiệp hỏi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định miễn, giảm tiền thuê đất, tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cụ thể như thế nào
Theo quy định, doanh nghiệp được nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư.
Miễn, giảm tiền thuê đất
Các doanh nghiệp trên sẽ được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Theo quy định, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) được Nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích đất để làm nhà ở cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật Đất đai được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi.
Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo.
Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 5 năm tiếp theo.
Giúp tiếp cận nguồn vốn
Để giúp các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được nguồn vốn, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành với mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.
Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại: Tối đa 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. 
Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 8 năm; dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm.
Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao
Nhà nước cũng hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ đối với các doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng.
Muốn được hưởng chính sách trên, doanh nghiệp phải: Có doanh thu năm trước tối thiểu bằng 10 lần mức hỗ trợ; các bản quyền, công nghệ doanh nghiệp đề xuất mua phải phù hợp với định hướng phát triển sản xuất của doanh nghiệp đã đăng ký.
Nghị định quy định rõ, trường hợp đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng mức hỗ trợ; trường hợp không được áp dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng 50% mức hỗ trợ.
Nghị định cũng nêu rõ, doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt được ngân sách nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị.
Ngoài hỗ trợ hạ tầng trên, nếu doanh nghiệp nhập, bò giống cao sản để nuôi trực tiếp hoặc liên kết nuôi với hộ gia đình thì được hỗ trợ bổ sung là 10 triệu đồng/con.
4. Hoạt động tư vấn, giải đáp những vướng mắc pháp luật kinh doanh cho nghiệp
Trung tâm, đã tổ chức phát phiếu yêu cầu tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức cho doanh nghiệp đề xuất những vướng mắc trong quá trình kinh doanh với các công tác viên tham gia mạng lưới. Các doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn đã đề xuất câu hỏi  tư vấn theo mẫu gửi BTC.
Đối tượng thụ hưởng: Doanh nghiệp tham gia Tọa đàm và doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn
- Cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới là các cá nhân được lựa chọn và qua công tác đào tạo, tập huấn từ hoạt động thiết lập.
- Hình thức tư vấn: Tổ chức phát phiếu yêu cầu tư vấn cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp điền thông tin nội dung cần tư vấn cho các chuyên gia tư vấn, trên cơ sở phiếu tư vấn, các chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp bằng văn bản trả lời có xác nhận của trung tâm.
- Số lượng phiếu tư vấn: 19 phiếu
B. KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở nội dung tại Tọa đàm, Trung tâm tổng hợp một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, cụ thể như sau:
Một là, pháp luật cần sớm quy định thống nhất danh mục ngành, nghề nào là ngành, nghề nông nghiệp được ưu đãi đầu tư. Đối với quy định này, nên xây dựng theo hướng căn cứ xác định danh mục ngành, nghề nông nghiệp được ưu đãi đầu tư thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Vì Luật Đầu tư hiện hành được xem là văn bản quy phạm pháp luật nền tảng quy định về ưu đãi đầu tư.
Hai là, các quy định về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần quy định về phạm vi áp dụng hình thức ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư nông nghiệp theo hướng thống nhất với quy định của Luật Đầu tư. Mặt khác, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cần sửa đổi theo cách hiểu và xác định của Luật Đầu tư.
Ba là, đối với quy định ưu đãi về thời hạn miễn thuế đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; thời hạn miễn tiền thuê đất đối dự án đầu tư nông nghiệp có sử dụng diện tích đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, đất trồng cây xanh và đất phục vụ phúc lợi công cộng cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Bốn là, việc áp dụng miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư nông nghiệp theo quy định của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chưa thống nhất với quy định của Luật Đất đai năm 2013. Điều này đặt ra yêu cầu cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP phù hợp với quy định của Luật Đất Đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Vì cho đến nay, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP vẫn được xem là cơ sở pháp lý quan trọng và chủ yếu quy định về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Năm là, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung thêm theo hướng tiếp tục cho phép xác định mức cho vay dựa vào sự thỏa thuận giữa khách hàng và tổ chức tín dụng nhưng sự thỏa thuận này được giới hạn với tỷ lệ phần trăm mức vốn tối đa mà nhà đầu tư được vay. Đối với thời hạn cho vay, nên quy định thời hạn tối đa cho vay phù hợp với tính chất của từng dự án sao cho đảm bảo được quyền lợi của cả bên cấp tín dụng và bên khách hàng. Riêng về mức lãi suất cho vay, pháp luật có thể quy định theo một trong hai hướng sau: (i) Quy định tỷ lệ % lãi suất trên năm tối đa được áp dụng đối với khoản cho vay hoặc (ii) Quy định khoản tỷ lệ % lãi suất cho vay thấp hơn cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng đối với cùng khoản vay. Điều này, giúp nhà đầu tư nông nghiệp có nhiều cơ hội chủ động tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi nông nghiêp theo quy định của pháp luật.   
Sáu là, đối với quy định về trích lập Quỹ phát triển KH&CN, nếu có thể pháp luật nên tăng tỷ lệ trích lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển KH&CN đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng không vượt quá một tỷ lệ nhất định để sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển KH&CN đầu tư cho hoạt động KH&CN, riêng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể trích lập một tỷ lệ khác sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp nhưng không được vượt quá 18% lợi nhuận trước thuế. Về thời hạn sử dụng nguồn Quỹ, nên chăng pháp luật cần quy định kéo dài thời hạn sử dụng nguồn Quỹ so với 05 năm như hiện nay và nên phân hóa theo nhóm về sự phức tạp và mức hiện đại của KH&CN được doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển. Cơ quan có thẩm quyền cũng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể căn cứ để xác định như thế nào là sử dụng nguồn Quỹ không đúng mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bảy là, đối với quy định về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, cần áp dụng thống nhất một thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư giữa các nhà đầu tư. Điều này góp phần, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, vừa đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam. Nên chăng, cần có quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện các trường hợp ưu đãi đầu tư được điều chỉnh tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP và quy định khi nhà đầu tư có dự án thuộc các trường hợp điều chỉnh ưu đãi đầu tư thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh theo quy định pháp luật. Khi đó, có thể hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện các trường hợp ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư năm 2014 và khoản 2 Điều 33 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.

Trần Thanh Tùng