​

Nhiều mô hình sáng tạo trong thực hiện Ngày Pháp luật

09/11/2018
Nhiều mô hình sáng tạo trong thực hiện Ngày Pháp luật
Qua 05 năm triển khai Ngày Pháp luật, cùng với nhiều bộ, ngành thì các địa phương cũng đã nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để việc triển khai trở nên thiết thực hơn, gần gũi hơn với đời sống xã hội. Nhiều mô hình mới đã ra đời thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết của các địa phương để pháp luật đi vào đời sống một cách dễ hiểu, hữu ích và phục vụ tối đa nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Những mô hình cần nhân rộng
Nổi bật như tại Bình Dương, Ban An toàn giao thông tỉnh và 7/7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức triển lãm hình ảnh về giao thông tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh và các khu tập trung đông dân cư như chợ, khu vui chơi, công viên… trong tuần lễ cao điểm. Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang triển khai mô hình sinh hoạt Ngày Pháp luật đờn ca tài tử, mô hình giáo dân tìm hiểu pháp luật, mô hình lồng ghép góp vốn xoay vòng.
Tại An Giang tổ chức sinh hoạt định kỳ Ngày Pháp luật, đa số các cơ quan đều tổ chức sinh hoạt Ngày Pháp luật với tần suất thực hiện 01 lần/ tháng, một số cơ quan như Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Sở Công Thương, VKSND tỉnh có tần suất thực hiện Ngày Pháp luật cao hơn từ 2 đến 4 lần/ tháng. Tại tỉnh Long An, mô hình “Tiết học pháp luật” được duy trì đều đặn và là một trong những hoạt động hưởng ứng mang lại hiệu quả thiết thực.
Tại Hưng Yên, Ngày Pháp luật đã được đưa vào nhà trường với mô hình “Cổng trường trật tự an toàn giao thông”. Tại Tuyên Quang, Đồng Nai, Bến Tre, các đội chiếu phim lưu động tổ chức chiếu phim phục vụ cán bộ, nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp, kết hợp phổ biến, tuyên truyền về Hiến pháp, pháp luật với thời gian 30 phút trước giờ chiếu phim.
Tại Ninh Bình, Thư viện tỉnh trong tuần lễ cao điểm đã tổ chức trưng bày sách pháp luật; Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh đã tổ chức khai thác những bộ phim tài liệu, phim truyện có nội dung tuyên truyền về biển đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia hoặc những tiểu phẩm pháp luật để phát sóng trước giờ chiếu phim. Tại Sóc Trăng, các điểm chùa linh thiêng của người dân tộc Khơ me được chọn làm địa điểm để tập trung tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho lực lượng tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc Khơ me, có tác dụng tốt trong phát huy vai trò của đội ngũ này trong việc đưa chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, trong tuần lễ cao điểm đã tổ chức đăng ký kết hôn tập thể tại 04/18 xã của huyện.
Mô hình Ngày hội pháp luật được TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc… tổ chức thường xuyên, định kỳ trong tuần lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật để tư vấn, giải đáp kiến thức pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động thông qua các tình huống, vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người lao động. tổ chức và mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua mô hình “Quán cà phê pháp luật”, TP Cần Thơ đã tổ chức trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở.
Sôi nổi, phong phú các hoạt động hưởng ứng
Bên cạnh triển khai các mô hình mới, việc tổ chức Ngày Pháp luật còn được duy trì, kế thừa kết quả từ mô hình Ngày Pháp luật từ trước đó, với ý tưởng các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật, ngày tôn vinh, tìm hiểu, học tập pháp luật. Do vậy, nhiều địa phương ngoài hưởng ứng Ngày Pháp luật 09/11 hàng năm, vẫn duy trì sinh hoạt Ngày Pháp luật thường kỳ hàng tuần, hàng tháng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Cụ thể, một số địa phương ấn định ngày sinh hoạt pháp luật cụ thể hàng tháng thông qua họp cơ quan, giao ban, họp chi bộ. (Phú Yên, huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum)...). Một số địa phương còn hướng dẫn cụ thể chủ đề sinh hoạt Ngày Pháp luật hàng tháng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh (Vĩnh Phúc) hoặc phân công các đơn vị chịu trách nhiệm về từng chủ đề sinh hoạt Ngày Pháp luật của cơ quan hàng tháng (Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn)...
Một số tỉnh, thành phố đã chủ động tổ chức các cuộc thi, hội thi hưởng ứng Ngày Pháp luật trong quy mô toàn địa bàn như tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015 (Bắc Kạn, Đắk Lắk…); tìm hiểu Bộ luật Hình sự (sửa đổi) (Lào Cai, Quảng Ngãi…); cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự” (Bình Dương); cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính” (Nghệ An); cuộc thi tìm hiểu “Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự” (VKSND TP Đà Nẵng); Thành đoàn TP HCM đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh cổ động và khẩu hiệu tuyên truyền pháp luật. Cũng tại TP Hồ Chí Minh, Hưởng ứng Ngày pháp luật, Sở Tư pháp TP. đã chính thức vận hành cổng thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật TP.HCM tại địa chỉ: http://tuyentruyenphapluat.tp.hcm.gov.vn. Đây là kênh cung cấp thông tin pháp luật chính thức cho người dân và các doanh nghiệp
Tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật cũng được rất nhiều địa phương thực hiện. Nhiều địa phương tổ chức hội thảo, tọa đàm để hưởng ứng gắn với quán triệt mục đích, ý nghĩa, chủ đề, nội dung, hình thức và đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả Ngày Pháp luật như tổ chức tọa đàm về Ngày Pháp luật (Sơn La, Điện Biên, Hậu Giang, Quảng Trị)… cũng như tổ chức các hội thảo đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác PBGDPL như tại Lào Cai (tổ chức Hội thảo ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin), Quảng Ngãi (tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vân động, PBGDPL góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn trên địa bàn tỉnh), Bà Rịa – Vũng Tàu (tổ chức Hội thảo chuyên đề “Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong tình hình mới”)…
Thục Quyên